Tôi là một đứa trẻ chưa từng lớn, thực sự là vậy, dẫu cho thể xác có phát triển đến bao nhiêu đi chăng nữa. Ở độ tuổi 18 này, một cái tuổi đẹp trong mắt của mọi người, với tôi cũng vậy, 18 luôn luôn mang trong mình những mơ mộng, ước vọng và tâm tư của một người mới lớn, nhưng nhiều khi cũng hay hoài niệm về những thứ đã qua với bản thân và cuộc sống xung quanh. Có lúc, tôi chợt nhận ra rằng, chà cuộc sống mới diệu kì và ý nghĩa làm sao!
Tôi thực sự may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có đầy đủ tình yêu thương từ ông bà, cha mẹ, người thân và đó đã là món quà ý nghĩa nhất mà ông trời ban cho tôi. Nhưng tôi vẫn luôn băn khoăn và gợn trong lòng một cảm giác khó tả vì cái năm mà mình sinh ra lại là một năm mất mát quá nhiều với gia đình, từ người cụ kính mến tới người ông hiền từ chờ đứa cháu nội lọt lòng. Phải chăng, lúc tôi chào đời lại cũng chính là lúc thời gian của mọi người đã cạn. Thực sự, khi được nghe kể lại tôi xót xa vô cùng. Sinh ly tử biệt cũng là phần tất yếu của cuộc sống, trong suốt quá trình tôi lớn lên cũng bắt gặp khá nhiều. Hiện lên đầu tiên trong kí ức của tôi là đám tang của cụ ông, người mà tôi quý mến vô ngần. Vào những ngày đầu thu năm 2007, lúc đó, một đứa trẻ con chỉ mới lên 5 còn ngơ ngác trong đám tang của cụ nó mà đâu biết rằng cuộc chia ly này là mãi mãi. Từ đêm hôm trước, ông bà tôi đã lục đục sửa soạn tất bật và đem tôi sang nhà bố mẹ, ngôi nhà mà tôi hay gọi là nhà Mới, Mới dường như trở thành cái tên bất đắc dĩ vì tôi chẳng ở ngôi nhà đó nhiều nên nó mới và cũng là vì tôi đã ở nhà ông bà từ hồi mới cai sữa nên tôi lại càng quấn ông bà hơn bố mẹ. Sáng sớm hôm sau, trời cao trong xanh lắm, bố mẹ chở tôi vào cụ, một quang cảnh ảm đạm khác xa với ngày thường đập ngay vào mắt tôi. Không hiểu sao mà tôi có thể nhớ như in những khoảnh khắc ấy, tiếng khóc thút thít và cả tiếng gọi tất bật của người lớn trong nhà, trong họ. Tôi chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, chạy vội vào trong nhà và thấy cụ nằm trên giường với chiếc khăn mặt mới đắp…Cụ gái và các bà ngồi xụp một góc, nước mắt dàn dụa, trong đấy, bà tôi cũng khóc, một cảm giác khó tả trong lòng tôi. Có lẽ lúc đấy, tôi còn quá bé để hiểu và có khi còn chẳng có cảm xúc buồn đau. Tôi chỉ quan tâm là tôi không phải đi mẫu giáo và được ăn cỗ, ôi thật ngớ ngẩn ngô nghê biết bao. Nhưng tôi cũng không cảm thấy hối tiếc vì tôi đã có thời gian chăm sóc, đấm lưng, thủ thỉ, tỉ tê với cụ bao nhiêu câu chuyện. Chỉ có điều là thời gian cụ ở bên gia đình không được như kì vọng. Cụ đã ra đi nhưng câu chuyện về cụ thì mãi không bao giờ vơi. Tới bây giờ, khi lớn lên mới cảm nhận được sự mất mát này ý nghĩa phần nào, và tôi lại sợ đến lúc phải nói lời từ biệt, càng sợ hơn khi phải chững kiến cảnh người thân khóc. Vì thế, bản thân không biết từ bao giờ luôn ý niệm rằng càng trân trọng và thêm yêu những lúc ở gần mọi người, gắn bó và thân thiết với ông bà, luôn nhìn họ bằng đôi mắt ngưỡng mộ. Trải qua mười mấy năm, rồi cũng đã lớn hơn, nhận thức ra được nhiều điều, tôi thấy có những cuộc chia ly dường như được dự báo trước…Đó là cuộc chia ly của cụ gái, người cụ cuối cùng của tôi. Cụ hiền lắm và đẹp nữa, à có một sự thật rằng cụ gái hơn cụ trai tận 5 tuổi nhưng trong quá khứ khi họ còn sống với nhau thì tình cảm vô cùng. Cụ ông luôn che chở và chiều chuộng cụ bà như hồi mới yêu, tôi thực lòng không còn từ nào để thể hiện sự mến mộ này nữa rồi. Tôi rất nhớ những lần “vinh dự” được làm chân lái xe riêng cho cụ bà, được nghe những lời ngâm Truyện Kiều, được ăn món cháo trai chưa hè nóng bức, được ăn lộc, ăn phần từ cụ mỗi lúc đi chùa… chẳng biết nói gì hơn ngoài một tấm lòng chân chất luôn hướng về cội. Thế rồi vào một mùa đông cuối năm 2019, sáng sớm hôm ấy, trời lạnh hơn thường ngày, cụ tôi có qua nhà hàng xóm, trên đường về bỗng dưng bị đột quỵ, ngã ở trước cổng, nhưng may thay được phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời. Khi nhập viện được mấy hôm, tôi có vào thăm và bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng thần sắc của cụ tệ đến mức mình không dám nhìn cụ quá lâu. Khuôn mặt cụ tím tái, giọng nói thều thào, không rõ ràng, dường như đã mất khả năng giao tiếp khiến mình hoảng hốt, không nghĩ rằng chuyện này lại thay đổi nhanh đến thế. Mới chỉ hôm qua, cụ còn tươi cười nói chuyện vui vẻ mà giờ đã đổ bệnh như này. Ngồi ngoài hanh lang bệnh viện, nhìn dòng xe cứu thương vội đến lại vội đi, tôi thấy càng thấy đồng cảm và trân trọng những giây phút không phải vào bệnh viện của mọi người. Thương! Và, thời gian cũng thấm thoắt trôi qua, cụ cũng đã được ra viện, tình hình của cụ cũng đã khả quan hơn. Tôi nhớ dịp Tết năm 2020, cũng chính là năm cuối cùng mà cụ ở lại bên gia đình, cụ vẫn cười tươi lắm, Tết mà, cụ có hiểu mọi người chỉ có điều cụ không nói được thôi. Nhưng từ sau đợt Tết, cụ yếu hẳn, chân bắt đầu đau nhiều hơn, và thực ra cú ngã lần trước đã là một dấu hiệu dự báo cụ sẽ yếu hơn trong nay mai mà thôi. Mọi người trong nhà cũng đã chăm sóc cụ rất chu đáo, cẩn thận, tối tối, các con cháu lại tụ tập trong nhà nói cười vui vẻ bên cụ, ấm áp lắm. Về những khoảng thời gian cuối đời, cụ cũng thỉnh thoảng khó chịu vì cơ thể không được ổn, cụ không còn khỏe như trước, mọi hoạt động của cụ bây giờ đều nhờ vào sự giúp đỡ của con cháu. Nhìn cụ buồn hẳn đi… Rồi đến một ngày cuối tháng 4, cụ đã không còn phải mệt nhọc chịu đựng những cơn đau nữa và đã ra đi nhẹ tênh trên cõi hồng trần. Trong đám tang của cụ, tôi mới thực sự thấm được sự chia ly lần này, tôi không còn là đứa bé 5 tuổi hôm nào. Chua xót, ngậm ngùi, cay đắng, câm lặng, thổn thức,…tự dưng trong đầu tôi cứ vang vẳng lại những kỉ niệm hồi xưa còn cụ, như một cuộn phim, cứ quay vòng tròn mãi. Buổi đưa tiễn cụ về nơi an nghỉ cuối cùng nặng nề khôn xiết, bài xẩm Thập ân cứ thế được vang lên trong bầu không khí vậy: “Mẹ mới có thai kể từ một ân là từ khi mẹ mới có thai…” Giờ tôi viết những dòng này, cảm xúc lại càng tuôn trào như mới ngày hôm qua. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã trở thành quá khứ, là lịch sử, là nỗi nhớ, là kỉ niệm không thể nào quên. Gia đình tôi cũng đã chấp nhận sự ra đi của cụ, coi đó là một giấc ngủ nhẹ tựa lông hồng. Mỗi khi có dịp, gia đình tôi vẫn thường tụ họp và nhắc nhớ về những điều đáng quý đó. Tôi thực sự tự hào vì đã được làm thế hệ hậu duệ của gia đình.
Bây giờ, dù có xa cách về không gian địa lý, nhưng tôi không lúc nào là không canh cánh về gia đình ở nơi xa xôi. Hình bóng của cả nhà, các bậc cha ông, các bà các mẹ vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí, như là một nguồn động lực, cổ vũ sức mạnh tinh thần. Hãy cho tôi một điểm tựa, điểm tựa ấy tôi chọn gia đình của mình. Qua bài viết tản mạn này, tôi chỉ như kể lể quá khứ của mình mà tôi ấn tượng với 2 cuộc chia ly xa cách này, tôi biết thật buồn khi người thân không còn trên đời nữa, nhưng thực sự nó là một phần tất yếu của cuộc sống, nó giúp chúng ta đối mặt với thực tế, nhìn nhận, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và hơn hết là sự thức tỉnh trong tâm hồn của những người con, người cháu. Hãy trân trọng những phút giây còn được bên gia đình. Không có điều gì là mãi mãi, rồi cũng đến lúc bạn cũng phải trải qua những cảm giác bắt đầu tới lúc tận cùng của cuộc đời vậy nên yêu gia đình hơn một chút nhé!

Top 10 bài văn tả bà hay nhất - Toplist.vn