Hiên đi làm. Cầm tờ hợp đồng thử việc ba tháng trên tay, lòng Hiên rộn lên niềm vui khó tả. Bao năm tự học, tự mày mò nghiên cứu của Hiên đã được sử dụng.

Nhiều lúc Hiên đã hét lên trong im lặng, “Bao năm sống trong tù ngục!”. Đâu ai giam cầm Hiên. Gia đình khuyến khích, luôn tạo điều kiện cho Hiên ra đường. Chỉ có chính Hiên tự giam hãm mình thôi. Hiên ít ra đường đến nỗi, mỗi lần ra đường luôn thấy lạ lẫm, bở ngỡ với những đổi thay của cuộc sống. Hiên đã thành cái cột điện bao năm qua trong vòng quay của cuộc đời. Cảm giác đó đã từng làm Hiên mất tự tin vào bản thân mình, tính nhút nhát cố hữu làm cô càng thêm thấy mình khó hòa nhập với cuộc đời.

Ngày đó… xong lễ tốt nghiệp, thầy trò ôm nhau khóc. Mắt đỏ hoe, thầy nói trong uất nghẹn, “Các em hãy… tự bơi… thầy bất lực rồi…”. Đời luôn có những nghịch lý như vậy. Ai cũng đau đầu về vấn nạn thất nghiệp. Mọi người đều đổ công đổ sức đào tạo bao lứa thanh niên như Hiên có nghề nghiệp đàng hoàng. Nhưng ra trường, ở cái tỉnh lẻ này, là không có việc làm. Mọi chuyện như đổ sông đổ bể. Hiên cười chua chát, tốn tiền, tốn công sức, tốn thời gian.
Lên rừng. Hiên mang theo ước mơ làm cô giáo tử thuở bé lên rừng.

Những khuôn mặt khắc khổ, se sắt không muốn đời con giống mình, thiếu chữ. Cô giáo trẻ lên rừng, một bên vai mang lửa nhiệt tình, niềm tin tuổi trẻ. Một bên vai mang gánh nặng gia đình. Nhiệm sở đầu đời của Hiên là đây.

Quán triệt tinh thần “Học – Tư kết hợp” vào dạy học trong đổi mới giáo dục  | Sở giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội

Ngày xưa, trường do dân trong vùng hợp sức dựng lên. Chị đồng nghiệp làm quen “lính mới” kể cho Hân nghe. Ở xóm rừng heo hút này có nhà ông hai Khó, bà con thường gọi vậy. Tên Khó không phải do cha mẹ ông đặt cho, đủ biết tính cách ông thế nào rồi. Ông thuộc dạng trí thức chế độ cũ. Thời thế đẩy đưa ông phải lên đây lập nghiệp, phá rừng làm rẫy. Vì không muốn ba đứa con mình thất học. Vợ chồng ông là người tích cực nhất vận động bà con chung tay dựng nên trường này. Nhà ông không tiếc sức người sức của, thời gian đốn từng cây rừng về làm cột, đánh từng tấm tranh dựng nên ngôi trường đầu tiên có ba phòng học. Chị bạn đồng nghiệp tiếp tục kể. Những năm đầu mới giải phóng, đâu có giáo viên để đưa lên vùng xa xôi hẻo lánh này. Vợ chồng ông vừa làm rẫy vừa thay phiên nhau đứng lớp dạy từng con chữ cho trẻ con ở nơi này. Ba đứa con của nhà ông cũng là những học sinh đầu tiên của xóm rừng này.

Hai mươi năm sau. Lại nhờ một mạnh thường quân ở Sài Gòn về xây tặng một dãy lớp tường gạch mái tole, một người con của xứ sở này. Nói thế cũng đúng mà không đúng. Cậu bé ngày xưa theo gia đình lên đây theo diện kinh tế mới. Sau. Nhà cậu không chịu nổi cuộc sống ở vùng đất khô cằn này, lại trôi dạt về Sài Gòn. Giờ cậu đã là doanh nhân có tiếng có tăm. Cậu luôn đau đáu muốn một lần tìm lại thuở ấu thơ, tìm lại nơi lớn lên của một thời gian khó, đi tìm lại những gì đã mất… Thấy trường đã xơ xác. Cậu muốn đóng góp một chút gì đó cho nơi đã từng cưu mang mình.

Giữa rừng không điện, không nước, lũ học trò bữa học bữa lặn. Bao tháng rồi không nghe nói đến lương. Ái ngại, Hiên hỏi thầy hiệu trưởng, chỉ nhận được câu trả lời chua chát, “Em nào đã vào biên chế, còn phải chờ thử thách một thời gian nữa”…

Lũ học trò đầu khét nắng chua lè, chân mốc cời thỉnh thoảng đến biếu cô giáo con trào cửn, mấy con cá rô. “Cô ơi, qua nhà con Tím cắt mấy tàu bạc hà. Rồi cô ghé nhà thằng Tửng bứt nắm lá giang là cô có nồi canh chua bá chấy!”. Sự cố gắng uốn nắn của Hiên cho bọn trẻ nói năng, dùng từ cho “đúng chuẩn” nhiều khi vô vọng. Đã thành tiềm thức, đã thành phản xạ, mở miệng là bọn trẻ vô tư chẳng kể đất trời. Thằng bé toét miệng cười rồi cụp mắt, rụt rè lí nhí. “Cô khoan tới nhà đòi má em tiền trường nghe cô. Cô đòi là má bắt em ở nhà mò cua bắt cá luôn quá!”.

Hiên trào nước mắt. Ngày xưa, Hiên cũng vậy. Ba Hiên thường kể, hồi ba học mà đóng trăm thứ tiền như bây giờ chắc ba Hiên thất học tám mươi đời rồi. Hiên chỉ muốn được hưởng những phút giây thần tiên như lúc thằng bé mới đến biếu cô mớ cá. Tình thầy trò, tình cô cháu hòa quyện nhau, tình người sao lai láng. Chính tình người đã giữ chân Hiên lại nơi này đến nay. Hiên đã tính bỏ chạy từ lâu rồi. Hiên chỉ muốn mình là cô giáo, là bà tiên ban con chữ cho bọn trẻ. Là bà tiên gột sạch mốc phèn để dáng người chúng ngang tầm với đôi mắt sáng thông minh. Mà nào có được. Hiên cũng muốn được như thấy cô mình ngày xưa, chỉ dạy chữ, dạy học trò thành người. Mà nào có được. Gian khổ gì, cực nhọc gì cô cũng chịu được (Hiên đã quá quen ở nhà mình rồi). Nhưng Hiên không chịu được, khi bắt ông thầy làm chủ nợ của học trò mình. Vô lớp mà Hiên cứ phải nhắc đến tiền, phải đòi tiền học sinh “thiếu nợ”, phải bắt bọn trẻ nộp hàng trăm thứ phí… Hiên xấu hổ quá. Có cái dở nào bằng chuyện, thầy vô lớp học chỉ nói tới tiền! Hiên nào muốn vậy, ở trên thì cứ ép xuống, cô chỉ là con sâu cái kiến mà thôi. Hiên ám ảnh, bọn trẻ giữa rừng ám ảnh, ba mẹ chúng lại càng ám ảnh.

Tháng trước về thăm nhà, má Hiên thắc mắc mãi. Sao bạn con dạy được ở thị xã? Tốt nghiệp loại giỏi mà con phải lên rừng? Hiên chẳng biết trả lời sao cho má hiểu. Có những sự thật đau lòng mà Hiên không thể nói ra cho má biết được. Hiên chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Mà lòng cô thật buồn. Ước muốn của cô thật giản dị bình thường, chỉ mong làm được việc mà mình thích và sống được với nghề. Mà nào có được? Hiên đã tin và nghe theo lời nói êm dịu của vị chức sắc trong ngành. “Năm nay không có chỉ tiêu. Em muốn làm việc đúng nghề? Nếu có thể được, em đi theo diện … ở … em chịu không?”. Chẳng lẽ bỏ công học ba năm trời đành thất nghiệp? Máu chảy trong người Hiên vẫn còn nóng hổi. Lửa nhiệt tình của Hiên vẫn bốc cao. Nên Hiên đã đi đến đó và Hiên đã thấy.

Dãy lớp nằm trơ trọi trên đất trống. Những cây xanh trồng vội chưa kịp phủ tán, chưa đủ tạo bóng mát cho sân trường. Mùa khô, đất xám bạc màu tơi ra thành bột. Những cơn gió trên đường du lịch ghé ngang qua thốc bụi mịt mùng vào lớp học. “Quét lớp chi cô ơi! Gió thổi là lớp dơ lại rồi!”. Lũ học trò nhao lên khi Hiên bắt chúng quét lớp vào đầu giờ chiều.

Mấy tháng nay, Hiên tồn tại được ở đây là nhờ tấm lòng của phụ huynh, của đám học trò. Người thì đem gạo. Có chị ghé ngang giả bộ, lỡ mua miếng thịt lớn quá, xin cô giáo phụ dùm một ít. Chị đi thẳng xuống bếp kiếm dao xẻ ngang miếng thịt, phần cô giáo nhiều hơn phần mình. Rồi chị te tái bỏ đi ngay sợ cô giáo nhùng nhằn chuyện tièn nong thêm khó xử.

Hiên mang nỗi buồn làm việc không lương về hỏi cái Sở đã ký quyết định phân công cô lên rừng. Một vị đã trả lời rành rẽ, ở đây chỉ chịu trách nhiệm về nhân sự. Còn chuyện tiền lương cô đến Sở … hỏi đi. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về lương bỗng. Hiên nhẫn nại chạy qua Sở nắm giữ tài chính của cả tỉnh (hình như là nơi có thế lực nhất vì nắm giữ hầu bao của cả tỉnh mà!)… thì lại nhận được câu trả lời lạnh lùng, “Chúng tôi không nhất trí chính sách X phân bố các em của Sở kia nên không có kế hoạch chi trả lương cho các em!”. Ai sẽ chịu trách nhiệm về cuộc sống, về tương lai nghề nghiệp của bao người đi theo diện chính sách này như Hiên? Cô tự hỏi rồi không tự trả lời được. Ai sẽ trả lời câu hỏi này cho Hiên? Cô cũng không biết được.

Ba giờ sáng, Hiên thu dọn vật dụng cá nhân vào túi xách. Đi hay ở lại? Ở lại hay đi? Cô đã quyết định sau một đêm thức trắng. Đâu có gì nhiều, mấy bộ quần áo, sách vở giáo viên, mấy tuyển tập truyện ngắn là đầy một túi xách. Đồng nghiệp trường này có cái hay. Ai đến đây. Những thứ nồi niêu, chén bát, thau chậu và những thứ linh tinh khác… thiếu gì thì mua nấy. Ai đi thì để lại, người sau có sẳn mà dùng. Cô thầy nào ở thấy thiếu thứ gì thì mua tiếp. Rồi có đi thì cũng để lại cho người đến sau. Cứ thế cứ thế. Nên Hiên ra đi chỉ với một túi nhỏ bên mình. Tất cả để lại cho người đến sau.

Hiên lặng lẽ dò dẫm từng bước quanh co một mình trong rừng ra lộ lớn. Đâu phải Hiên đi một mình? Đồng hành còn có nỗi sợ hãi bao trùm lấy cô. Hiên sợ ma, sợ gặp quỷ sống, sợ thú dữ, sợ đủ thứ, nỗi sợ mông lung trong đêm tối. Nhưng cô vẫn cố dấn bước. Hiên ra đi giờ này để Hiên không phải gặp ai. Mà sẽ chẳng có ai thấy Hiên bỏ đi mà không một lời thanh minh, không một lời…, gặp học trò thì Hiên thấy xấu hổ, gặp những phụ huynh từng chia sẻ với Hiên những ngày qua thì Hiên không đành lòng bỏ lại.

Blog muôn màu: Cậu bé đánh giày

Công việc mới của Hiên tuy vất vả nhưng vui. Hết việc thì thời gian còn lại là của cô. Hiên hoàn toàn làm chủ thời gian còn lại của mình, không ai được xâm phạm vào khoảng trời riêng đó của Hiên. Hết việc trong ngày là hết trách nhiệm là hết vướng bận. Ngày mai đến cơ quan, sếp phân công việc mới là việc của ngày mai, hôm nay không cần biết, hôm nay không cần quan tâm miễn là Hiên làm xong trách nhiệm công việc được phân trong ngày đó. Hết việc đầu óc thảnh thơi không vướng bận. Tới tháng lãnh lương không nhiều nhưng cũng đủ để Hiên trang trải cuộc sống. Muốn đủ thì đủ, muốn thiếu thì thiếu là do Hiên thôi! Không phải lo toan về cơm áo gạo tiền. Công việc của ai thì người ấy chịu trách nhiệm cụ thể, không ai có thể đùng đẩy cho ai. Rồi yêu cầu của công việc đang làm bắty Hiên phải nghiên cứu, không ngừng học hỏi. Không học là không thể hoàn thành công việc. Không hoàn thành thì bị sa thải. Mọi việc thật rạch ròi, rõ ràng mạch lạc. Chả bù cho những ngày Hiên đi dạy trên rừng, mọi chuyện đều có thể vui vẻ thông cảm xê xoa với nhau. Tất cả đều vui vẻ, tránh đụng chạm mích lòng mà kết quả công việc thì không đạt. Tất cả đều là thành tích ảo mà mọi người đều lấy đó bằng lòng. Vì có thế nào trong báo cáo thì cũng chẳng chết ai mà sợ. Bọn trẻ vẫn đến trường, thầy cô vẫn đến lớp, sổ sách giấy tờ vẫn sạch sẽ trơn tru là tốt rồi… có gì thì do học sinh, do phụ huynh, do vùng sâu, do khách quan… và cuối cùng trách nhiệm không thuộc về ai cả. Chỉ tội cho lũ học trò càng lên lớp cao mà trong đầu không mang theo được là bao kiến thức…

Ngồi nhâm nhi ly café, đắm mình trong tiếng nhạc thoảng xa. Dẫu biết ly café đá ở cái quán café sân vườn nổi tiếng nhất thị xã này là đánh đổi cả nữa ngày công mà Hiên vất vả làm việc. Cô vẫn sướng vui. Hiên đã tự thưởng cho mình, một thời khắc hoàn toàn của riêng mình. Nhìn trời, nhìn đất, nhìn mây, nhìn cây, nhìn lá. Lòng Hiên bỗng như lan tỏa vào không gian khoáng đãng. Hiên thấy mình như con chim đang tung sải cánh tự do giữa bầu trời cao rộng. Cuộc đời vẫn đẹp. Những tháng ngày lang thang trên đường, những nụ cười, những ánh mắt biết ơn của khách hàng mỗi khi cô làm xong công việc, mang lại niềm vui cho họ đã giúp cô nhìn ra điều đó. Giam hãm cuộc đời hay sống hết mình đều do tự mình quyết định mà thôi! Bâng quơ, Hiên đỏ mặt khẻ mỉm cười. Biết đâu chừng? Trong các nhà khách hàng cô sẽ ghé làm việc, có một người gõ cửa trái tim con gái của Hiên thì sao nhỉ?

Hiên đang bay bổng tâm hồn theo hương cà phê ngào ngạt thì bỗng cô giật mình nghe những tiếng nạt nộ vẳng từ cài bàn phía bên ngoài;

– Thằng nhỏ này kỳ quá. Tao nói không là không. Mày coi nè, giày tau còn láng o vậy nè . Tau đâu có cần phải đánh. Đi, đi ngay không tau bợp cho mày mấy cái bây giờ…

Một thằng nhỏ uể oải đứng dậy, ánh mắt vẫn nhìn vào đôi giầy của người đàn ông ăn mặc lịch sự, trong khi chủ nó mặt vẫn phừng phừng tức giận và tay thì xọc xọc mạnh ly cà phê đá…

Hiên giật thót mình. Thằng nhỏ quen quá. Dong dỏng, ốm o. Ôi, thằng nhỏ con người đàn bà mượn dao xẻ đôi miếng thịt ở ngôi trường cũ ngày nào. Hiên muốn gọi thằng nhỏ lại, nói với nó mấy câu. Cô buột miệng:

– Ê…

Thứ ngôn ngữ thị thành thấm rất nhanh vào cô. Thằng nhỏ giật mình đứng lại. Nó nhìn sang Hiên. Hai mắt nó sáng lên:

– Cô…

Tiếng nó giống như hôm nó mang đến cho cô mấy con trê vàng bắt được ở vũng sình ngoài đồng vào lúc mùa khô.

– Sao em lại ở đây?

– Cô đi rồi, chúng em không học nữa. Nghe người ta bảo lên thị xã dễ kiếm tiền. Thế là em lên. Mà dễ kiếm tiền thật, cô ơi. Khỏi cần chữ nghĩa. Quay quay vài cái được mấy ngàn. Sướng ghê cô…

Hiên gai người. Cô cũng đang kiếm tiền rất dễ nè. Nhưng một nỗi xót xa trào lên. Cô cảm thấy hình như mình là kẻ phản bội, mà trước hết là phản bội chính mình…

Thằng nhỏ lắc đầu từ chối mấy đồng bạc Hiên đưa cho và xách cái hòm đánh giày chạy vội đi mời khách…

Cuộc sống tự nó đang lăn.