Rất hiếm thấy những chuyện tình đẹp và trọn vẹn được chia sẻ từ các cặp đôi được gán
ghép, mai mối. Thường thì, tình yêu sẽ đến từ những điều bình thường nhất, ít ngờ tới nhất. Ví
dụ như vô tình chạm mặt nhau ở đâu đó, dù không hề quen biết, cũng không hề có hẹn trước
chẳng hạn. Kẻ biết chớp lấy thời cơ luôn xứng đáng có được hạnh phúc. Ít ra trong cuộc tình này,
tôi may mắn trở thành kẻ hạnh phúc vì bắt thóp được trái tim mình và tóm trúng cơ hội.

***

Tôi không phải dân ưa sách vở bởi vậy việc học hành cứ phải nói thẳng tưng là trượt lên
trượt xuống, vật vã mãi chưa ra được trường vì mấy môn kiểu Chủ nghĩa Mác Lin-nê, à không,
là Mác-Lênin. Thế nhưng, người ta vẫn có thể vô tình bắt gặp tôi lúi húi trong nhà sách khoảng
một lần vào cố định chiều chủ nhật. Ngoài sách, trong đó người ta còn bày bán nhiều thứ khác.
Tôi thường đến Nhã Nam để mua giấy vẽ, màu nước. Thỉnh thoảng cũng xỏ tay túi quần đi một
vòng xung quanh, ngó nghiêng, tìm kiếm một vài ý tưởng đồ họa độc đáo sau khi loại trừ những
gì trông thấy trên các thiết kế bìa sách đã được trưng bày lên kệ.
Tôi cao gần mét tám, trông lêu khêu như cái sào chọc… (Ở dưới quê tôi, mọi người
thường chuộng lối so sánh kiểu như thế). Mấy món giấy và màu vẽ thường được bày ở kệ gỗ
thấp hoặc tủ kính chỉ cao ngang bụng nên mỗi lần nhòm ngó, xem xét, tôi đều phải cúi xuống
cực kỳ khổ sở. Chẳng khó khăn gì khi cần lấy các đồ vật để trên cao nên trong mắt tôi, chiếc
thang là vật dụng khá dư thừa.
Tôi để ý trong mỗi cửa hiệu của Nhã Nam thường có một chiếc thang sơn đỏ chót. Một
vài lần tới, tôi thấy mấy bạn nữ tóc xoăn tít, môi thì tông xoẹt tông với màu sơn của chiếc thang,
váy trắng dài qua gối, tay mò mẫm trong chiếc ba lô bé tí, đủ đựng một ổ bánh mì Doner Kebab
lấy ra một chiếc kính trắng, kiểu dáng mắt tròn đơn giản. “Chắc gì đã cận, lại còn đeo vào để
trông ra cái vẻ trí thức”, tôi nghĩ thế khi đứng nhìn những tấm lưng thi nhau tựa vào chiếc thang
tội nghiệp để chụp ảnh. À, cái thang này hóa ra chỉ để trang trí, như kiểu nấc thang lên thiên
đường giống trong phim Hàn Xẻng hay đại loại là một câu quýt quất gì đó: Sách đưa nhân loại
lên một tầm cao mới. Tôi chẳng quan tâm nhiều lắm đến việc lên tầm cao ấy thì được gì và cảm
thấy thế nào, nhưng cũng hay hóng của mấy anh nghiện có dáng đi dặt dẹo từ trong ngõ đi ra, tụ
tập nhau ở quán nước vỉa hè bảo người ngợm thấy bải hoải thế này mà làm một bi thì lên mây
(Với tôi, lên mây là cũng khá cao rồi).

Vào những tuần kế tiếp, đến hẹn lại lên, tôi lại vác mặt đến Nhã Nam. Khi kéo chiếc cửa
gỗ cũ kêu kèn kẹt để bước vào, tôi mới thấy được đúng kiểu công dụng nên có của một chiếc
thang. Cô bé nhân viên đang đứng trên thang, xếp những cuốn mới tái bản vẫn còn lớp bọc ni
lông bên ngoài lên tầng kệ cao thứ hai tính từ trên xuống. (Sách để ở dưới ô thấp hơn thường cũ
mèm và quăn mép vì khách được tự do lật giở ra đọc). Tôi vẫn nói về chiếc thang, chúng dùng để
trèo leo thì đúng rồi. Đây mới là công dụng chính khi người ta tạo ra nó.
Cách đó một dãy sách về phía bên trái, một “bà thím”, xin phép cho tôi gọi nhân vật này
là “bà thím” bởi nhìn từ phía sau, dáng vẻ ấy không thể nào là một cô gái trẻ cho được. Quả tóc
rễ tre dày, nhuộm nâu hạt dẻ đã phai sang màu vàng úa được búi củ tỏi, củ hành lộ rõ nhiều sợi
chẻ ngọn. Bên ngoài, “bà thím” khoác một chiếc áo phao mùa đông, dài gần chấm gót màu hoa
mười giờ, trông không được thời trang lắm. Lúc “bà thím” kiễng chân để với một cuốn sách trên
giá cao, vạt áo co lên để lộ bắp chân trắng nõn, nom có vẻ mịn màng thì tôi cảm thấy hình như
mình đoán sai điều gì đó. Tôi lẩm bẩm trong miệng:
– Bố khỉ, trông vẻ non choẹt mà mặc như bà già. Người thì lùn tịt một mẩu.
Về mùa này, ai cũng lo dịch bệnh nên ra đường đều khẩu trang bịt kín mít. Dù chưa được
nhìn tận mặt “bà thím” trông thế nào nhưng tôi chẳng chấm nổi 20% cảm tình.
Lần sau, lần sau nữa, tôi vẫn tới Nhã Nam, cũng vào khoảng thời gian đó. Tôi vẫn gặp
“bà thím” với cái dáng người lùn tịt ấy. “Nhỏ nhắn, xinh xắn” ấy à? Câu này tôi thường nghe
nhiều từ miệng của đám con trai trong lớp khen mấy cô giáo dạy chuyên ngành để được giơ cao
đánh khẽ. Không biết “bà thím” này thì sao?
Nhà sách có thiết kế thảm ngồi bằng vải, đặt tại vị trí những khoảng trống cửa sổ cho
người ghé tới nghỉ chân trong lúc ngồi đọc vài trang trước khi quyết định mua thật lòng hay chỉ
ghé tới đọc chùa. Gian bên trong là khu đọc dành cho trẻ con. Chúng giậm chân bình bịch hoặc
thỉnh thoảng đập phần má đùi xuống sàn gỗ rồi cười khoái chí nên chẳng người lớn nào chịu
ngồi đọc trong đó, trừ bố mẹ chúng. Dịp gặp hôm đó, chúng tôi ngồi cạnh nhau. Là tôi và “bà
thím” ngồi cạnh nhau. Nói đúng hơn là chẳng còn chỗ ngồi nào khác nên “bà thím” tiến lại gần
lí nhí xin ngồi ghé cạnh chỗ tôi để đọc.
Cũng phải thừa nhận không dưới ba lần tôi liếc nhìn "thím". Hình như những người đến
nhà sách thường toát lên vẻ gì đó rất mộc mạc và thân tình chứ không giống những võ sĩ khi gặp
nhau trên võ đài boxing, buộc phải có kẻ thua người thắng nên dù chẳng ghét gì nhau cũng hằm
hằm như thù địch. “Bà thím” tôi kể có giọng nói ấm áp, đôi mắt to và sáng, lông mày lưa thưa để

mọc tự nhiên không cắt tỉa, nhìn như bụi rau khoai lang mọc ngoài khu vườn bỏ hoang. Có vẻ
"bà thím" cũng thuộc tuýp người nhẹ nhàng, dễ chịu (tôi nghĩ thế).
Chúng tôi “làm quen” nhau âm thầm qua những cử chỉ không cần lời nói. Khi“bà thím” với
tay lấy cuốn sách trên cao, cứ cho là không muốn nhờ vả vì sợ phiền hà đi nhưng tôi vẫn cảm
nhận được ánh mắt cần sự giúp đỡ sau mỗi lần ngoái nhìn về phía sau. Đương nhiên, tôi cũng
tinh tế đứng lên với hộ cuốn sách đó. Cũng có đôi lúc, tôi thấy "bà thím" đang quắc mắt lườm
giống hệt chị Nguyệt “thảo mai” trong một bộ phim Việt nổi tiếng đang phát phân đoạn gợi ý
trên Facebook như có ý nhắc khéo tôi ngồi dạng chân phạm sang phần “nước giếng”, còn đè cả
chiếc đùi to tổ chảng lên váy của “thím” ấy. Sau vài cái chủ nhật ngồi cạnh nhau, tôi dần dần
thấy yên mến “thím” nhiều hơn.
Thật trớ trêu! Đôi lúc cuộc sống cũng khéo trêu đùa cảm xúc con người ta ghê gớm. Tưởng
như những ngày bình yên cứ thế trôi, cho đến khi "bà thím" không xuất hiện ở Nhã Nam nữa.
Suốt một vài tuần tới đây, tôi ngồi một mình trong một góc tĩnh lặng, hoàn toàn độc chiếm cả ô
cửa to đùng. Bên cạnh, chiếc thảm ngồi họa tiết thổ cẩm vắng một bờ mông, trống trơ, lạnh ngắt.
Tôi không gặp "bà thím" một khoảng thời gian khá dài, không thể nhớ chính xác là bao lâu nữa.
Chắc "thím" tìm được niềm vui mới hay ho hơn đọc sách. Ví dụ như có bạn trai chẳng hạn, hoặc
chuyển chỗ ở cách xa vị trí hiệu sách; cũng có thể bố mẹ bắt về quê xin việc? Tôi cứ miên man
suy đoán đến mọi tình huống kể cả tồi tệ nhất, dù chẳng có lý lẽ nào đủ thuyết phục khiến lòng
mình thanh thản.
Tôi với người ta vốn dĩ chẳng là gì, chẳng có sợi dây liên kết ràng buộc nào khiến họ phải
thông báo về lý do biến mất. Và trong những lúc chán trường hay mỏi mệt, tôi vẫn nghĩ đến câu
nói cuộc sống chẳng công bằng một chút nào. Tôi vẫn tới đây, dù không dám ngộ nhận tới vì vẫn
có một điều gì để trông mong đi nữa, nhưng cảm giác ngồi bên cạnh một cái bóng do mình tưởng
tượng khiến lòng tôi nặng trĩu. Có lẽ, đến một lúc nào đó, tôi cũng từ bỏ thói quen tìm đến nơi
này và hy vọng. Chắc gì người ta đã nghĩ tới mình, còn mình lại vô duyên đi mong chờ một kẻ
xa lạ. Vẫn giữ thói quen mỗi lần tới, tôi lại lượn một vòng quanh các gian sách, đảo mắt tìm
kiếm xung quanh trong sự hy vọng ngập tràn. Sau cùng, cũng đành nén một tiếng thở dài bước ra
cửa.
Tôi ngước lên, bầu trời vẫn xanh thẳm. Gió vẫn hát ru trên những tán lá phượng xanh. Để an
ủi lòng mình khi ấy, tôi đã chọn góc vắng vẻ nhất ngoài ban công một quán cà phê cạnh hiệu
sách, thả lòng mình vào trong làn khói thuốc. Từ ban công nhìn xuống, đường phố vẫn tấp nập,

đông đúc. Mặt hồ nước trong công viên gợn những sóng nhỏ lăn tăn. Như một thước phim tua
chậm, tôi có cảm giác bị trêu ngươi một lần nữa. Những cặp tình nhân nắm tay nhau đi dạo vòng
quanh hồ. Thỉnh thoảng, cậu con trai vuốt tóc hay nhéo má cô công chúa nũng nịu đi bên cạnh.
Thỉnh thoảng, cô gái đứng giậm chân, chun mũi như vòi vĩnh người yêu mua cho một cây kem
lạnh ăn giữa tiết trời đông có nắng. Những cảnh tưởng ấy cứ chờn vờn trước mắt kéo tâm trạng
của người tương tư thêm chùng xuống.
Có những tối trời rét như cắt da cắt thịt, lao về tới nhà chỉ còn đủ sức đổ cả cơ thể xuống
tấm ga giường chẳng biết bao lâu rồi không giặt. Giá như những lúc cảm thấy trong lòng trống
trải thế này, có một người bên cạnh. Chẳng làm gì cả, chỉ ngồi cạnh nhau, nhìn xuống đường phố
sáng đèn như dải ngân hà dưới mặt đất. Tôi nghĩ đến "bà thím", nghĩ đến cái kiễng chân đầy cố
gắng cũng không sao với tới cuốn sách mình yêu thích. Dù cao như cái sào chọc.. nhưng sao lúc
này tôi chẳng thể nào với tới người ta, hay ít ra có thể với giúp họ những niềm vui nhỏ bé trong
mỗi lần gặp nhau ở nhà sách.
Dần dần, thời gian cũng là liều thuốc cứu rỗi tâm hồn con người ta tốt nhất. Tôi vừa đi
thực tập, vừa học thêm tiếng Anh để chuẩn bị cho một hành trang vào đời tự tin nhất sau khi ra
trường. Chắc hết duyên rồi, chẳng gặp lại nữa mà ôm nỗi buồn vào lòng cho mệt. Tôi vẫn thường
tự an ủi chính mình như vậy mỗi lần bắt gặp một dáng người nhỏ bé đi ngoài phố. Đàn ông mà,
ai lại động tí lại đăng facebook hôm nay tôi cô đơn quá hay than thở với thằng bạn ở chung
phòng. Nghe có vẻ không được mạnh mẽ cho lắm, thôi thì, tạm gạt sang một bên vẫn hơn.
Sáng chủ nhật một ngày cuối tháng Mười một, khoa tôi tổ chức đá giao hữu với khoa
Điêu khắc ở sân C500 của Học viện An ninh. Sân bóng khá đông đúc, có cả trai gái cùng tham
gia thi đấu. Đến khi ngồi bệt trên sân lúc nghỉ giải lao, tôi nghe tiếng loa mới biết ngoài Kiến
trúc ra còn có cả Tự nhiên, Nhân văn thuê sân. Mấy lại Tết, tinh thần thể dục thể thao đón năm
mới không của riêng ai. Bảo sao, ai cũng hăng hái và chạy hùng hục dù không phải tất cả đều ghi
bàn.
– Này, này.
Tiếng con gái lanh lảnh nghe rất gần. Tôi cũng vô thức quay ngang nhìn ngửa xem có
phải tiếng ai đang gọi mình. Không thể tin vào mắt mình, từ phía khán đài một dáng người nhỏ
bé, đôi mắt tròn và to sáng lấp lánh đang đưa tay vẫy về phía mình. Tôi khi đó còn ngoái lại phía
sau để xem có phải mình đang nhận vơ hay không. Sau lưng tôi lúc đó không có ai cả. Trong khi

tôi vẫn đứng như tượng sáp vì chưa tin thì cô gái đã tiến về sân bóng đang giờ nghỉ. Cô chìa tay
đưa cho tôi một chai nước khoáng, giọng vui vẻ:
– Anh còn nhận ra tôi chứ?
– Nhớ… nhớ chứ.. – Tôi lúng túng nói ba tiếng cụt ngủn mà cũng như vấp phải hòn tảng
đá.
Uống xong một ngụm nước, tôi lấy lại bình tĩnh để hỏi chuyện:
– Lâu quá không gặp. Tưởng là không có cơ duyên gặp lại cậu nữa. Đến cổ vũ bóng đá
cho bạn trai… hay gì? – tôi tò mò đặt lời hỏi.
– À, có một vài vấn đề hơi cá nhân không tiện chia sẻ lắm. – cô ngập ngừng khi trả lời
từng ý tôi hỏi – Tôi đến cổ vũ khoa tôi đá bóng. Bên kia kìa, – cô chỉ tay về góc sân ngay cạnh
điểm chúng tôi đang đứng – giải bóng đá nữ khoa Văn mở rộng.
Tôi như mở cờ trong bụng khi chuyện đến xem bạn trai đá bóng chỉ do tôi bịa ra. Có lẽ,
lâu lắm rồi tôi mới cười hạnh phúc đến như thế. Cô gái đứng trước mặt tôi, khuôn mặt trái xoan
thanh tú, tô son màu cam nhạt, còn làn da hơi xanh nhợt vì trời lạnh và để mặt mộc. Cuối cùng,
tôi cũng được thấy mặt của “bà thím”.
Tiếng còi vang lên trong sân báo hiệu đến giờ quay lại trận đá. Lúc "bà thím" quay ngược
về khán đài, tôi không quên đề nghị một cuộc hẹn sau trận bóng:
– Này, – tôi ngập ngừng, – …sau trận đá cho tôi mời cậu một ly trà nhé!
"Bà thím" không nói, nhưng nụ cười dịu dàng lúc ngoái lại nhìn có lẽ là đồng ý.
Khỏi phải nói, sau khi uống chai nước khoáng từ bàn tay con gái, lại được chủ động bắt
chuyện sau cả một khoảng thời gian dài mất bóng thì nguồn sinh lực trong tôi bỗng mạnh mẽ gấp
khoảng vài lần. Tôi cảm thấy mình chạy hăng nhất sân, cố gắng ghi bàn thắng đẹp nhất để ăn
điểm trong mắt "nàng". Từ phút này, tôi sẽ gọi "bà thím" là “nàng”. Đã đến lúc cần phải đổi tên,
vì lý do gì chắc ai nhìn vào cũng đoán trúng 50%. Nàng, nàng ơi, nàng.
Tôi ước rằng buổi chiều ngày hôm đó mình vừa được tắm táp sạch sẽ, có lẽ tôi sẽ chở nàng đi
lòng vòng dọc phố cho thỏa lòng mong nhớ. Hoặc ít nhất, chúng tôi cũng có thể cùng nhau trở lại
Nhã Nam, cùng ngồi trên tấm thảm đặt trên ô cửa sổ, kể về những ngày vắng xa nhau đã đi đâu,
làm gì, có hạnh phúc không, có chút cảm giác nhớ mong gì một người lạ thoáng gặp hay không.
Hoặc ngồi bên nhau, trong một quán cà phê tầng thượng lãng mạn, nàng lại một lần nữa chủ
động, nắm tay tôi chẳng hạn. Tôi sẽ nhìn vào mắt nàng thổ lộ rằng khoảng cách từ ghét đến yêu
nàng đến với tôi như thế nào, rằng trong thời gian không gặp nàng, lòng tôi bị xáo trộn biết bao.

Chắc vì mong nhớ nàng nhiều quá, tôi đâm ra cũng thành kẻ mơ mộng. Và rồi, buổi chiều hôm
ấy, tôi với nàng ngồi uống trà ở một quán nhỏ, sát ven hồ Văn Quán cho cuộc hội ngộ không ngờ
trước.
Sau một quãng thời gian bị đứt đoạn, tôi rất sợ lần này nếu không nói, sẽ không có dịp nào
nữa để thổ lộ lòng mình. Nhưng tôi cũng lo lắng sự vội vàng vào phút này có thể khiến nàng thấy
sợ hãi và thiếu tin tưởng. Thế rồi, cả chiều đó, chúng tôi chỉ chia sẻ với nhau về sở thích, thói
quen và những đêm chênh vênh của tuổi trẻ chẳng muốn trưởng thành tiếp để phải lo lắng khi
nhìn về tương tai. Có lẽ, vì trông tôi có phần hơi bặm trợn nên không được uy tín trong mắt
người khác cho lắm. Chưa bao giờ, tôi phải mang cả giấy tờ tùy thân, thẻ sinh viên ra để chứng
minh với một người khác giới rằng tôi cũng là một thằng tử tế, được ăn học đàng hoàng và tiếp
cận ai đó cũng chỉ vì mục đích tốt đẹp hoặc vô thưởng vô phạt không làm hại gì tới họ. Nhưng
tôi không nghĩ thế trong tình huống này. Nếu không tin tưởng, nàng cũng đâu dễ dàng gì nhận
lời đi uống nước hay chủ động bắt chuyện lúc ở ngoài sân bóng. Có lẽ, nàng muốn biết nhiều
hơn về tôi như họ tên, tuổi tác, quê quán,.. chẳng hạn.
Với một người không hẳn quá thân thiết, chúng tôi cũng không có nhiều chuyện để nói với
nhau. Hơn nữa, những vấn đề riêng tư khác nếu hỏi chi tiết quá lại không được lịch sự cho lắm.
Tôi bối rối nhấp ngụm cà phê đắng ngắt, từ từ nuốt xuống cuống họng, mắt mở to nhìn những
cơn gió đang nhảy nhót trên tóc nàng.
Chợt nàng hắng giọng, phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng và những phút tôi mơ màng. Nàng hỏi
quanh trường Kiến trúc có chỗ nào thuê trọ rẻ rẻ có thể giới thiệu cho nàng vì bạn cùng phòng
muốn tách ra để sống chung với bạn trai. Tôi gật gù, cười khoái chí:
– Hay thím, à nhầm, hay cậu qua ở với tôi đi.
Thấy tôi láu cá và bông đùa, nàng có vẻ phật ý. Tôi phải giải thích thêm:
– Tôi không có ý đó. Tức là trong tòa nhà chỗ tôi đang ở cũng có một chị đi làm rồi cần
tuyển một bé ngoan ngoan ở ghép. Phòng triệu sáu, điện nước dùng tẹt bô, bổ đầu người thì mỗi
tháng cũng chả đến một triệu. Ở thì tôi hỏi cho.
Nàng thay đổi sắc mặt ngay sau đó:
– Thế anh hỏi sớm giúp em, à… tôi.
Nàng vừa xưng “em”?. Tôi chẳng quan tâm đến vế sau đã chữa lại, ghi nhận là “em” vào
phút đó. 5 giờ 4 phút 43 giây ngày 28 tháng 11 năm 2019 EM!

Nhân tiện cũng là ngày chủ nhật, tôi ngồi thẳng người, móc điện thoại trong túi quần ra
rồi tiến hành thể hiện khả năng Telesale đỉnh cao của mình tới chị hàng xóm:
– A lô. Em Vũ dưới tầng 3 nhé! Chị có nhà không? Em bắt được cho chị một “con gà” rồi
nhé! Có nhà không để em dẫn qua xem phòng luôn.
Cũng cuối tháng rồi, nàng có lẽ cũng đang nóng lòng để có một chỗ ở càng sớm càng tốt
nên gật đầu đi luôn. Nàng ngồi sau xe, tay đấm thùm thụp vào lưng tôi vì bực dọc chuyện bị gọi
là “con gà” lúc giới thiệu người ở ghép và cái thói chạy xe ẩu. Nhanh tay trong một nhịp đèn đỏ,
tôi cũng thông báo thằng bạn ở chung phòng dạt tạm ra quán game, tôi sẽ chi trả phí ngồi máy và
ăn uống trong lúc nó bị tống cổ ra khỏi phòng. Cao thủ không bằng tranh thủ, sao không tiện thể
mời nàng qua phòng uống một ly nước?
Trong lúc nàng đang xem phòng ở tầng bốn, tôi nhanh nhảu khoắng một loáng những
chiến lợi phẩm vắt trên ghế tựa, giường ngủ và cả thanh chắn để phơi khăn mặt trong nhà tắm.
Biết đâu, nàng đồng ý ở đây thì sau này sẽ trở thành hàng xóm, ban đầu cũng nên tươm tất một
chút (tôi nghĩ thế). Để mời được nàng qua thăm phòng, tôi cũng tế nhị mở toang cửa ra vào, cửa
sổ để nàng thoải mái và tin tưởng.
Cho đến tận phút này, tôi vẫn nhớ như in buổi chiều ngày hôm ấy. Một chiều mùa đông
hửng nắng, nàng mặc chiếc váy hoa xòe dài đến gần mắt cá chân. Tài thật, lùn tịt mà lúc nào
cũng chọn mặc những thể loại trang phục khiến người ngắn như khúc sắn luộc. Nàng ngây người
đứng ngắm giá sách của thằng bạn ở chung phòng với tôi rồi chép miệng:
– Lạ nhỉ? Gặp mấy lần ở Nhã Nam có thấy anh lựa mua cuốn nào đâu. Nay lại thấy sở
hữu hẳn một giá sách văn học. Chà chà, xem nào, “Tuyển tập truyện ngắn của Anton Chekhov”
cơ à? Khó tin nhỉ?
– Ừ… Chekhov đọc ổn mà. Cậu đọc nó chưa?
Mặc dù trong lòng hơi hậm hực bởi cái giọng “chà chà”, “cơ à?”, “khó tin nhỉ?” của
nàng nhưng tôi vẫn tươi cười, ra vẻ mình là người đàn ông điềm đạm, dễ mến, không hay chấp
vặt. Nàng cầm cuốn sách của Chekhov lên tay, lật giở vài trang với vẻ hứng thú. Tôi cũng tự tin
bảo thích thì cầm về mà đọc dù đó là sách của thằng bạn. Bất ngờ, có vài thứ không đáng thấy bị
rơi ra ngoài. Đống ảnh in đen trắng của Rihanna, Lady GaGa, của Maria Ozawa rơi lủng xủng
xoảng xuống sàn gạch đá. Tôi đỏ mặt tía tai, cúi nhặt vội nhặt vàng những tấm ảnh mát mẻ, rồi
vùi xuống dưới gối. Nàng tròn mắt nhìn:

– Thật là như thế à? Ngắm mấy cô bom sếch này lúc đọc Chekhov hợp lắm hả? Liệu có
được như món bún đậu chấm mắm tôm ở gần đầu phố Nguyễn Tuân hay không?
Cái lắc đầu ngán ngẩm của nàng, tôi coi như mình đã về vạch âm trên con đường chinh
phục tình yêu của mình. Sao vào khoảnh khắc ấy tôi lại quên mất bộ môn vẽ chân dung mình
đang học nhỉ? Việc chọn mẫu thực hay mẫu ảnh cũng còn do điều kiện và cơ hội của từng người.
Thế nhưng, vì không nghĩ tới, không nói được lời nào để thanh minh, nên tôi vẫn tiếc hùi hụi từ
hồi đó đến giờ.
Tưởng rằng nàng sẽ bỏ đi, nhưng nàng lại mang đến cho tôi một bất ngờ khác:
– Đi ăn bún đậu mắm tôm đi! – Nàng đề nghị.
Dù không hứng thú với món ăn này cho lắm nhưng miệng lưỡi tôi cứng đờ, không sao thốt ra
được lời từ chối. Tôi cứ thế bị sức hút vô hình từ nàng làm cho não bộ và những đốt xương cổ
gật rụp đầu đồng ý một cách thật dễ dàng. Mặc dù nàng chẳng đả động lại chuyện những tấm ảnh
mát mẻ kẹp trong sách, nhưng cũng từ phút đó, tôi thấy mình bị hẫng xuống một bậc thấp hơn.
Chở nàng quay ngược về Nguyễn Tuân, cả đường đi chẳng ai nói với ai lời nào. Nàng trông nhỏ
nhẹ, dịu dàng là thế, thế quái nào khi bước vào quán bún đậu lại hô to như cả một đoàn người
đồng thanh hô cổ vũ bóng đá:
– Cho cháu 2 mẹt đầy đủ, mắm tôm cả nhé!
Tôi không ăn được mắm tôm nhưng không dám bảo đổi sang nước mắm. Có tới hai lần tôi
bịt giấy để cơn buồn nôn không bị trào ngược lên.
– Sao đấy?
– Tôi.. – Tôi lúng túng – .. Tôi không biết ăn mắm tôm.
Khi chọn cách nói thẳng tưng ra như thế, tôi chắc cốp rằng kiểu gì nàng cũng sẽ ngượng
ngùng vì không hỏi trước tôi có thích ăn hay không. Nhưng, tôi lại đoán ý sai rồi. Nàng “vả”
ngược lại một cách đau đớn:
– Ăn bún đậu chấm nước mắm thì thôi đừng ăn cho phí đậu, phí bún. Tập ăn đi. Ăn một
vài lần anh sẽ thấy nghiện cho xem.
“Tập ăn đi” là thế nào? Tức là tôi sẽ còn cơ hội được đi ăn lần nữa? Để chữa quê cho
chầu ăn uống quên mang ví, tôi hứa lần sau gặp sẽ bao nàng một chầu buffet thật thịnh soạn…
Và sau đó, cuộc sống tôi có nhiều thay đổi kể từ khi nàng xuất hiện trở lại. Cậu bạn cùng phòng
tôi cũng đi thực tập ở tận Yên Bái khoảng một tháng. Chị gái ở tầng bốn cũng vẫn đi sớm về
khuya. Tôi và nàng, tưởng là những người hàng xóm bất đắc dĩ nhưng có lẽ cuộc đời cũng mang

đến nhiều bất ngờ tích cực hơn ta tưởng. Đốm lửa nhỏ cô đơn cuối cùng cũng gặp được nắm rơm
khô vàng óng. Khi tôi chia sẻ điều này, mong rằng không ai đánh giá là quá vội vàng: Một tháng
sau, tôi và nàng kết đôi.
Bên cạnh nhau, tôi như trở thành gã trai khờ. Những kẻ si tình thì đầu óc lúc nào cũng lơ
lửng, ngẩn ngơ. Đôi khi, ngồi cười một mình như một thằng dở hơi trong phòng vẽ. Đến khi bị
ăn bạt tai từ thằng bạn ngồi cạnh vì nó hỏi nhiều câu không thấy phản ứng gì, tôi mới tỉnh mộng.
Những cuối tuần vui vẻ bên nhau, nàng trở thành bà hoàng, còn tôi như hóa thân thành một kẻ
đầy tớ trung thành. Nàng yêu cầu giặt ga giường, vỏ gối, tôi răm rắp làm theo. Nàng nhắc nên
dẹp mấy thứ bậy bạ đi, tôi cũng lập tức bỏ chúng vào một chiếc hộp, cất lên trên gác xép chứa
đồ. Đôi lúc, tôi cũng thắc mắc chẳng biết Rihanna, Lady GaGa, Maria Ozawa của lòng tôi ở trên
đấy có cô đơn không, đã bị mốc chưa nữa?
Từ khi có nàng, tôi thấy cuộc đời mình bớt tẻ nhạt hơn trước. Không phải nằm thẳng
cẳng trên chiếc giường kêu kẽo kẹt vì rung nhiều gãy mất phần đỡ dát giường để nhìn ngắm thân
hình nóng bỏng sau khi đã hoàn thành bức vẽ, cũng bớt những tối bù khú chè chén với đám bạn
đến gần sáng mới về. Tôi chỉ biết đến những buổi đi thực tập, tranh thủ rảnh lúc nào lại nhận vẽ
trang trí tường cho mấy quán cà phê đang setup, rồi mỗi tối đứng ôm nàng từ phía sau, thả những
chiếc hôn dài từ gáy xuống tận dưới nữa.
Chúng tôi đã sống như thế cho những tháng ngày đẹp nhất cuộc đời. Hằng ngày, tôi và
nàng cùng đi học hoặc đi làm thêm, đứa về sớm thì nấu nướng, đứa về sau thì rửa bát và vò quần
lót bằng tay. Buổi tối, vào những ngày nàng không bận bịu gì, chúng tôi lại chở nhau ra hồ Tây
hóng gió, ngồi cà kê trà chanh, ngô nướng ở một quán cóc sát hồ. Đến khi thấy cảnh sát cơ động
đi qua một vòng thì chắc cũng khoảng 10 rưỡi tối, nàng kéo tay tôi giục về sớm cho đỡ lạnh. Tôi
thích những tháng ngày êm đềm như thế, khi chúng tôi còn trẻ, chưa phải chịu nhiều áp lực từ
cuộc sống và những mối quan hệ buộc phải có. Còn gì hạnh phúc hơn khi gió lùa lạnh ngắt,
không dám cả rùng mình vì sợ bạn gái ngồi phía sau lo lắng. Còn gì êm đềm hơn khi nàng mặc
chiếc váy len tôi tặng, ngồi vắt chéo ngang xe, tay vòng qua eo tôi ôm siết như chẳng gì tách rời
được.
Cũng rất nhớ những đêm mưa rả rích. Gió thổi những hạt nước nặng trịch tạt vào cửa nghe rào
rào hồi đầu tháng Mười hai. Trong căn phòng đã trang trí thật ấm cúng, nàng say sưa ru mình
trong những trang truyện cuối cuốn sách “Những người đàn ông không có người đàn bà” của
nhà văn người Nhật Haruki Murakami. Còn tôi cũng cố dụi mắt cho thật tỉnh táo, hoàn thiện

những nét hài hòa chân dung người thiếu nữ lùn tịt với cặp chân trần mảnh mai, ngắn một mẩu
bên dưới vạt áo sơ mi màu cháo lòng của một thằng nghệ sĩ chưa thành danh. Đôi lúc, nàng
ngước nhìn tôi đầy hoang dại, nụ cười ẩn ý với gò má đỏ ửng rồi vội cụp mắt đọc tiếp như gieo
vào lòng nhiều nhớ thương dai dẳng.
Đừng ai hỏi rằng tại sao một gã trai bụi bặm, xù xì và đen tối như tôi lại thích một kẻ chỉ
suốt ngày chúi mũi vào sách vở và những trang word chạy dài nhiều như thế. Vốn dĩ, tình yêu
chẳng cần phải có lý do gì to tát. Khi cuộc sống là những khối ghép Rubik nhiều màu sắc, kiên
nhẫn và lưu tâm sẽ làm được thì tình yêu cũng vậy. Sau cãi cọ, giận hờn mà không ai bỏ đi thì sẽ
bên nhau DÀI và LÂU. Nàng là “bà thím” đẹp nhất trong lòng tôi, còn tôi cũng trở thành phiên
bản sáng giá của quý ngài Tokai – một Sugar daddy chính hiệu mà nàng đã ôm ấp cả vào trong
giấc ngủ.