Má khóc. Cố nhướng cặp mắt lờ mờ đang giàn giụa nước mắt lên nhìn chị hai hỏi:

– Thằng tư có làm sao không con? Nó có đi tù không con? Rồi con vợ nó biết chưa?

Má hỏi liên tục làm cho chị hai không kịp trả lời. Mà muốn trả lời má cũng không biết trả lời làm sao? Chị hai thầm trách thằng tư. Cái thằng lớn mà dại. Ba mấy tuổi đầu còn phải để cho má phải lo âu. Má già rồi, sống nay chết mai đâu có thể lo cho nó cả đời được. Còn con vợ nó cũng kì. Rứa mà bỏ đi đành đoạn. Càng nghĩ càng tức, càng thấy thương má nhiều hơn.

Chị ba từ ngoài ngõ chạy xộc vào, cất giọng oang oang làm cả nhà phải ngước mắt lên nhìn chỉ:

– Thằng tư bị bắt hả má? Cái thằng…

Chị hai dường như hiểu chị ba muốn nói gì, sợ má đau lòng thêm nên cắt ngang lời chị ba:

-Ba. Mày bớt nói vài câu không được hả? Không thấy má đang buồn?

Chị hai vừa nói vừa đá mắt sang phía má ra hiệu cho chị ba nhìn thấy. Dường như đã thấy má khóc, chị ba hạ giọng hỏi nhỏ chị hai:

– Chuyện răng rứa chị hai? Rồi thằng tư có làm sao không?

Chị ba nói mà đôi mắt hướng về phía má. Thằng tư là đứa má thương nhất. Bây chừ nó lâm vào cảnh tù tội thì má biết sống làm răng? Thiệt là khổ.

Chị hai im lặng không đáp lời chị ba, quay lại nhìn má. Ba người đàn bà. Ba khuôn mặt khác nhau nhưng đều có chung một nỗi buồn…

***

Xóm Hạ Hòa trước giờ vốn yên bình. Mà không yên bình sao được khi nó nằm trên một cù lao gần như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Người ngoài vào xóm hay người trong xóm muốn ra ngoài thì chỉ có thể đi lại bằng xuồng. Xóm Hạ Hòa được coi là xóm ba miền, bắc trung nam có đủ. Hồi đó khổ quá, dòng người cứ vậy mà di cư vào nam lập nghiệp. Một vài người đứng bờ bên này nhìn sang thấy cù lao cỏ mọc tốt tươi đã bơi sang khai hoang trồng lúa, trồng màu. Thấy được họ dọn sang ở hẳn bên đó. Lúc đầu chỉ vài gia đình sau đó đông dần thành xóm, thành làng.

Má quê ở một tỉnh miền trung. Cái tỉnh mà quanh năm bão lụt hạn hán liên miên. Sống không nổi đành phải đi chứ nào ai muốn tha hương làm gì? Chạy tới chạy lui cũng vài chỗ, cuối cùng má cũng chọn cù lao này làm điểm dừng chân để lo cho ba đứa con đang độ tuổi ăn tuổi lớn.

Cái cù lao xung quanh toàn là nước, mà coi bộ lại thích hợp cho cây bưởi phát triển. Bắt đầu từ nhà chú tư Triều đưa giống đâu đó về trồng. Giống bưởi ruột đỏ chứ không phải trắng như bưởi Năm Roi. Ở cái xứ mình, thấy người làm được thì cứ bắt chước làm theo. Vậy là cả xóm đều
trồng bưởi. Nhà má cũng trồng mấy sào bưởi cho có với người ta.

Bưởi Hạ Hòa ngon ngọt, mọng nước, vỏ mỏng…thế là tiếng lành đồn xa.Thương lái về gom hết bưởi Hạ Hòa mà đưa đi khắp mọi miền đất nước, từ miền xuôi đến miền ngược. Cũng nhờ cây bưởi mà má mới nuôi ba đứa con khôn lớn và cất lại được căn nhà cấp bốn khang trang thay thế cho căn nhà tôn lụp xụp nằm ngay giữa vườn bưởi xanh ngát, mát rượi quanh năm.

Đang yên đang lành thì tin dữ ập xuống xóm. Không biết từ đâu mà cái tin; Bưởi Hạ Hòa sử dụng chất kích thích mới to tròn và mọng nước như vậy lan nhanh. Hình như nó lan đi cả nước rồi thì phải? Thế là bưởi Hạ Hòa ế. Nhìn những quả bưởi đã ươm màu, lúc lỉu trên cây, rụng đầy vườn mà ai nấy đều thở dài thườn thượt. Cả xóm trồng bưởi, sống nhờ bưởi, xem bưởi như con mà giờ không bán được thì phải tính làm sao? Chưa tính đến tiền công chăm sóc, chỉ riêng tiền phân bón, thuốc trừ sâu cũng là con số khá lớn. Một màu ảm đạm cứ vậy bao trùm xuống xóm.

Lúc tưởng chừng như tuyệt vọng nhất thì vị cứu tinh của xóm Hạ Hòa xuất hiện. Cũng không ai xa lạ mà chính là hai vợ chồng thằng tư. Nó dõng dạc tuyên bố:

“Bà con mình yên tâm. Lần này con về đây là muốn bao tiêu trọn gói bưởi của bà con mình để xuất khẩu”

Con vợ nó đế thêm vào:

“Ảnh nói đúng đó. Tụi con tìm được mối bán lại cho một công ty chuyên sản xuất rượu. Họ muốn xuất khẩu rượu bưởi sang nước ngoài nên họ cần số lượng lớn. Bưởi của bà con mình, bao nhiêu con mua hết. Nhưng có điều chờ xong vụ tụi con mới thanh toán được”

Mọi người trong xóm bán tín bán nghi. Xưa giờ chỉ nghe nói bưởi để ăn chứ nào nghe sản xuất rượu bao giờ. Nhưng cũng tặc lưỡi: “Thôi kệ. Nó không mua thì bán lẻ đến bao giờ? Mà có chèo xuồng đưa bưởi sang bên kia sông bán lẻ cũng chỉ chưa được một phần mười lượng bưởi. Trong xóm, nhà ít thì cũng một vài tấn, nhiều cả chục tấn hơn. Vả lại cũng không ai xa lạ vào đây cả. Con bà Sáu chứ ai?” Thế là đồng ý bán hết cho nó.

Má nhìn thằng tư nở nụ cười mãn nguyện trên gương mặt. Cái thằng rứa mà được. Không uổng công má cho nó ăn học rồi làm việc trên Sài Gòn. Trong lúc khó khăn nhất thì nó lại là người ra tay giúp đỡ được bà con xóm cù lao.

Nhưng niềm vui của má ngắn chẳng tày gang. Bữa đó, má đang ngồi trên võng mắc ngang hai cây bưởi sau vườn mà hóng gió thì bà con kéo đến ồn ào từ ngoài cổng:

” Bà Sáu….bà Sáu đâu rồi?”

Má lật đật đứng dậy, chạy ra mở cổng. Vừa nhìn thấy mặt má, chú tư Triều đã hét toáng lên:

“Bà coi dạy dỗ con trai bà như thế nào chứ để nó đi lừa đảo bà con. Cái quân mất dạy mà”

Má nghe mà chân tay bủn rủn, không thốt nổi thành lời. Tim như có con dao đâm thẳng vào bên trong, đau nhói. Thằng tư, má cũng cho ăn học đàng hoàng chứ có mất dạy ngày nào đâu? Mà chửi “cái quân” hóa ra có cả má nằm trong đó. Hơn bảy mươi tuổi đầu để người ta chửi ” mất dạy” thì còn gì để nói nữa? Mà thằng tư lừa đảo là lừa đảo chuyện gì? Đợi mọi người thôi hết ồn ào, má mới từ từ lên tiếng:

” Có chi từ từ nói. Bà con nói thằng tư lừa đảo là lừa đảo răng?”

“Nó phao tin đồn bưởi trên cù lao dùng chất kích thích để không ai mua rồi nó về mua giá rẻ. Công an đã điều tra ra rồi. Mà chưa xong đâu! Bưởi thì nó cứ chở mà tiền nó có đưa cho bà con đồng nào. Bà làm sao thì làm đi.”

“Trời. Cái thằng…Nhưng con dại cái phải mang”. Má nhìn bà con rồi lên tiếng:

” Chuyện đâu còn có đó. Để tui gọi điện cho vợ chồng nó đã. Nếu như đúng như lời bà con nói thì tui đền. Bán nhà tui cũng đền”.

Má nói đúng. Mấy chục năm sống ở cù lao. Ai không biết tính má. Nếu má biết chuyện thì chắc cũng không cho nó làm vậy. Nó đi lừa cả má. Nhìn má cũng tội tội. Họ liếc mắt nhìn nhau một lượt rồi nói với má:

” Bà coi làm sao được thì làm?”

Đợi mọi người về xong. Má gọi cho thằng tư không được. Gọi vợ nó cũng không xong. Đành gọi cho chị hai về gấp.

Chị hai lấy chồng bên kia cù lao. Cách nhà chỉ nửa con sông nhưng mỗi lần muốn về thì phải đi xuồng mà sang bên này. Chị hai biết trước chuyện thằng tư bị bắt vì phao tin đồn nhảm. Cả chuyện con vợ nó ôm hết tiền bỏ đi. Chị tính từ từ cho má biết. Má già. Lại thêm căn bệnh thấp khớp hành mỗi khi trái gió trở trời mà nghe tin ni chỉ có nước thức suốt đêm nằm khóc. Chị hai không đành nhưng tin lan nhanh hơn chị hai nghĩ. Chuyện tới tai má rồi. Vậy là chị lật đật bơi xuồng về với má ngay trưa.

***

Con đường dẫn vào trại tạm giam đầy ổ gà, ổ voi. Má ngồi đằng sau chiếc xe máy của chị ba cứ giằng lên xóc xuống nghe đau ê ẩm nhưng cứ giục:

-Ba. Nhanh thêm xíu nữa con.

Chị ba phải gắt lại:

-Má không thấy đường khó đi hả? Nhanh làm răng được mà nhanh.

Má im như biết mình sai nhưng trong lòng nóng như lửa đốt. Nếu má đi một mình được thì đã đi từ hôm qua, rồi đợi trời sáng người ta cho thăm nuôi là má vào ngay. Nhưng già cả, quanh năm ở trên cù lao biết đường đâu mà lần. Đành phải nghe theo ý nó.

Tính chị ba xưa giờ là vậy. Ruột để ngoài da. Không vừa lòng là chị cứ nói lại ngay chứ không bao giờ cân nhắc nặng nhẹ. Chừng như thấy mình làm hơi quá. Chị ba mới nhỏ nhẹ:

– Từ từ thôi má. Cũng sắp tới nơi rồi.

Má hỏi sang chuyện khác :

– Tội của thằng tư có nặng không con?

– Cũng không biết nữa má. Chắc cũng không nặng lắm đâu. Đằng nào bà con cũng làm giấy bãi nại cho nó rồi. Mà cái thằng dại thiệt.

Đúng là thằng tư dại. Dại khi nghe lời vợ mà đi lừa bà con. Dại tin tung đồn nhảm về bưởi quê mình. Người ta nói đi đâu cũng có một nơi để quay về là quê. Nếu bà con không tha thứ thì còn mặt mũi nào mà về gặp bà con, gặp má nữa. Có ăn có học mà để cái lợi, cái lòng tham làm mờ mắt không cái dại nào bằng. Để rồi giờ thân thì vướng cảnh tù tội, vợ đi mất, tương lại mịt mờ. Mà tin đồn đâu chỉ ảnh hưởng riêng một người. Cả xóm lao đao, lận đận theo nó. Cũng may má hứa trả cho bà con nên họ mới làm đơn bãi nại, không lại thêm tội ” lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì có nước tù một gông. Nghĩ mà tội cho má. Già cứ gánh miết.

Phú Thọ: 100% doanh nghiệp chủ trì thực hiện dự án NTMN

***

Má ngồi đó. Đối diện với thằng tư qua một ô cửa kính bé xíu trong phòng thăm nuôi phạm nhân . Thằng tư cúi gằm mặt xuống không dám nhìn thẳng vào má. Nó thấy mình có lỗi với má, với bà con xóm cù lao. Sống nhờ bưởi, lớn lên nhờ bưởi mà cuối cùng nó lại làm ra chuyện như vậy. Cũng tại con Hiền xúi. Nhưng mà nó nghe theo mới chết. Ai ngờ được con nhỏ đầu ấp tay gối với mình lại ghê gớm như vậy. Con Hiền mượn tay nó lừa bà con xóm cù lao, rồi lừa luôn cả nó ôm tiền chạy theo nhân tình đi xứ khác. Còn nó mất trắng lại thêm cảnh tù tội thì làm sao dám nhìn thẳng vào má bây giờ?

Chừng như không chịu nổi được sự im lặng đó. Má mới từ từ lên tiếng:

-Trong ni ăn ngủ được không con. Má thấy con ốm quá…

Chỉ đợi có thế thằng tư bật khóc:

– Con xin lỗi má. Con…

– Má biết hết rồi. Con đừng nói chi nữa. Chuyện bà con xóm mình, má cũng thu xếp ổn thỏa hết rồi. Cũng bà con chòm xóm mấy chục năm không ai làm quá chi. Đánh kể chạy đi chứ ai đánh người chạy lại. Cứ lo ở trong ni cải tạo cho tốt mà về với má làm lại từ đầu.

Thằng tư ngước lên nhìn mặt má. Gã đàn ông hơn ba mươi tuổi đầu bật khóc nức nở như đứa trẻ. Mà đúng. Trong mắt má thì con cái mãi cũng là đứa trẻ mà thôi. Nó nói:

– Lần này ra tù con sẽ về cù lao sống với má. Thay má chăm sóc vườn bưởi nhà mình để trả nợ bà con, trả nợ với bưởi.

Má nhìn thằng tư gật đầu:

-Ừ. Vấp ngã đâu thì đứng dậy ở đó. Má chờ.

Lần đầu tiên trong mắt má thấy thằng tư ra dáng một người đàn ông trưởng thành. Cách chỗ má đang ngồi hơn sáu mươi cây số, những vườn bưởi trên xóm cù lao đang mùa ra hoa mới, ngan ngát đưa hương…