Đối với người dân Miền Tây, nắng như người bạn đồng hành không thể thiếu để chuẩn bị cho một cái Tết vẹn tròn tươm tất. Khi lá mai già được lặt xuống, cũng là lúc nắng tháng Chạp đã đong đầy từ hiên nhà ra ngỏ hẻm, từ bàn thờ ông thiên đến chái bếp sau hè. Hoa mai vàng nhờ có nắng mới khoe được sắc xuân rực rỡ nhất. Chưa kể đến những cây bông giấy, nắng càng tốt sẽ càng nở tưng bừng, từng chùm bung ra như pháo nổ. Nắng còn ươm vàng những trái vú sữa, nhãn, xoài, cóc, mít,… Nắng làm đượm màu và dậy mùi những món mắm, khô, lạp xường, dưa chua, bánh tráng…

Trong số những món ăn chất chứa phong vị ngọt ngào nồng đượm của nắng Tết phương nam, không thể không kể đến món chuối khô. Từ những trái chuối chín cây, mà ngon lành nhất là giống chuối sứ, người ta có thể chế biến chuối khô theo nhiều cách khác nhau, như ép mỏng, hoặc lột vỏ rồi phơi nguyên trái, hoặc để lại cả vỏ lụa gọi là món chuối hồng. Cách chế biến kỳ công nhất có thể kể đến là món chuối ngào gừng, thường chỉ dịp Tết mới được làm để đãi khách, vì món này không bảo quản được quá lâu. Nguyên liệu chính của món chuối ngào gừng là những miếng chuối ép mỏng phơi khô. Để có những miếng chuối này, người ta dùng thớt ép dần, ép dần cho mỏng từng trái chuối chín đã lột vỏ, rồi đem phơi trên vỉ như phơi bánh tráng. Cách làm như vậy khiến thịt chuối được tiếp xúc nhiều nhất với không khí, làm lan tỏa hương thơm ngọt ngào của cây trái quê nhà.

Vào bếp với 6 món ăn vặt từ chuối bạn nên thử cho cả gia đình | Phụ Nữ Sức  Khỏe

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng từng nhắc đến hương thơm đó trong truyện ngắn Tro tàn rực rỡ: “Mùi mật chuối đặc sệt trong sân, đầu mũi em như ướt đẫm đường.” Khi đã có được những miếng chuối ép khô đủ nắng, người ta sẽ cắt sợi chúng ra, trộn thêm đường cát, gừng, đậu phộng rang rồi đem ngào hỗn hợp đó dưới lửa nhỏ cho kết dính với nhau, phải đảo liền tay đến khi đậu bám đều vào chuối thì tắt bếp để nguội.

Thành phẩm món chuối ngào gừng có hình thức là một món mứt dạng sợi, khiến nhiều người nhìn vào có thể ngại ăn vì rườm rà, nhưng khi đã đưa lên miệng thưởng thức thì thế nào cũng sẽ nhớ hoài. Những sợi chuối dẻo mượt kết hợp với độ giòn của đậu phộng rang tạo nên sự khoái khẩu khó cưỡng. Hương thơm và vị ngọt, cay, bùi của mật chuối cùng đường, gừng, đậu phộng,… hòa quyện với nhau ăn ý, để lại hậu vị dễ chịu vương vấn trên đầu lưỡi.

Nguyên liệu của món chuối ngào gừng tuy rất dễ tìm nhưng cách làm và cách ăn của món mứt Tết này mang nhiều nét dân dã đặc trưng của Miền Tây. Nó gợi nhớ quê hương từ thuở ban sơ. Chỉ cần nhìn vào sợi chuối ngào, ta dễ dàng hình dung được các công đoạn từ thu hoạch chuối chín đến ép, phơi, xắt, ngào,… qua bàn tay nâng niu của các bà, các mẹ, các chị. Hương vị mật chuối thấm đẫm nắng gió những mùa đã qua, chính là sự chắt chiu của con người đối với sản vật của đất trời, cũng là tấm lòng trân quý gởi đến cho nhau, khi trước thềm mùa xuân nắng mới đang về.

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến từng viết: “Nếu ta gởi tình yêu/Vào một nơi chân thật/Thì tình yêu của ta/Sẽ thành hương thành mật” (Gởi tình yêu). Sự góp mặt của món chuối ngào gừng đã mang đến cho mỗi mùa Tết trong tôi những hương mật ngọt ngào của yêu thương.