Tết với người Việt Nam là những ngày thiêng liêng, vừa tổng kết thành bại một năm trôi qua và đón chào năm mới với bao ước nguyện.Trong tâm thức của mọi người,sự hanh thông,bình an, mạnh khỏe,phát đạt là mẫu số chung khi thắp nén hương trước bàn thờ tín ngưỡng,trước hương linh tổ tiên ông bà.Trước thời khắc ông Táo về trời ,trước mân cúng đêm trừ tịch lúc tống cựu nghinh tân.Có thể nói lúc đó tinh thần được khai phóng, con người chợt mềm lòng chân thành ,cung kính nhất.Dâng nén hương,đốt lư trầm ,tưởng như nghe được tiếng vọng trời đất vỗ về.Linh thiêng như thực, như hư mở cửa, lòng trải bày dưới ngọn nến lung linh tiếp trường năng lượng vô hình mang chút miên man đồng bóng …
Những lễ tục trước, trong và sau tết đều mang ý nghĩa cầu mong sự sung túc bình an.Tùy theo phong tục vùng miền, đều gói gọn trong ước vọng chính đáng ấy.Ước vọng có cái vô hạn cái hữu hạn. Với Mẹ tôi ước vọng đơn sơ tôi nhớ mãi, dù khá lạ lùng nhưng mang cái triết lý giản đơn đời thường trong kiếp gồng gánh oằn vai nuôi chúng tôi khôn lớn.Mẹ chỉ mong nhọc nhằn thôi đeo bám thân cò lặn lội.Đêm giao thừa mẹ gánh khổ cực đem đổ xuống sông …
Cuộc sống mưu sinh vốn không dễ dãi,nhất là trong giai đoạn khó khăn của lịch sử những năm sau giải phóng. Cung cầu như đôi đũa lệch,thu nhập khiêm nhường của đa số người chỉ đủ qua ngày, đoạn tháng. Sau cuộc chiến, ngổn ngang nỗi lo,cơm áo gạo tiền,an cư lạc nghiệp.Tương lai con cái…Nói chung một bài toán khó giải.Mẹ tôi người đàn bà Đông Phương mỗi khi bế tắc thường hướng về một cõi nào đó để gởi gắm niềm tin,đôi lúc phi lý nhưng niềm tin thì không thể giải thích.Là người trải qua ba chế độ,ám ảnh về ngày tháng cơ cực,chiến tranh,đói khát,sự bất công.Mẹ chưa hoàn hồn cứ nơm nớp lo âu,mặc dù thời thế đã khác.Mọi người hoàn toàn có quyền mưu cầu hạnh phúc và tự quyết định số phận của mình.Biết thế nhưng Mẹ vẫn thủ thế bằng mọi cách để gia đình được an toàn nhất có thể

Cổng thông tin điện tử Công an Gia Lai

Tết đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ai cũng nếm trải những khó khăn,thiếu thốn.Gạo ,thịt.mắn muối,vải vóc có hạn nên chỉ phân phối qua tem phiếu với định mức ít ỏi.Ấy vậy qua sự chắc chiu,với tài gia chánh của mẹ, nhà tôi không thiếu nóm gì .Riêng bánh Tét, Mẹ tôi nấu nhiều lắm,Bà sợ cái thiếu, cái đói của những ngày vừa đón Tết vừa nơm mớp lo sợ trong thời chiến tranh.Không lửa,không nước,không điện,thiếu gạo có tiền cũng không mua được. Bánh tét thường được mẹ gói dành chừng ăn qua tháng giêng mới hết.
Đêm giao thừa năm nào cũng như năm nào.Sau khi chuẩn bị lễ vật-Mức bánh ,xôi chè,hoa quả chưng lên bàn thờ cho cha tôi cúng giao thừa, là mẹ tôi sắp xếp “hành trang” để xuất hành. Đó là chiếc đòn gánh mua từ trong năm,bà chọn trước hai cục đá vừa nặng, cột vào hai sợi dây móc vào hai đầu đòn gánh và chiếc nón lá cũ…Đến giờ con Giáp đổi ngôi.Cha tôi vái tạ trời đất,tổ tiên xong thì mẹ lâm thầm đội nón, gánh hai cục đá, xuất hành về phía bờ sông,bà đi một mạch đến nơi, miệng lâm râm cầu xin điều gì đó rồi ném tất cả xuống…
Mẹ tôi xuất hành như vậy đó, chỉ một hướng trong đời !Bà nói với cả nhà : -Một năm vất vả, khó nhọc đã qua, sang năm mới, gánh nặng nề đem đổ bớt đi.
Thông thường người ta xuất hành phải định tuổi xem giờ,chọn hướng,chọn đến chùa hay một đại lộ thênh thnag nào đó… Mẹ tôi xuất hành về phía bờ sông đó là hướng tự vệ có vẻ yếu ớt.Bà chân chất biết bằng lòng với hiện thực, chỉ mong nổi vất vả kiếp người trôi về biển. Không cầu mong phát tài, phát lộc,thăng quan tiến chức, chỉ đơn giản cầu mong bớt trên vai tảo tần một nắng hai sương
Tôi hỏi nhiều người,và lục tìm tập tục xem thử tục lệ ấy có bao giờ,từ đâu?Nhưng không thấy ai đề cập, giải thích.Tôi hỏi mẹ, việc gánh đá đổ sông mẹ nghe ở đâu ? Bà chỉ cười, mắt buồn buồn :- Có tục lệ chi đâu con! Mẹ nghĩ sao làm vậy.Ai mà không muốn gánh nhọc nhằn đổ đi cho năm mới được nhẹ nhàng …
Tôi nhớ thưở mẹ còn sống,anh Cả,chị hai tôi ở xa mỗi lần về thăm,việc bà không quên trước khi từ giã lên xe là dúi vào túi anh chị tôi một số tiền.Mẹ nói- Lúc nào nhớ Mẹ thì lấy tiền này mua vé xe mà về thăm.Mẹ biết anh chị tôi nghèo, làm nông,thật thà,chất phát,con đông, nên chi phí xe cộ đi lạ cũng không dễ dàng gì. Cứ mỗi lần như vậy là mẹ con ôm nhau khóc òa.. Lòng mẹ bao la vậy đó ! Và người lo xa, lo luôn nỗi lo của con cái
Đã hai mười năm Mẹ về với đất,bỏ lại đôi quang gánh cho chúng con tiếp tục làm người, làm bổn phận mà cha mẹ đã ban tặng.Ai cũng phải đặc trên vai chiếc đòn gánh trách nhiệm nặng nề và đầy thử thách.Hai mươi ba tháng chạp trong tiết trời se lạnh,sau khi đưa ông Táo về trời mẹ tôi ra đi để lại đôi quang gánh chưa kịp đổ xuống sông đêm ba mươi.Cả nhà anh chị em tôi không ai cầm được nước mắt khi đốt gánh di vật nhọc nhằn cho mẹ mang theo.Bờ sông từ đó vắng bóng người xuất hành lặng lẽ trong đêm trừ tịch.
Một đời tần tảo, Mẹ tôi trãi nghiệm tự đưa ra tục lệ riêng cho mình.Một lối xuất hành kỳ lạ, vừa đời thường vừa ước lệ trong cõi người biến thiên.Mượn lời ca dao thành kính tri ơn sinh thành dưỡng dục,xin dâng lên cánh cò cõng nắng cõng mưa. Dưới buổi chiều cuối năm lây rây mưa bụi,ra đứng ngõ sau,nhìn về chân trời xa với nỗi niềm vắng mẹ :
Mẹ theo ông Táo về trời
Bỏ cau héo trái, bỏ vôi têm trầu
Nhà mình không có ngõ sau
Con đi ngõ trước mẹ đâu mà nhìn?…

Văn Luân