Vào mỗi dịp xuân, nhiều bà mẹ thường đi khắp mọi miền đất nước để thăm hỏi họ hàng xa như một cách tỏ lòng kính trọng nhân đầu năm mới. Nhân tiện, họ cũng về làng để thăm những người quen, những người đã từng giúp đỡ họ. Sau đó, khi đã có tuổi, chu kỳ giãn ra, hai ba dịp Xuân, họ đi một lần. Điều này không phải do người ta thờ ơ với tình cảm gia đình và nỗi nhớ trong thời gian dài, mà đơn giản là khi càng lớn sức khỏe càng giảm. Bà Nội tôi cũng vậy. Mẹ tôi mất khi tôi vừa lên lớp ba. Ba tôi đã đèo tôi trên chiếc xe Dream cũ kỹ chạy chầm chậm trên đoạn đường gần ba trăm cây số từ Cam Ranh ra Quy Nhơn. Cũng từ đó, ba gửi tôi cho bà nội chăm sóc. Bà nói “Con nít cần có người phụ nữ chăm lo vẫn hơn”. Câu nói đó dù đã hơn mười năm tôi vẫn nhớ đến giờ.

Đường từ nhà tôi đến ngôi làng nơi bà tôi từng sống, rất xa. Ngôi làng Triều Thủy nằm ở ngoại ô thành phố Huế, sau một ngọn đồi lớn. Về được làng, phải đi xe trong một đoạn đường dài từ thành phố để về ngoại ô, sau đó đi phà để qua sông rồi lại bắt xe thêm một đoạn nữa cho đến khi thấy ngọn đồi. Vì sự bất tiện này, cùng với sức khỏe không còn được tốt như những năm trước, nên xuân năm nay, bà tôi giao cho tôi “nhiệm vụ” thay bà về thăm làng. Hơn nữa, cháu họ của bà tôi – dì Tư, rất muốn gặp tôi. Dì Tư nhỏ hơn bà tôi gần chục tuổi, tuy nhiên dì lại là người thân đã giúp đỡ bà trong những tháng ngày khó khăn hồi còn chiến tranh. Trước lúc lên ga, bà đưa tôi cái ba lô to bự và dặn dò tôi rất nhiều. Tôi vừa háo hức lại vừa lo lắng vì đây là lần đi xa một mình đầu tiên trong đời.

Sau khi băng qua sông bằng thuyền, tôi đã bộ đi một chặng đường dài và cuối cùng nhìn thấy ngọn đồi. Trời đã bắt đầu xám dần. Đi gần đến nơi, ánh mặt trời đã nhạt dần và trở thành nền cho những ngọn đồi và làng mạc. Tôi chạy đến nhà dì Tư sau khi hỏi han một số người trong làng. Đến nơi, tôi thấy nhiều người đang ngồi quanh cái bàn nhỏ trước nhà để uống trà.

Kết quả hình ảnh cho cô giáo đang dạy học | Hình ảnh

– Huy! Dì Tư reo lên khi vừa thấy tôi từ xa. Tôi hơi ngạc nhiên vì dì nhận ra tôi ngay dù đã nhiều năm tôi mới về lại làng, khi đó tôi còn nhỏ xíu và đi cùng bà. Sau khi chào hỏi mọi người, hỏi han một chút, tôi cất ba lô và tiến đến bàn ăn.

– Huy, ngồi xuống nghỉ đi cháu, dì lấy đồ ăn cho!

– Dạ con không muốn ăn dì ạ, con thấy hơi nóng, có lẽ con sẽ uống nước – tôi nói với dì Tư rồi ngồi xuống trong tư thế có phần vụng về của mình.

– Ừ, chờ dì xíu nghe! – dì Tư nói rồi vội vã vào trong.

Những người ngồi ở bàn, ngoại trừ dì, tôi không biết phải gọi những người còn lại như thế nào. Tôi chỉ nhìn họ và mỉm cười. Họ cũng mỉm cười lại với tôi.

– Con – dì nhìn tôi rồi chỉ vào những người ở bàn và giới thiệu tôi với tôi: Đây là chú An sát nhà mình. Đây là con gái chú An. Con có thể là chị Dao. Chị Dao cúi đầu và cười nhẹ với tôi.

Dì giới thiệu tôi với họ lần nữa với vẻ mặt đầy sự phấn khích và tự hào: Đây là cháu trai của tôi, Huy, sinh viên đại học năm nhất!

Thực ra thì tôi không xa lạ gì với những người này. Vào thời điểm nhiều năm trước, khi tôi theo bà tôi về làng lần đầu tiên để gặp những người bạn, người quen trong quá khứ, tôi đã gặp họ. Nhưng có lẽ vì vội đến rồi vội đi, tôi không thể nhớ tên họ.

– Ồ, cháu trai cô Chín – chú An như sực nhớ ra điều gì – Khi cô Chín mới đến đây, bà ấy vẫn còn là một thiếu phụ quá tứ tuần và tôi chỉ là một thằng bé con. Bây chừ cháu trai của bà ấy đã học đại học rồi, thời gian đúng là khôn chờ đợi ai!

Tôi rót một cốc nước nhưng nó quá nóng nên sau đó tôi đứng dậy và đi thẳng vào bếp, đẩy nắp lu chứa nước và múc uống. Khi trở lên lại, tôi đã uống một cốc nước đầy.

– Này, tụi nhỏ trong thành phố không biết ăn uống vệ sinh sao? – chú An phàn nàn

– Không sao ạ, cháu khỏe lắm! – Tôi lau miệng bằng mu bàn tay và mỉm cười.

– Trễ rứa à! Dì Tư đưa cho tôi một chiếc khăn – Cháu lau mặt rồi đi ra gian ngoài ăn tối, ở trong bếp nóng lắm.

Thật vậy, nhà bếp lúc này nóng như một chiếc nồi hấp phảng phất mùi dầu ăn. Lạ thay giờ người tôi ướt đẫm mồ hôi dù trước đó đi bộ từ chiều tôi không cảm thấy gì. Có lẽ vì cơn mệt đang dần thấm vào cơ thể do đi bộ đường dài. Tôi vội vã ra khỏi bếp để ăn tối.

Dì đứng lên, nhìn tôi: “Dì chuẩn bị chỗ ngủ cho con nghe”.

– Cháu ăn xong rồi, để cháu giúp o – chị Dao cũng đứng dậy

– Rứa cũng được – Dì cười. Tôi để ý thấy chị Dao đi khập khiễng.

– Chân chị bị gì à? Tôi nhìn vào bàn chân dán băng keo cá nhân của chị.

– À, chỗ này á, do chị bất cẩn, mai mốt lành liền à. Nghe vậy tôi gật đầu.

Sau bữa tối, dì tôi nói với chú An rằng bẹ bắp đã chuyển từ xanh sang vàng rơm nên mai sẽ bắt đầu thu hoạch, vì vậy mai chú ấy có thể không cần đến giúp dì hái ngô nữa, dù sao chú cũng đã giúp dì cải tạo đất và gieo hạt ươm giống mấy tháng nay rồi. Nghe vậy chị Dao bảo sẽ qua giúp, vì chị ấy vẫn còn nhàn rỗi ở nhà.

Nói rồi chú An quay sang hỏi tôi:

– Khi nào cháu đi học lại?

– Dạ tầm hơn tháng nữa chú ạ.

– Rứa thì cứ ở đây chơi, sẵn phụ dì mi công việc đồng áng cho biết. Tụi bây trên phố có biết làm chi mô.

Tôi cười lớn: “Cháu cũng định vậy đó chú”.

Bỗng dì nắm tay tôi rồi trầm ngâm một lúc, dì nói: “Nếu Rồng vẫn còn, chắc nó cũng lớn như con bây chừ.”

Long, còn được gọi là Rồng, là con trai út của dì lớn hơn tôi gần năm. Ở tuổi mười hai, anh và một vài người bạn trong làng đi ra sông để tắm, không may bị nước cuốn. Đã bảy năm trôi qua kể từ khi tôi nghe tin dữ.

– Rồng đã bay lên trời nhiều năm rồi, dì không nên buồn mãi như thế – Tôi an ủi dì. Tôi biết rằng dì vẫn luôn hồi tưởng lại những kí ức đau buồn trong quá khứ, và mỗi khi dì nhìn thấy tôi, dì lại nghĩ về “Chú Rồng trên trời”.

– Thời gian rồi sẽ pha loãng mọi thứ. Chú An đứng dậy, chào mọi người rồi về nhà, còn mình chị Dao ở lại.

– Con xem mà chuẩn bị đi tắm, nước dì đang nấu đấy – dì vừa nói vừa lụi cụi dưới bếp.

Lúc này trời đã tối hẳn, chị Dao bước vào bếp rồi la toáng lên: “nước sôi, nước sôi” làm tôi giật mình rồi chị vội vã tắt bếp. Tôi vẫn nhớ mang máng hình ảnh một cô gái với một mái tóc tém bẽn lẽn với bộ váy chấm bi nhiều năm trước, bây giờ cô ấy đã ra dáng một cô thiếu nữ xinh đẹp.

Tắm xong, tôi mang đồ đến căn phòng nơi dì và chị Dao đã chuẩn bị cho tôi. Đây là một căn phòng nhỏ, nơi Rồng từng ở. Đồ đạc trong phòng vẫn không có sự thay đổi gì từ ngày đó. Từng đồ vật cứ như đang lưu giữ những kỉ niệm nho nhỏ về Rồng và mọi thứ xung quanh cậu.

– Vùng núi thì khôn “xịn” hơn thành phố, chắc con sẽ có chút không quen – dì bước vào từ lúc nào và ngồi cạnh tôi.

– Nhưng ở thành phố sẽ khó được sống trong bầu không khí yên tĩnh thế này lắm dì ạ!. Nói xong như sực nhớ ra điều gì, tôi nhanh nhảu: “Mà dì ơi, đừng quên gọi con dậy vào sáng mai nhé, con sẽ đi hái bắp với dì”.

– Ha ha, rứa thì lo nghỉ ngơi sớm đi cu cậu, hôm nay con mệt rồi! Nói rồi, dì gấp nếp mùng, kiểm tra xung quanh vắng bóng lũ muỗi mới ra ngoài.

Quả thật hôm nay tôi mỏi hết cả người. Tôi nhanh chóng chui vào mùng và yên giấc.

Tiếng ồn bên ngoài đã đánh thức tôi từ lúc sáng sớm. Dì và chị Dao đang chuẩn bị gì đó trước hiên nhà. Tôi duỗi người, nhận thấy sự mệt mỏi của ngày hôm qua đã hoàn toàn tan biến.

– Răng không ngủ thêm một lúc? Dì hỏi khi vừa thấy tôi.

– Con thích ra đồng hơn ạ, con thấy thoải mái khi đứng giữa cánh đồng lắm ạ.

– Con vào bếp ăn sáng đi đã rồi cùng Dao xuống ruộng để thu hoạch bắp cho biết mùi “đồng áng” là răng – dì cười hiền hậu.

Sau bữa ăn sáng, tôi và chị Dao thành đội hái ngô. Chị Dao đi trước cùng cái giỏ, tôi cầm túi da bò đi phía sau. Sương mù sáng sớm vẫn chưa có dấu hiệu tan đi mặc cho mặt trời đã bắt đầu tỏa những tia sáng yếu ớt trên đỉnh núi. Mọi thứ hiện ra thật mơ hồ. Bầu trời hôm nay thật trong xanh. Ánh sáng mặt trời đang dần tăng  như muốn chứng minh sự rực rỡ đầy năng động của mình. Trong một thời gian ngắn, sự yên tĩnh của buổi bình minh đã bị phá vỡ bởi những bước chân của những người làm việc trên đồng.

Đi khoảng vài chục bước, chúng tôi đã đến cánh đồng bắp vàng tươi. Dao bước vào những hàng thẳng tắp và thoăn thoắt bẻ từng quả bắp đầu tiên.

– Em không đến bẻ phụ chị à? Răng cầm cái túi đi theo chị hoài? Chị   cười trêu chọc.

– Nhưng nó ở đâu cơ? – Tôi giơ cái túi da bò ngơ ngác hỏi chị ấy.

– Em đúng là người thành phố. Như này nhé, em cứ đặt túi trên mặt đất đi, khi chúng ta hái và bỏ đầy bắp vào giỏ của chị, rồi sau đó sẽ đổ tất cả vào trong chiếc túi da bò của em” – Chị lại cười.

Tôi biết chị ấy không cười với tôi, chỉ là chị ấy đang chỉ tôi làm thế nào để đem bắp về thôi. Tôi liền đặt túi da bỏ trên mặt đất và bắt đầu bẻ từng quả bắp đầu tiên. Chẳng mấy chốc, tôi đã thoăn thoắt như một người nông dân thực thụ vậy.

– Huy, em đang học trường đại học mô? Chị Dao phá vỡ sự im lặng.

– Dạ trường kinh tế đó chị.

– Rứa chị nên gọi em là một nhà kinh tế học hỉ – chị chọc.

– Ha ha, em vẫn còn là sinh viên, một sinh viên học không tốt, sao em dám nhận cái danh xưng trịch thượng thế được – tôi chọc lại chị.

Hai chúng tôi vừa nói chuyện vừa làm việc. Thú thật thì tôi không có kỹ năng này, tôi không thể làm một lúc hai việc một cách trọn vẹn. Nếu buộc tôi làm một lúc nhiều việc, có thể cuộc sống trong tay tôi sẽ rối mù lên mất.

– Chị là một cô giáo, em có tin không? Chị ấy nói sau một hồi thấy tôi chăm chú bẻ ngô.

– Tại sao lại không chứ? Chị hàng xóm gần nhà em đang dạy tiểu học cũng lớn như chị vậy đó.

– Nhưng chị đã dạy được ba năm rồi.

Ba năm giảng dạy? Tôi thực sự không thể tin được. Tôi dừng lại nhìn bàn tay thoăn thoắt của Dao, chị cũng nhìn lại tôi, như thể đang chờ đợi câu trả lời. Tôi chưa nói gì cả, chị ấy cười tiếp lời: “Em có tin không? Chị biết em đang nghĩ chị nói dối”.

– Chị bao nhiêu tuổi ba năm trước? Tôi hỏi

– Mười sáu!

– Chị là giáo viên năm mười sáu tuổi? Tôi chuyển từ ngạc nhiên sang tò mò – Làm sao chị có thể trở thành một giáo viên khi chị còn đang đi học chứ?

– Những đứa nhỏ bảy, tám tuổi ở đây phải đi bộ mười cây số để đến trường, phải mất ba hay bốn tiếng đồng hồ cả đi và về trong một ngày. Nhiều đứa đã bắt đầu đi từ khi trời tờ mờ sáng. Ngôi làng muốn có một điểm giảng dạy ở đây, nhưng lại không có người phù hợp để đi dạy. Khi chị tốt nghiệp trung học năm đó, trưởng làng đã tìm tới chị. Lúc đầu chị hơi dè dặt, nhưng rồi chị đồng ý, và rồi chị đã trở thành một cô giáo – chị Dao cười tươi.

Sau đó chị chậm rãi nói tiếp, lúc này tôi đã ngạc nhiên trở lại thay vì tò mò.

– Ban đầu chỉ có tám đứa trẻ đi học. Các em học trong ngôi trường nhỏ nằm ở đầu làng do dân làng góp tiền để xây. Gọi là trường nhưng thực ra chỉ có một lớp học. Có năm học sinh lớp một, và hai học sinh ở lớp hai. Lúc đầu, mọi người hay chị là “Cô tiên nhỏ” vì chị khi ấy quá nhỏ để đi dạy. Sau một năm, dân làng thấy chị giảng dạy tốt nên nhà này động viên nhà khác đưa con đến lớp nhiều hơn. Từ tám học sinh ban đầu đã lên hai mươi sáu, và lớp ba đã được thêm vào”.

– Sao? Vậy là một mình chị phải dạy đến ba lớp? – Tôi không thể không hỏi – Vậy lớp học được sắp xếp như thế nào?.

– Chị dạy tiếng Việt, Toán và cho chúng bài tập về nhà. Chị dạy theo sách giáo khoa. Trước tiên chị giải thích, hướng dẫn cho các em lớp một, và các học sinh lớp hai và ba tự học và làm bài trong lúc đó. Mỗi khi chị dạy cho lớp nào thì hai lớp còn lại sẽ tự giác trật tự xem bài –  chị ôn tồn giải thích.

– Vậy thì chị sẽ mệt lắm?

– Nói không mệt thì là nói dối, nhưng chị rất yêu công việc này.

– Tiền lương hàng tháng mà làng trả cho chị là bao nhiêu? Tôi tò mò

– Thực ra không có lương hàng tháng ở đây, chỉ có tiền lương nửa năm thôi.

– Lương nửa năm? –  tôi ngạc nhiên, chưa bao giờ tôi nghe đến việc nhận lương trong thời gian như vậy cả.

– Ba triệu, đôi khi có thêm gạo, khoai, ngô.

– Ba triệu? Là quá ít! – tôi bĩu môi.

– Khi em đứng trên bục giảng và nhìn vào đôi mắt ngây thơ xen lẫn háo hức  của những đứa trẻ ở đây thì việc em được nhận lương bao nhiêu không còn quan trọng nữa em à! Tôi thấy mắt chị sáng lên đầy tự hào.

Tôi cảm thấy rằng chị thực sự đáng ngưỡng mộ. Lý tưởng của tôi không phải là trở thành một giáo viên, tuy nhiên, số phận thường trêu mọi người, nhà tôi lại có truyền thống dạy học từ lâu đời, từ ông bà nội đến chú bác tôi nên tôi chịu không ít áp lực. Những lời nói của chị Dao đã tạo nên một sự thay đổi rất lớn trong  tôi. Từ lúc này, tôi chợt nhận ra tại sao mọi người luôn dành những lời đẹp nhất trên thế giới dành cho những người dạy học. Mỗi một người giáo viên đều có một vẻ đẹp riêng không thể so sánh được. Họ đặt vào mỗi học sinh một tình thương yêu cùng sự tâm huyết và những kỳ vọng vô hạn. Chị Dao của tôi là một người như thế.

Phần còn lại ruộng ngô đã không được thu hoạch xong vào buổi trưa. Chúng tôi mang những gì đã thu hoạch được sáng hôm nay về nhà Dì. Vào ba, bốn giờ chiều, những đám mây dày đặc báo hiệu trời sắp mưa. Tôi và chị Dao tập hợp bắp trên sân và cất chúng trong nhà kho. Vào lúc hoàng hôn, những hạt mưa bắt đầu rơi bên ngoài, và cửa sổ như trở thành một tấm gương mù. Bầu trời lúc hoàng hôn dường như không có màu sắc. Những chiếc lá trôi dạt và những cơn gió mưa phùn đang xiên từng lá tre. Một màu xanh nhạt nhảy vào nơi mí mắt. Rồi làn sương ngày càng mờ nhạt dù trời vẫn mưa, rồi nó trôi dạt và lẻn vào khoảng trống trong cửa sổ của tôi, mang đến một hương vị tươi mát và thanh khiết. Nhìn chằm chằm vào bức màn mưa, tôi thấy những ngọn đồi xa xôi nằm lặng lẽ. Trời mưa những ngày liên tiếp sau đó, điều này làm người dân trên núi không mấy thích thú. Có rất nhiều thứ ngoài cánh đồng đang đợi họ, nhưng ông trời không thể hiểu được, mang mưa xuân làm cánh cửa ngăn mọi người ra đồng. May thay tôi không cảm thấy buồn vì chị Dao thường hay đến và nói chuyện với tôi mỗi ngày.

– Em có biết em đang hạnh phúc như thế nào không? Bỗng nhiên chị hỏi tôi.

– Hạnh phúc? Em không nghĩ là mình hạnh phúc đến vậy – tôi nhún vai.

– Em đang có rất nhiều phước lành, mặc dù em không biết làm thế nào để được ban phước. Khi em đến tối hôm đó, dì của em đã khoe với chúng tôi rằng em là một sinh viên đại học. Em có biết sự tự hào của dì nhiều như thế nào ngay lúc ấy không?

Chị Dao bắt chước cách dì tôi: “Đây là cháu trai trong thành phố của tôi, Huy, là một sinh viên đại học!”

– Thật thế sao? Tôi bất ngờ. Không phải bất ngờ vì sự tự hào của dì, vì tôi có thể cảm nhận được điều đó ngay từ đầu trong lời nói và ánh mắt của dì, mà bất ngờ vì sự lưu tâm của chị Dao. Chị ấy hầu như để ý mọi thứ.

– Bây giờ sinh viên đại học ở khắp mọi nơi, em cũng chỉ là một trong số đó.

– Làng chúng ta, trong khe núi này, trước giờ chưa có một sinh viên đại học nào cả. Điều đó mới càng làm dì nói một cách tự hào đến vậy.

Khi nói điều này, chị hướng mắt về phía cửa sổ. Dường như sực nhớ điều gì, tôi hỏi chị:

– Có thể chị đã là người đầu tiên trong làng đỗ đại học nhỉ.

– Chị yêu công việc dạy học cho những đứa nhỏ. Nhìn đôi mắt hồn nhiên và nụ cười ngây thơ của tụi nó, chị thấy mình cần phải có trách nhiệm để giúp chúng biết nhiều hơn về cuộc sống này, để chúng sống thật tốt và không thua kém ai. Chị nghĩ chị cần công việc này hơn việc trở thành người đầu tiên học đại học. Chị tin rằng, rồi sau này, trong những đứa nhỏ chị đang dạy, sẽ có đứa sớm làm việc đó thay chị thôi! Tuy nói chậm rãi nhưng giọng chị chứa đầy sức mạnh mà chỉ có một tâm hồn đẹp của một người giáo đầy tâm huyết mới có thể thể hiện ra được, nếu nghe kỹ, còn thấy trong đó có cả sự tin tưởng, lạc quan và yêu đời.

Tôi nhìn chị, cảm giác những ngày mưa xuân năm nay bỗng nhiên đẹp đẽ khác thường.