Khi tôi chập chững lớn, cây đa đã ở đó, một mình bươn chải với cái nắng gắt gay của quê hương. Người ta trồng nó trong góc sân của một nhà văn hóa và ở đấy nó âm thầm giữ trọn cái thiên chức được tỏa bóng của chính mình. Cho đến tận bây giờ, khi đã đi được hơn phân nửa tuổi trẻ, mỗi khi nhớ về, tôi vẫn thấy rõ lắm, tuổi thơ tôi gắn liền với một mảng xanh tha thiết mênh mông sắc lá và thân gỗ sù sì của cây đa già đầu ngõ ấy.

Nếu có dịp ghé về làng, đi từ đằng xa tới, đứa con xa quê sẽ nhìn thấy cây đa trước tiên, bởi nó vụt cao hơn hẳn những lùm tre rì rào xanh biếc lá hay những bụi râm bụt đỏ chói như những tàn lửa nhỏ nối đuôi nhau tít tắp chạy dài. Hẳn bởi vậy mà cứ mỗi lần mặt trời lên, cây đa là sinh vật đầu tiên ở làng chúng tôi đón nắng. Nắng sẽ tràn đổ từ đỉnh cây ươn ướt sương đêm rồi men theo từng thân cành khẳng khiu, bắn tóe lên cả những mái nhà lơ lửng khói sau cùng mới đặt xuống mặt đất một nụ hôn, nồng cháy miên man và làm lênh láng cả một vùng nắng mới tinh khôi như mật ngọt đầu mùa.

Tôi không biết rõ cây đa ấy đã đi qua bao nhiêu mùa rụng lá, đồng hành cùng bao nhiêu thế hệ, vì cũng giống như tôi, cha tôi và ông nội tôi cũng có cho riêng lòng một khoảng thơ ấu ngắt xanh dưới tán cây đa ấy. Để gọi cây đa là cổ thụ thì cũng không hẳn, tôi chỉ có thể đong đo độ tuổi của nó bằng những vòng ôm. Là hai vòng tay be bé, không quá to nhưng cũng đủ để che kín người một đứa trẻ lên năm. Những tán lá xanh và ken đầy tiếng cười tuổi bé hồn nhiên nhưng cũng không thiếu tiếng khóc, tiếng mẹ la mắng, tiếng đòn roi rộn vui những trưa tôi trốn nhà trèo gốc đa chơi.

CÂY ĐA ĐẠI THỤ - Vườn cây xanh Hà Đông 0986024688

Hạnh phúc những ngày chào hè với tôi đơn giản chỉ là trườn mình như một con rắn cỏ hoang lên tít đỉnh ngọn đa, tung tẩy đôi chân tròn bé mà à ơi ru con búp bê say ngủ trên đôi tay của chính mình. Dưới tán cây đa luôn là một thế giới khác, đầy mát lành và an nhiên. Hẳn bởi vậy mà khi trèo lên rồi, chúng tôi rất ghét cái việc phải lặn lội trở xuống, vì ngay khi chân vừa chạm đất sẽ bị cái nắng bắt lấy và lũ trẻ như bầy cá con quẫy đạp trong giăng lưới dệt bằng sợi nắng của một lãonông chài cá ven bờ. Cái nắng rực rỡ, đẹp đẽ là thế nhưng chẳng được lòng một đứa trẻ nào. Trong cái nghĩ suy non nớt tuổi ấy, chúng tôi vẫn cho rằng cái nắng ấy tàn ác lắm vì lúc nào cũng như muốn nướng chín làn da chúng tôi như nướng một đống khoai lang tròn vo khô khốc, mỏng vỏ. Lẽ vậy nên cái thời tôi rong ruổi ấy, trông tôi còm nhem và đen nhẻm chẳng khác nào một hòn than trụi cháy.

Cứ độ trăng treo mé đầu, cái tối mon men bén rễ lên từng bức tường gạch, lũ trẻ con lại ríu rít gọi tên nhau và mỗi lần chạy ngang qua cây đa sừng sững ấy, luôn luôn như thế, đôi chân bớt rập rình hơn và chúng tôi bất giác trở nên rón rén, căng thẳng vô cùng vì sau lời bà kể, tôi cũng như bọn trẻ hồi ấy lại mường tượng ra một bóng ma đang vắt vẻo trên cành và chỉ chực chờ cho đứa trẻ nào bén mảng đến sẽ vươn bàn tay dài miên man túm cổ lấy chúng tôi và đem đi. Về đâu thì tôi cũng chẳng biết vì chỉ nghĩ đến việc bị ma bắt đi thôi cũng đã đủ cho lũ trẻ con sợ đến tái mét rồi. Thế nhưng mà, dẫu đó có là cái sợ về một con ma hay nguyên một đàn ma trườn bò trên gốc đa thì cũng chẳng thể ngăn nỗi ước mong rong chơi không mỏi mệt của lũ trẻ đồng quê chúng tôi.

Quê tôi là một vùng nghèo của xứ Nghệ, không riêng gì ba mẹ tôi, người dân nơi đây gắn liền với ruộng nương, đồng bãi. Và cứ đều đặn khi trưa đến hay chiều về, gốc đa lại trở thành chốn dừng chân quen thuộc. Ở đây cha tôi rít mấy điếu thuốc lào, mùi khói thuốc quyện với hương lúa mới gặt, vừa nồng nàn vừa hoang hoải, nồng cay cả sống mũi. Mẹ tôi với bà con lại ngồi tỉ tê chuyện làng trên xóm dưới, nhâm nhi đôi ba miếng dưa hay vài ba cốc nước dừa mát lành. Mùa màng mệt nhọc bao nhiêu thì chỉ ngồi đây thôi, tiếng cười và an nhiên cứ thế kéo về, chẳng vương lấy được dù chỉ một chút phiền muộn.

Có xa quê rồi, lâu lâu bắt gặp một cây cổ thụ đâu đó ven đường, tôi vẫn lại da diết nhớ cây đa già cỗi làng mình, cơ hồ đôi lần tôi mong ước nhường nào hạnh phúc được quay về, về để ôm âu yếm cái thân cây già cỗi quen thuộc ấy, về với ruộng nước mênh mang, về với gốc rễ cội nguồn, về với tuổi bé rộn rã câu ca tiếng cười, về còn để tắm nước làng quê, học bỏ buông những hỗn tạp giữa đời, về với nơi đã hằn dấu trong tôi vết tích của một người con quê hương- da nâu, mộc mạc, chân chất và yêu chốn thanh bình.