Sinh ra và trưởng thành sau những vạt rừng lá xanh của đại ngàn, cô gái với nhan sắc đậm chất cao nguyên đã tự tay vo tròn những định kiến hoai mục để viết tiếp nên những trang sách mới của cuộc đời. Không chỉ tràn đầy năng lượng, tự tin bên trong H’hen Niê còn tỏa phát một nguồn hào quang đẹp đẽ: hào quang của tình thương và sự tử tế. “Quyền năng” của chiếc vương miện dường như đã được trao cho người xứng đáng nhất, Hen vẫn đang mỗi ngày phát huy triệt để sức lan tỏa của bản thân để rồi trở thành một biểu tượng đẹp cho những phẩm chất đáng quý.

H’hen Niê- viên ngọc thô của đất cao nguyên

Những ngọn núi cao sừng sững; những vạt rừng nhuốm màu hoang sơ; những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh co như những đoàn tàu nối đuôi nhau mải miết; những mùa hoa cải, hoa ban rải thảm hay những cánh đồng cà phê thơm lựng theo gió bay về làm dậy nồng nơi sườn đèo, chân núi. Đó cũng là nơi sinh sống và lao động của đồng bào dân tộc Ê-đê.

Hen sinh ra từ miền quê đầy nắng ấy, bên những cung đường tối tăm khi Mặt Trời lặn mất, những cung đường không có ánh đèn và dường như màu tối và cả nắng gió đã thấm nhuần trong từng làn da thớ thịt của Hen.

Một tuổi thơ thiếu thốn, khó khăn cùng tháng năm trưởng thành với định kiến, hủ tục dường như vẫn không đủ sức để dập đi niềm lạc quan, hi vọng trong đôi mắt nụ cười rạng rỡ của một thiếu nữ đất cao nguyên. Từ khi còn là một đứa trẻ- ở độ tuổi mà phần đa chúng ta nghĩ về toàn sự ham vui, mảng chơi, làm biếng… thì Hen đã bắt đầu tự mình gánh vác và quán xuyến công việc nhà cửa. Từ mâm cơm nhỏ đến những gánh cà phê, những vết trầy xước và làn da cháy xạm, Hen không kêu ca cũng chẳng than trách, cô tự nuôi những ước lớn nhỏ nên hình nên hài. Và với Hen tháng ngày tuổi thơ không hề bi đát, đó là những khoảng khắc hạnh phúc và đầy tiếng cười, “tôi luôn tự hào và vui sướng về tuổi thơ của mình”- Hen chia sẻ.

Một ấu trùng nhỏ luôn khao khát được hóa cánh bướm bay đi

Buôn làng Sứt M’đưng ngày trước không đề cao việc học, tập tục và định kiến vẫn chưa dễ rời đi vì dường như đã cắm rễ quá sâu vào lòng đất đỏ bazan. Với họ, học chỉ để biết chữ và con gái ở tuổi 14-15 đã quá đủ lớn để trở thành vợ, thành mẹ, thành con dâu. Đã nhiều lần Hen bị gia đình khuyên nhủ từ bỏ học hành để kết hôn, sinh con đẻ cái thế nhưng cô gái trẻ đủ nhận thức để hiểu thực sự bản thân muốn gì, cần gì. Hành trình đều đặn năm cây số đạp xe đến trường quá gian nan cho một thiếu nữ để có thể đổi về một trang sách, bài vở, tri thức nhưng đáng quý hơn là bởi sự lạc quan chưa bao giờ bị vùi tắt. Hen đã nói với mẹ “con muốn đi tìm cho mình cơ hội mới để có một tương lai tốt đẹp”.
Ước mơ trong cô bắt đầu là một que kem, một ổ bánh mì, một bộ đồ mới và sau này là mong ước cháy bỏng về ngày đặt chân lên ngưỡng đại học. Tuổi thanh xuân của Hen đã không hoài phí trôi qua, Hen thi đậu cao đẳng kinh tế đối ngoại và bắt đầu tự mình trang trải đời sống sinh viên.

4 ngày “thót tim” của H'Hen Niê ở hang Sơn Đoòng - Kênh truyền hình Đài  Tiếng nói Việt Nam - VOVTV

Tất tả đi phụ bàn, rửa chén bát thuê hay phát tờ rơi, sống trong phòng trọ chật hẹp với hai người bạn, mỗi bữa ăn 10.000 đồng không hơn không kém…Hen vẫn không bỏ cuộc. Đã nhiều lần cô khóc vì mệt mỏi và tủi thân, đã nhiều lần nhắc mình hay buông tay thôi cho đỡ mỏi mệt. Sau cùng Hen vẫn đứng lên, tháng năm vất vả đã nuôi cô can đảm hơn mỗi ngày và một vài phút mủi lòng không dễ để làm cô gục ngã.

Thành công liên tiếp khai hoa, khỏa lấp những lận đận và nỗi đau đã đánh đổi trước đó, Hen trở thành hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 và là người đẹp đầu tiên của xứ sở sen hồng ghi tên mình vào top 5 Miss Worlds 2018. Hình ảnh một cô gái da nâu của đất đại ngàn giàu tình thương, nụ cười rạng rỡ, gương mặt thanh tú và câu chuyện đầy cảm hứng đã nhanh chóng nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn, sự tôn trọng, ngưỡng mộ của cộng đồng.

Và giờ ta nhìn thấy một cánh bướm xinh đẹp đang giang rộng cánh bay đi. Cuộc đời mòn mỏi sau những lũy tre như một lớn kén giày cộm, xơ xác; Hen đã dứt mình rời đi từ đó; đầy tự tin và bản lĩnh; rực rỡ và không ngừng là nguồn cảm hứng bất tận cho tất cả mọi người.

Hen- cốc nước thủy tinh không bị pha màu

Trong môi trường showbiz đầy rẫy thị phi, những tay phóng viên, paparazi luôn chực chờ soi mói đời tư và chia năm xẻ bảy những câu chuyện, sự kiện… nhưng dường như tất cả điều tiếng đã quên lãng cô gái dân tộc Ê-đê. Cái tên H’hen Niê chưa hề sụt giảm sức nóng mà ngày càng được săn đón, yêu mến.

Ứng xử khiêm tốn, lễ phép, nói năng nhỏ nhẹ, không giả tạo, bao giờ cũng chỉ thấy Hen gần gũi và thân quen. Hen vẫn đủ lý trí để biết mình, giữ mình và tôn trọng người khác kể cả những người không yêu thích mình.

Không lái xe trăm tỉ, đồ hiệu đắt đỏ, trang sức lấp lánh, không khoe khoang ba hoa thành tích, không chạy theo giấc mơ phù phiếm về một đại gia; bóng hồng của miền sơn cước vẫn chân trần đội nắng theo mẹ ra đồng gặt lúa, cắt cỏ, cũng hồn nhiên tranh mua đồ hạ giá hay không ngần ngại khoe mặt mộc quay những video giản dị nhất về cuộc sống thường nhật tại buôn làng…

Không tẩy da, tắm trắng, đắp răng, phẫu thuật chỉ để thỏa lòng tiêu chuẩn cái đẹp của người khác để rồi biến mình thành một hoa hậu chung chung, đại trà. Hen tôn trọng chính cơ thể mình, cô yêu chính con người mình và không bao giờ nuôi tư tưởng đem cuộc sống lồng trong khuôn ép mốc mọt của người khác.

Hen nhận thức đủ lớn để hiểu giá trị, phẩm cách của một con người không tới từ ánh hào quang. Chiếc vương miện đầy quyền năng nhưng cũng là thứ đồ quá nhỏ bé và mong manh để có thể chứa đựng phẩm giá lớn lao của một con người. Một phần nào đó, nó chỉ là sự ghi nhận nhỏ nhoi cho những nỗ lực và tình cảm của người hâm mộ. Người ta yêu Hen bởi chính cô, bởi con người cô, bởi trái tim và sự trẻ trung, bản lĩnh bất chấp nghịch cảnh và vẫn sẽ tiếp tục yêu Hen, sẽ dõi theo và tôn trọng những gì cô cống hiến.

“Ngọn gió cuốn đi” của làng hoa hậu

Hen từng kể về những đồng lúa quê mình, về những ngày bắt chước bố cầm liềm gặt lúa. Giai đoạn cuộc đời nào của Hen cũng gắn liền với những trường từ vựng chỉ về hạnh phúc, vui vẻ, may mắn… Dường như Hen cũng rất giống với loài thảo mộc kiên cường ấy của Tây Nguyên, một thân cỏ non mong manh cắm chặt mình vào lòng đất, dũng cảm vươn lên, dũng cảm sống và khi đơm bông, trổ đòng đến khi dần chín thì dần cúi đầu khiêm nhường, tử tế. Cúi đầu không phải né tránh ánh Mặt Trời hay sự sợ hãi, áp lực hào quang. Cúi đầu chỉ đơn thuần để giữ trong mình một ý nghĩ mình mãi mãi là một đứa con của cộng đồng, dân tộc. Và Hen đã gắn cuộc đời mình vào cuộc đời của những đồng bào một cách tự nhiên như thế.

Trở về sau ngày đăng quang, ta nhận thấy Hen trong sự giản dị, chân chất, mộc mạc đến mức nhiều người chê bai không có khí chất hay chỉ giỏi mặc lại đồ cũ. Đáng tiếc thay cho những con người vẫn giữ trong mình những miệt thị về chuẩn mực cái đẹp, Hen đã học được cách “bơ đi mà sống”. Cô gái thuần khiết cũng chẳng bận tâm lên tiếng để bật lại những gì người ta phỉ báng và chê bai mình, nàng hậu chỉ âm thầm nỗ lực làm việc và cống hiến mỗi ngày.

Hen về quê hương, tự tay thắp sáng những cung đường vào buôn làng Sứt M’đưng đã từng tăm tối hết cả tuổi ấu thơ lẫn tuổi trẻ của Hen. Hen trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo, giúp đỡ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thay vì tham gia các show diễn thời trang, event hào nhoáng, Hen lại ngược xuôi thực hiện những chuyến thiện nguyện, xây dựng thư viện, tham gia các chiến dịch tình nguyện, ủng hộ đồng bào miền Trung mùa lũ…

Và mới đây, khi Việt Nam đối mặt với mùa dịch covid thứ tư, dù nhiều người nổi tiếng với những phát ngôn gây tranh cãi về việc cung ứng thực phẩm hay vô số lùm xùm xoay quanh câu chuyện từ thiện nhưng dường như thị phi đã không chạm đến cô gái đại ngàn H’Hen. Trong tâm dịch, hình dáng cô gái Ê-đê nhỏ nhắn trong bộ đồ bảo hộ ướt mồ hôi và xăm xăm, niềm nở tham gia tình nguyện ở thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự ngợi ca và lan toả từ cộng đồng. Không cần một bộ đầm công chúa lộng lẫy, không cần phấn son màu mè, Hen đẹp hơn bao giờ hết bởi sự rực rỡ của tuổi trẻ sung sức và tình nguyện.

Khi gắn ai đó vào định nghĩa, khái niệm của “vẻ đẹp trái tim” hay “tâm hồn thiện lương”, sẽ nhiều người nghe ra một sự sượng sạo đầy tính học thuật, lý thuyết nhưng nếu là Hen thì không thể phủ nhận rằng điều đó vô cùng chân thực. Xem những bức ảnh của Hen với những chị em trong nhóm thiện nguyện lăn xả giữa nắng mưa, khói bụi; người ta rất khó để nhìn ra hình ảnh một cô Hoa hậu, một người đẹp mà chỉ như đang tiếp xúc với một người bạn, một người chị, một người em, một đứa cháu nhỏ với tấm lòng vàng lấp lánh. Đều đặn mỗi ngày gắn mình vào cộng đồng, dù là những đợt tiêm phòng hay lấy mẫu xét nghiệm, cô còn chẳng ngại làm một shipper lăn xả trong tâm dịch, bốc vác những bao gạo, đi siêu thị cho người dân và chạy xe máy chở hàng cứu trợ…

Chiếc vương miện không bắt ép Hen gánh vác nghĩa vụ phải thực thi những chuyến tình nguyện, nhưng Hen vẫn làm, không ngại khổ, không ngại dấn thân. Đó là những hành động đẹp xuất phát từ một trái tim thiện tâm đủ lớn và đủ để những việc nghĩa nhọc nhằn không trở nên quá khó khăn.

Như một câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trên đời cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…” và ngọn gió đại ngàn H’hen Niê vẫn đang mỗi ngày cuốn đi, lan tỏa những điều đẹp đẽ, sáng trong vô ngần ấy, về mọi miền đất, về mọi khung trời.

Vượt qua sự nghi kị về “thiện nguyện từ tâm”

Muốn đội vương miện phải chịu được sức nặng của nó quả thật không sai; Hen đang đứng ở vị trí mà trăm, triệu người mơ ước tất nhiên cô hiểu được những áp lực và sự đánh giá đè nặng lên mình nhưng Hen vẫn đang nỗ lực để giữ vững sự ổn định trong lòng công chúng. Một tấm lòng đẹp như Hen không dễ để bắt gặp trong giấc mơ phù du của showbiz- một cỗ máy được điều tiết và vận hành bởi những scandal, tiền bạc, mối quan hệ, danh tiếng…

Người thiện lương bao giờ cũng khó để sống, không chỉ như Chí Phèo hay lão Hạc chỉ có trong văn học hiện thực phê phán của Nam Cao mà nó cũng là câu chuyện của chính xã hội ở thì hiện tại tiếp diễn này. Quá đáng buồn bởi những hành trình thiện nguyện lúc nào cũng gặp phải chỉ trích và soi mói. Từ nghệ sỹ Việt Hương, Thủy Tiên, bầu Đức của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai hay đến chính Hen cũng gặp phải sự bắt bẻ, xăm soi.

Dù có là thiếu nữ mạnh mẽ đến đâu, Hen vẫn đơn thuần chỉ là một con người, vẫn đau và vẩn tổn thương. Trong đợt cứu trợ đồng bào miền Trung, cô đã bật khóc bởi câu hỏi ác ý: “Hoa hậu sao làm từ thiện có 50 triệu đồng?” .
Vậy từ bao giờ mà tiền bạc lại có thể đem ra để làm thước đo cho tình thương và sự cống hiến? Người nổi tiếng họ không có trách nhiệm phải từ thiện hay ủng hộ thế nên mọi sự đóng góp dù chỉ một ngàn hay hai ngàn đồng thì cũng là một tấm lòng và cũng cần được trân trọng. Những con người chỉ nói, chỉ có thể gõ máy tính để viết đi những commend tiêu cực rồi hồn nhiên đóng máy rời đi ấy, người ta dường như quên mất chính mình cũng là công dân và cũng cần cống hiến cho cộng đồng.

Liệu rằng khi chúng ta muốn làm điều gì đó tử tế cũng cần phải trình bày và viết giải thích tường minh chi tiết? Đã đến lúc con người nên trói tay mình lại để nghĩ đủ thông và đủ sâu trước khi gõ đi một cụm từ nào đó. Ngôn từ có sức nặng của riêng nó và vết thương nó để lại là vết thương lòng chứ không dễ dàng nhìn thấy hay lành lặn đi như chỉ một vết xước xát trên da thịt.

Chúng ta đang khiến con người và chính mình mất dần đi niềm tin vào sự tử tế và tình thương. Không chỉ bây giờ mà trước kia nhiều nghệ sỹ đã phải lên tiếng vì bị đả kích nặng nề chỉ vì những chuyến tình nguyện.

Chung quy lại, nếu không làm được như những gì người khác đang cố gắng làm thì đừng lên tiếng đặt điều và chỉ bảo. Chúng ta cần “sống tốt” chứ không phải “sống dựa vào lòng tốt” của người khác để rồi chỉ thấy mình vẫn chưa đủ và vẫn thiếu thốn. Lòng tốt của Hen nói riêng và của những người tình nguyện nói chung phải luôn xứng đáng được ngợi khen, được lan tỏa và được ghi nhận.

Sau cùng, vượt qua nỗi đau về tinh thần cũng là thêm một lần để Hen hình thành cho mình một liều miễn dịch mạnh mẽ với những đàm tiếu, dèm pha. Hen bước tiếp và đã bỏ ngoài tai mọi lời đánh giá. Cô góp mặt trong mọi chuyến xe băng băng qua tâm dịch để đến với những khu cách ly, Hen đứng dưới sân chơi của những tòa nhà giữa trung tâm thành dịch để rồi cô gọi đó là “sân khấu đặc biệt nhất mà Hen từng đứng”. Một sân khấu không có đèn màu, chỉ có sắc vàng ấm áp như nắng của những ngọn đèn cao áp; không cần những người giám khảo hay giới chuyên môn tinh tế vì với cô những người đồng bào, bè bạn, người hùng áo trắng đang đứng cùng cô là minh chứng cho những nỗ lực và niềm tin yêu mà cô được nhận một cách xúc động, tràn đầy nhất.

Mãi là ngọn gió khởi đi từ đại ngàn đến mọi miền quê của Tổ quốc

Hen xách vali rời nhà và chập chững trên sàn catwalk từ một con số 0 tròn trĩnh. Đó là một hành trình đầy trắc trở, đầy gian truân, có vui buồn, có hạnh phúc và cũng có vấp ngã tổn thương. Cuộc sống, hào quang cũng đã rất công bằng với Hen, không có nỗ lực nào là không có thành quả. Chiếc vương miện đã về tay của người xứng đáng nhất. Như Hen từng nói “ngày mai của tôi sẽ còn đẹp hơn ngày hôm nay” thế nên dù nghịch cảnh có tăm tối nhường nào, vẫn luôn có cách để tự ta tạo ra những kẻ hở và tìm lại ánh sáng.

Sau tất cả, Hen vẫn xứng đáng là nàng Hoa hậu đẹp nhất của Việt Nam, đẹp từ khi đứng trên sân khấu đến khi về lại làm một người thanh niên tình nguyện của Tổ quốc, một vẻ đẹp đủ sức để làm nên sự vĩnh cửu và đáng tôn vinh bằng tất cả lòng yêu mến, niềm tự hào, sự trân trọng.