Vừa làm xong công việc nhà, chị Đẹp tranh thủ mang bức tranh ra trước cửa nhà ngồi thêu. Đang say sưa gửi hồn vào trong từng đường kim mũi chỉ thì bỗng Kiên xuất hiện. Thấy vợ đang cặm cụi bên bức tranh, anh liền càm ràm:

– Nữa. Lại thêu thùa nữa. Nhà mình có còn chỗ nào trống nữa đâu mà treo. Sao em thêu chi hoài vậy?

– Em thêu để dành đó. Mơi mốt chừng nào vợ chồng Ngọc cất nhà xong, mình làm quà tặng cho em ấy. Khỏi phải mua tốn tiền.

– Tới chừng đó mình mua đại cái màn cửa buồng hay đồ gia dụng gì đó tặng là được rồi. Ở không đâu mà em ngồi thêu từ ngày này qua ngày nọ. Mất thời gian lắm!

Rồi anh nhẩm tính, nếu mua một màn cửa buồng giá khoảng 600 ngàn đồng, hoặc mua đồ gia dụng một món khoảng vài trăm ngàn để làm quà tặng cho em Ngọc cũng được rồi. Trong khi đó, mua bức tranh mẫu về thêu mất khoảng từ 100-200 ngàn, thêm tiền đóng khung khoảng 200 ngàn nữa. Chưa kể công thêu. Một bức tranh đâu phải thêu ngày một ngày hai là xong liền. Thêu tranh vừa tốn tiền, vừa tốn công sức. Thay vì thêu bức tranh, mình ra tiệm chọn mua món gì đó vài trăm ngàn tặng phải tốt hơn không…

Ảnh: Pixabay

Nhưng, đối với chị Đẹp thì khác. Khi quyết định thêu bức tranh, chị hoàn toàn không nghĩ đến giá trị tiền bạc của bức tranh, hay công sức bỏ ra. Chỉ đơn giản một điều là chị muốn chính tay mình thêu một bức tranh để làm quà tặng cho đứa em. Như thế, món quà mới có ý nghĩa thiết thực hơn.

– Kệ, ở không hoài không có việc gì làm buồn lắm! Thêu tranh cho đỡ buồn.

Tánh chị là vậy đó. Ở nhà cứ loay hoay tìm những công lặt vặt làm suốt. Làm hết chuyện này, lại bắt sang chuyện kia, không chịu ngưng tay.

*

Lúc hai vợ chồng mới dọn ra ở riêng, thấy mấy người bạn thêu tranh chữ thập treo trong nhà trông đẹp quá nên chị Đẹp định mua một bức tranh chữ thập về bắt chước họ tập tành thêu thử. Ban đầu chị sợ không biết thêu. Nhưng, mấy người bạn cũng đâu ai biết thêu đâu. Giờ đây chẳng phải họ đã thêu được rồi đó sao? Không những thế mà họ còn thêu rất đẹp nữa là đằng khác. Người ta cũng tay ngang như mình, không lẽ lại họ thua sao? Thội kệ! Cái gì không biết thì học hỏi từ từ.

Nghĩ vậy nên chị mang ý định của mình nói với chồng. Cứ tưởng sẽ được chồng ủng hộ, không ngờ vừa nghe vợ nói là Kiên liền ngăn cản:

– Thêu tranh cực lắm! Nếu em thích tranh thì mình ra cửa hàng bán tranh chọn mua một bức về treo. Hơi đâu mà cất công ngồi thêu chi cho mệt.

Tuy nhiên, chị Đẹp chị quyết định ra tiệm chọn mua một bức tranh về thêu. Kể từ đó, hằng ngày hễ lúc nào rảnh là chị tranh thủ mang tranh ra thêu. Có hôm, Kiên đang nằm võng trước hàng ba. Hai vợ chồng đang cười nói huyên thuyên. Chị tranh thủ vừa trò chuyện vừa bày dụng cụ thêu tranh ra. Ngay lập tức mặt anh chằm dằm chù ụ rồi lặng lẽ bỏ đi chỗ khác.

Nhìn cử chỉ của chồng, lòng chị buồn rười rượi. Thêu tranh có gì không tốt chớ? Một ngày chỉ thêu có một, hai giờ xem như giải trí có cực nhọc gì đâu. Vậy sao anh lại ngăn cản, không cho thêu?…

Đang suy nghĩ, bỗng thằng Nhẫn – đứa con trai của chị đến gần xin được làm phụ mẹ. Chị rất đỗi vui mừng vì con trai còn nhỏ mà biết chia sẻ công việc với mẹ. Chị giao cho thằng Nhẫn nhiệm vụ se chỉ. Hướng dẫn cho nó lựa từng cọng chỉ ra để thẳng tắp theo từng màu riêng biệt. Nó làm y chang như mẹ dạy. Hai mẹ con vừa làm, vừa trò chuyện. Lúc Kiên quay trở vô nhà, thấy thằng Nhẫn giúp mẹ khiến anh càng thêm tức. Anh không muốn nó làm những chuyện vô ích:

– Nhẫn! Sao con không đi học bài? Học hành không lo, ở đó mà lo làm chuyện gì đâu không hà.

– Thôi. Con để đó mẹ tự làm được rồi. Vào phòng học bài đi con!

– Dạ!

Thằng Nhẫn đi vào phòng học bài. Kiên tỏ vẻ đắc chí và mừng thầm trong bụng. Không có người phụ giúp thử xem nàng làm được bao lâu, thế nào rồi cũng bỏ cuộc giữa chừng cho mà coi.

Không bao lâu sau, chị Đẹp thêu xong bức tranh đầu tay của mình. Chị mang tranh ra tiệm đóng khung. Đóng xong chị lấy về treo ngay chỗ phòng khách. Lúc nhìn thấy bức tranh, mọi người ai nấy cũng trầm trồ khen. Riêng Kiên thì lặng thinh, không nói điều gì. Ngoài mặt, anh ngó lơ, tỏ vẻ không quan tâm gì đến bức tranh của vợ, nhưng trong lòng rất đỗi bất ngờ. Anh không nghĩ là nàng lại kiên trì thêu xong nổi bức tranh. Càng không ngờ là vợ mình khéo tay đến vậy.

Từ ngày treo bức tranh, phòng khách trở nên sang trọng, lộng lẫy khác hẳn ra. Cũng từ đó, chị Đẹp thường xuyên ra phòng khách ngồi ngắm nghía bức tranh, thưởng thức thành quả của mình. Có lần, đang nấu ăn dưới bếp, tình cờ có việc đi ngang phòng khách, chị nán lại để ngắm bức tranh mà miệng tủm tỉm cười một mình. Mải lo nhìn tranh mà quên đi nồi cá kho đang nấu dưới bếp. Đến lúc cạn nước, bốc mùi khét nghẹt, chị mới sực nhớ liền chạy xuống bếp tắt lửa.

*

Thấy bức tranh đầu tay thêu xong đẹp quá, chị lại ra tiệm mua thêm một bức khác nữa về thêu tiếp. Hàng ngày, tranh thủ thời gian làm công việc nhà xong hễ lúc nào rảnh rỗi là chị mang tranh ra ngồi thêu. Thêu tranh riết rồi bị ghiền luôn. Những lúc rảnh rang, không có chuyện gì làm là chị cảm thấy bứt rứt trong người rất khó chịu. Đến khi mang tranh ra thêu thì bao nhiêu sự bực bội, khó chịu dường như tan biến.

Dần dà, tranh thêu được treo khắp nơi trong căn nhà. Từ phòng khách vào đến phòng ngủ, chỗ nào cũng có. Nào là tranh “Mã đáo thành công”, tranh chủ đề về “Cha mẹ”, tranh về “Đồng hồ”, tranh “Phong cảnh”… Đặc biệt, trong phòng ngủ của thằng Nhẫn, chị thêu liên tiếp hai bức dành riêng cho con trai. Một bức chủ đề “Cha mẹ” mang dòng chữ “Ơn dưỡng dục một đời con ghi tạc. Nghĩa sinh thành trọn kiếp mãi không quên”. Một bức đồng hồ to tướng. Hai bức tranh treo hai bên vách tường, cạnh bên giường ngủ. Đó như một lời nhắc nhở, thay lời muốn nói của người mẹ dành cho con trai mình.

*

Trời vừa xế bóng, tranh thủ còn chưa đến giờ nấu bữa cơm chiều, chị Đẹp lại mang tranh ra trước hàng ba thản nhiên ngồi thêu chờ đến giờ đi nấu cơm. Thằng Nhẫn thấy mẹ thêu tranh, nó lại mon men đến ngồi cạnh bên se chỉ giúp mẹ. Mới se được vài cọng chỉ, nó sực nhớ đến Kiên. Nó nhìn dáo dác rồi thắc mắc:

– Ủa, bộ cha đi đâu rồi hả mẹ?

– Ừa, cha con đi nhậu rồi.

Hôm nay là cuối tuần, nên Kiên có hẹn với mấy người bạn đi nhậu. Nghe đâu anh đi nhậu là “Để bàn tính chuyện làm ăn” gì đó.

– Con nói thiệt nha. Con thấy không có công bằng gì hết á. Cha đi nhậu hoài mà mẹ không hề buồn phiền. Trong khi đó, mẹ thêu có bức tranh thôi mà cha ra vô nhằn nhện hoài hà. – Thằng Nhẫn nhìn chằm chằm vào mẹ, từ từ nhỏ giọng.

– Con không nên nói vậy, biết chưa? Cha làm như vầy cũng vì muốn tốt cho mẹ, không muốn mẹ phải vất vả.

– Dạ, con biết rồi. Con xin lỗi mẹ!

– Ngoan!

Hai mẹ con ngồi thêu tranh. Vừa thêu, vừa trò chuyện. Một lúc sau, Kiên về tới. Khi nhìn thấy anh, thằng Nhẫn hí hửng:

– A, cha về rồi kìa mẹ!

Chị Đẹp ngước mắt nhìn, miệng cười tươi:

– Anh mới về hả?

Người Kiên say mèm. Đôi chân bước đi loạng choạng. Khi thấy vợ con đang ngồi bên bức tranh anh tỏ vẻ khó chịu. Không nói không rằng. Lặng lẽ đi xuống bếp định kiếm gì đó bỏ bụng rồi ngủ. Nhưng lục lạo trong bếp không có món gì có thể ăn được. Kiên lại quay trở ra, liền nổi cáu:

– Ở nhà lo làm chuyện gì đâu không hà. Giờ này mà chưa lo cơm nước gì hết trơn hết trọi?

– Ý chết, em quên. Em xin lỗi! Anh đợi một chút em đi làm cơm liền.

Do mải lo tập trung thêu tranh mà chị quên mất thời gian. Trời sắp tối mà chưa làm bữa cơm chiều. Chị lật đật đi bắc nồi cơm, rồi làm đồ ăn. Kiên nằm trên võng miệng lại lẩm bẩm những câu quen thuộc: “Làm chuyện không đâu. Mất thời gian. Chỉ tốn hao công sức, mà không mang lại được lợi ích gì hết…”.

*

Vài hôm sau, bức tranh mà chị Đẹp thêu dành tặng cho đứa em đã hoàn thành và đã đóng khung xong. Tranh “Mã đáo thành công” thêu kín trông rất là bắt mắt! Vừa chở tranh về nhà, lập tức chị lấy điện thoại chụp bức tranh rồi đăng lên facebook khoe với dòng trạng thái “Sản phẩm mới của em đây!”, và chị không quên gắn thẻ Kiên vào bài viết của mình. Chẳng mấy chốc, nhiều người vào bình luận, trầm trồ ngợi khen chị khéo tay. Có người còn tỏ nhã ý hỏi mua bức tranh nhưng chị không bán.

– Bức này mình thêu để tặng cho đứa em. Nếu bạn muốn mua tranh thì đặt mình sẽ thêu bức khác.

Sau khi ngã giá, người khách đã đồng ý đặt mua bức tranh thêu giống y chang bức vừa thêu. Thế là chị lại hào hứng đi mua tranh mẫu về tiếp tục thêu. Kể từ đó, chị thường xuyên đăng trên trang facebook cá nhân giới thiệu những mẫu tranh vừa thêu xong. Cũng từ đó, nhiều người biết và tìm đến chị đặt mua tranh.

Dù không nói điều gì, nhưng Kiên đều đọc hết tất cả những lời bình luận của mọi người về dòng trạng thái của vợ đăng. Âm thầm theo dõi, quan sát. Anh thật sự ngỡ ngàng và không nghĩ rằng hiện tại có nhiều người lại thích tranh thêu của nàng đến vậy. Vậy mà, lâu nay anh cứ nghĩ không tốt về chuyện thêu tranh của vợ.

*

Chiều nay, bỗng dưng trời đổ mưa. Cơn mưa đầu mùa như trút nước, không sấm sét, êm đềm đến lạ thường. Nó tưới mát cho những ruộng lúa, vườn cây trái sau thời gian khô hạn kéo dài. Cơm nước, làm công việc nhà xong xuôi, chị Đẹp lại mang tranh ra ngồi thêu. Thấy vợ lúi húi thêu tranh, Kiên bẽn lẽn đến gần và bắt chuyện:

– Bức tranh này thêu xong chưa em?

– Cũng gần xong rồi anh. Chị Đẹp ngạc nhiên, mỉm cười.

– Se chỉ làm như thế nào. Em chỉ cho anh đi! Để anh làm phụ làm cho nhanh.

– Ừa.

Chị hướng dẫn cho chồng cách se chỉ. Anh bắt chước làm theo, làm nhẹ nhàng, cẩn trọng.

– Chừng nào mình mới giao cho khách hả em?

– Tuần sau.

– Khách ở đâu? Để tới bữa đó anh đi giao cho hen.

Chị càng ngạc nhiên hơn và không hiểu lý do gì mà khiến anh đã thay đổi nhanh đến thế. Mặc kệ, không cần biết. Miễn sao chồng hiểu, cảm thông và chia sẻ công việc với mình; không còn quạu quọ mỗi khi thấy chị thêu tranh là mừng rồi. Điều đó giúp chị có thêm động lực để tập trung vào công việc mà mình yêu thích.

Từ trong phòng bước ra, thằng Nhẫn thấy cha mẹ đang thêu tranh, nó đến gần xin làm phụ. Cả gia đình quây quần bên bức tranh, vừa cười nói rôm rả…