Truyền hình tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ giữa những năm 1960 tại Sài Gòn (thuộc Việt Nam Cộng hòa), với sự ra đời của Đài Truyền hình Sài Gòn bằng việc phát sóng nội dung được thực hiện bằng kỹ thuật stratosvision (dùng trực thăng để phát sóng). Đến ngày 25 tháng 10 năm 1966, việc phát sóng này mới được thay đổi khi tháp truyền hình đầu tiên được đưa vào sử dụng. Từ đó xuất hiện thêm nhiều đài truyền hình hơn như bốn đài truyền hình địa phương ở Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Cần Thơ, và Truyền hình Đắc Lộ. Sau khi Sài Gòn giải phóng, được đổi tên thành TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Giải phóng được đổi thành Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV), đến năm 1976, Đài đã thử nghiệm phát hình màu.
Tại miền Bắc, truyền hình xuất hiện khi Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) phát sóng tín hiệu truyền hình đầu tiên, năm 1971 thành lập Ban biên tập Vô tuyến truyền hình, tiền thân của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hiện nay. Ngày 30 Tết Tân Hợi năm 1971, VOV phát đi chương trình truyền hình đầu tiên, gọi là “chương trình truyền hình thử nghiệm” phục vụ khán giả Hà Nội. Năm 1976, Trung tâm Truyền hình được xây dựng tại Giảng Võ (Hà Nội), từ đây truyền hình bắt đầu được phát sóng hằng ngày cùng với việc xây dựng tháp truyền hình ở cột 1200 tại Tam Đảo. Đến năm 1977, Ban biên tập Vô tuyến truyền hình tách khỏi Đài Tiếng nói Việt Nam, thành lập Đài Truyền hình Trung ương và chuyển trụ sở tới đây. Hai năm sau, tháng 9 năm 1978, Đài Trung ương cũng đã bắt đầu thử nghiệm truyền hình màu (hệ SECAM). Đầu năm 1979, chương trình truyền hình mang tên “Truyền hình Hà Nội” bắt đầu phát sóng trên truyền hình quốc gia, ban đầu là chương trình phục vụ cho người dân Thủ đô, phát hàng tháng, sau đó dần tiến tới phát sóng hàng ngày. Đây là tiền thân của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội ngày nay.

Hình ảnh Xem Tivi PNG, Vector, PSD, và biểu tượng để tải về miễn phí |  pngtree
Vào những năm 70, 80 thế kỷ 20, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, phương tiện truyền thông còn hạn chế, thì nhu cầu giải trí thường nhật trở nên quá xa xỉ đối với nhiều người. Những nhà có được một chiếc tivi được coi là khá giả vào thời điểm đó vì một cái tivi cũng phải mất mấy cây vàng. Ngày đó các chương trình truyền hình còn nghèo nàn về giải trí, độ phủ sóng còn thấp, trẻ em thường được xem các chương trình như Những bông hoa nhỏ cùng với các tiết mục ca, múa, kịch thiếu nhi và phim hoạt hình ngắn của Việt Nam và nước ngoài. Trong khi đó, người lớn lại yêu thích sân khấu những tích chèo Quan âm Thị Kính, Kim Nham; tuồng Sơn Hậu, Ông già cõng vợ đi xem hội…; kịch Ông không phải là bố của tôi, Chát xình chát bùm… Hay phim truyện như: Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm,…sân khấu có cải lương, ca cổ cũng vô cùng sôi nổi với những vở như: Tiếng trống Mê Linh, Lá trầu xanh, Bên cầu dệt lụa, Bánh bông lan… hay các phim nước ngoài như: Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Nô tỳ Isaura, Đơn giản tôi là Maria, Người giàu cũng khóc, … những tuồng cải lương những vở kịch, những bộ phim, đã quá quen thời “ông bà anh”. Ngày đó các chương trình truyền hình chỉ mang tính chất giải trí. Nhưng khi chúng ta ngồi nhớ lại, dường như đó không đơn thuần là một nơi để thư giản mà còn mang trong mình những giá trị nghĩa tình của nhân dân, vào những giai đoạn khốn khó khi những điều đơn giản như nhu cầu giải trí của nhân dân bị đặt sau tất cả thì truyền hình ra đời, thay đổi nếp sống của người dân trong âm thầm, thay vì sau những buổi làm việc ngoài đồng ta về ăn bữa cơm chiều rồi lên giường ngủ ta lại đem một đôi dép kẹp hay một tấm chiếu đến một nhà nào đó trong làng, cùng nhau xem thời sự, xem một trận bóng hay một tuồng cải lương…. Ta sẽ cùng cười, cùng khóc, cũng ôm những mong ước cùng nhau về một đất nước hòa bình, thống nhất, một kiếp người không còn khổ cực hay chỉ đơn giản là cùng nhau tạo nên những ký ức thật đẹp của “một thời đã xa”.
Dưới sự ra đời của đài Truyền hình Trung ương và HTV, hệ thống các đài truyền hình địa phương dần được hình thành như Đài Truyền hình Vinh được thiết lập, Đài Truyền hình Đà Nẵng ra đời, Truyền hình Thanh Hóa, Truyền hình Nghệ Tĩnh (nay là Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An), truyền hình Hải Phòng, truyền hình Quảng Ninh và nhiều kênh truyền hình khác lần được lên sóng…. Đặc biệt, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng trở thành đài thứ 2 tại miền Nam có hệ thống phát sóng truyền hình màu. Thời kỳ này, phương tiện thông tin chưa phát triển, hàng ngày hai đài Truyền hình Trung ương và HTV trao đổi băng hình thông qua đường hàng không. Ngoài ra, thông qua đường bộ, Đài Truyền hình Trung ương chuyển băng hình cho Đài truyền hình Hải Phòng và các tỉnh lân cận, cũng như HTV chuyển băng hình cho các đài truyền hình phía Nam, điều này ảnh hưởng đến việt trình chiếu các chương trình. Nhưng vào năm 1980 và năm 1985 được sự tài trợ của Chính phủ Liên Xô, Đài Vệ tinh mặt đất Hoa Sen 1 và Đài Vệ tinh Hoa Sen 2 các đài truyền hình hoàn toàn có khả năng trao đổi chương trình hàng ngày gần như tức thời, tạo điều kiện cho các đài truyền hình địa phương có thể phát chương trình truyền hình quốc gia trong ngày. Nửa đầu thập niên 1980, công cuộc phát hình màu của các đài truyền hình bắt đầu diễn ra. Truyền hình Trung ương chính thức chuyển sang phát hình màu toàn thời gian vào đầu tháng 8 năm 1986, thay vì chỉ riêng các chương trình đặc biệt trước đây.
Về cuối những năm 90 của thế kỷ 20 truyền hình đã có những bước chuyển mình vô cùng lớn, cùng với mong muốn của Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM về việc tạo sân chơi cho giới trẻ, HTV và Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố đã tạo nên một trò chơi truyền hình về kiến thức âm nhạc, ca hát mang tên “Âm nhạc và Tuổi trẻ”, một trong những trò chơi truyền hình đầu tiên của HTV và cả nước, sau Đố em trên kênh 9 thập niên 1970 – 1980. Chương trình đã thu hút một lượng người xem rất lớn trên kênh HTV7 thời điểm đó tại Nam Bộ. Năm 1996, khi kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam lên sóng, VTV cũng có hướng đi thay đổi mới cho kênh. SV96 một gameshow tài năng, kiến thức cho sinh viên chính thức lên sóng, tạo nên cơn sốt trên cả nước, trở thành thương hiệu không thể thiếu của kênh VTV3 thời điểm đó. Trò chơi truyền hình tại Việt Nam chính thức phát triển từ đây. Về sau nhiều chương trình giải trí khác ra đời với nội dung vô cùng đa dạng như các chương trình thức tế, chương trình khởi nghiệp, chương trình thi tìm kiếm tài năng, các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi, chương trình hẹn hò, các trò chơi truyền hình thiên về hài hước bùng nổ mạnh mẽ….
Đã qua rồi cái thời con nít lấp ló bên cửa sổ xem “ké” tivi, hay người lớn tụ tập trước nhà lót dép chờ xem kênh thời sự hay phim truyện họ yêu thích. Hình ảnh người đứng trên nóc nhà vừa xoay vừa chỉnh anten bất chấp thời tiết để có tín hiệu truyền hình tốt đã trở thành ký ức. Dần dần Tivi không còn là thứ đồ quá xa xỉ đối với mỗi người, hiếm có gia đình Việt nào không sở hữu cho mình ít nhất một chiếc tivi, với hơn hàng trăm kênh khác nhau để lựa chọn. Nhu cầu xem truyền hình cũng giảm dần cùng với sự phát triển mạnh của các hình thức giải trí khác, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội. Nhưng chắc chắn rằng tivi hay những chương trình truyền hình sẽ giữ cho mình một vị trí trọn vẹn trong tâm thức của những người yêu quý nó.

Nguồn tham khảo:
1. Truyền hình tại Việt Nam, Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Truy%E1%BB%81n_h%C3%ACnh_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam
2. Trò chơi truyền hình, Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%B2_ch%C6%A1i_truy%E1%BB%81n_h%C3%ACnh