Đời sống tâm linh luôn là một mảng màu không thể thiếu ở các đất nước Châu Á nói chung và Việt Nam ta nói riêng. Nó đã trở thành mảnh ghép tâm hồn được khắc sâu vào từng dân tộc, làng xã, gia đình mà ở đó, mỗi con người tham gia các hoạt động duy tâm như một truyền thống tiếp nối ngàn đời. Năm mươi tư dân tộc anh em cùng hòa chung vào truyền thống ấy, tạo nên một nền văn hóa tâm linh cổ truyền mà không một dân tộc nào lẫn vào với nhau, từ lễ lạc, ăn mừng đến đám cưới hay đám ma. Nổi bật hơn cả có lẽ là hình tượng nhà mồ và tượng mồ ở Tây Nguyên, nơi các dân tộc thiểu số như Ê-đê, Ba Na, Gia-rai, v.v tiến hành lễ bỏ mả – một nghi thức quan trọng để đưa tiễn người đã khuất.

Cũng như hầu hết các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam, người dân Tây Nguyên quan niệm rằng sống ở đời chỉ là cõi tạm, thân xác ta nương nhờ ở trọ trong một không gian tạm thời vậy thôi. Chính vì thế, cái chết không phải sự kết thúc, mà lại là mở đầu cho sự trở về với núi rừng, nơi con người được sinh ra. Theo quan niệm của người dân vùng đất đỏ bazan này thì lúc mới mất, linh hồn vẫn còn quanh quẩn đâu đó, giữa người chết với người sống vẫn còn ràng buộc, do vậy hằng ngày người sống vẫn ra thăm mả, quét dọn sạch sẽ và cơm nước cho người đã khuất. Đây được gọi là thời kỳ giữ mả. Chỉ sau khi lễ bỏ mả diễn ra, linh hồn đã về với cõi rừng thiêng thì người còn sống mới yên tâm lo cho cuộc sống của mình. Nổi bật và là trung tâm của lễ bỏ mả này chính là nhà mồ Tây Nguyên, nơi người dân sẽ để toàn bộ vật dụng của người chết vào trong đó vì người đã mất sẽ phải chuyển đến một cuộc sống khác, phải trải qua 7 kiếp khác nhau mới có thể trở thành người. Nhà mồ được dựng trong rừng ngay sau lễ bỏ mả, ngay trên phần đất mả mai táng sơ sài 3 năm về trước. Thường nhà mồ được xây dựng tập thể, có tường, có mái đàng hoàng. Già làng nhiều kinh nghiệm sẽ đảm nhiệm các khâu mỹ thuật thẩm mỹ sao cho chuẩn mực nhất, còn thanh niên trai tráng sẽ bắt tay vào những công việc nặng nhọc như đo đạc, dựng tường, lợp mái. Điểm đặc biệt ở đây là các chỉ số đo đạc của nhà hoàn toàn sử dụng kích thước của cơ thể người như một gang tay, một cánh tay hay một sải tay. Cũng từ đó mà khu nhà mồ nói riêng và lễ bỏ mả nói chung trở thành một không gian văn hóa độc đáo của người dân Tây Nguyên từ kiến trúc đến hội họa và điêu khắc.

Kỹ thuật dựng nhà của đồng bào nơi đây khá thô sơ khi chỉ có hệ thống kết nối các mảng tường bằng gá, buộc chứ không có hệ thống kèo, mộng. Vật liệu xây dựng được tận dụng triệt để từ thiên nhiên, hầu như sử dụng gỗ, nứa, lá chứ ít khi dùng gạch, công cụ thì hầu hết là dao, rìu chứ không dùng các loại máy cắt hiện có ngày nay. Chính vì thế, tổng thể khu nhà mồ nom vô cùng mộc mạc, hoang sơ. Nhưng đừng vì vẻ ngoài bình dân ấy mà quên mất đi những giá trị văn hóa ẩn chứa trong thiết kế kiến trúc, cả khu vực nhà mồ phần nào phản ánh chân thực và đầy đủ cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên. Đặc biệt hơn cả, lối sống văn hóa ấy được thể hiện qua tượng mồ – một trong những chi tiết độc đáo bao xung quanh nhà mồ. Xưa kia, những bức tượng gỗ sẽ được đẽo gọt tỉ mỉ từ những thớ gỗ tốt nhất, thường sẽ là gỗ quý như gỗ hương, gỗ cây cà-chít. Sau này, do gỗ quý được bảo tồn, người dân quay qua sử dụng nhiều gỗ cây gạo. Tuy nhiên, không phải thời điểm nào cũng là thời điểm thích hợp để khai thác gỗ về đẽo. Theo quan niệm của đồng bào nơi đây, nếu đêm hôm trước nằm chiêm bao thấy nhà bị cháy hay bến nước cạn kiệt thì hôm sau sẽ hoãn việc đi kiếm gỗ. Trong khi đi vào rừng kiếm thớ gỗ tốt, nếu thấy rắn bò ngang đường thì họ sẽ quay về nhà ngay vì đấy là điềm chẳng lành. Theo phong tục của người Gia-rai, thông thường thì người đàn ông chủ hộ sẽ đẽo tượng cho người đã khuất trong nhà mình, song, nếu người đó không tự tin vào khả năng của mình thì họ sẽ đi nhờ những người già làng có nhiều kinh nghiệm đẽo hộ. Sau các công đoạn chuẩn bị vật liệu và công cụ, tượng sẽ được tiến hành gọt đẽo thô sơ, giản lược trong đường nét, có tính gợi tả chứ ít khi đi vào chi tiết. Nhưng cách đẽo đó là theo phương pháp truyền thống, hiện nay người nghệ nhân đẽo tượng mồ đã chuyển qua hơi hướng hiện đại khi đi vào tả thực, đi vào từng bộ phận của tượng gỗ như mắt, mũi, miệng, tuy đẹp nhưng lại phần nào làm mất đi sự nguyên sơ của cách đẽo truyền thống.

Những bức tượng gỗ có nhiều kiểu dáng đa dạng, tất cả đều phản ánh hiện thực đời sống người dân Tây Nguyên như người phụ nữ ôm bụng bầu, mẹ bồng con hay trai và gái giao hoan trong tín ngưỡng phồn thực. Quá trình và các bước đẽo khác nhau tùy theo mục đích tạo hình của tượng, nhưng ở đây tôi sẽ phân tích quy trình đẽo tượng gỗ ôm mặt, hay còn gọi là kra-kôm trong tiếng Gia-rai – một trong những kiểu dáng tượng cổ nhất của người dân Tây Nguyên. Thớ gỗ sẽ được người nghệ nhân dùng rìu khoét một mảng lớn. Mảng lõm vào chính là phần ngực của tượng. Sau đó, người thợ dùng rìu tạc lấy hai tay của tượng ôm mặt. Bằng những nhát bổ tiếp theo, hai mảng nối tiếp nhau là phần khuỷu tay và đầu gối dần được hình thành, tạo thành một khuôn dáng khá hoàn chỉnh. Khuôn mặt của tượng được phạt thẳng, để phần nhô ra bên trên làm trán và sống mũi, hai hốc mắt được đẽo bằng vài nhát khoét đơn giản. Theo xu thế hiện đại, người nghệ nhân sẽ tu chỉnh lại tỉ mỉ hơn khuôn mặt, cùng các đường nét phân biệt rõ ràng mắt, mũi, miệng và tai. Trường phái hiện thực trong đẽo tượng mồ cũng từ đây mà dần thay thế phương pháp đẽo cổ truyền khi xưa. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân thuộc thế hệ cũ khẳng định rằng, dù bức tượng được tạc theo trường phái nào, dù có chi tiết đến đâu mà không mang lại cái hồn, cái bản sắc dân gian núi rừng Tây Nguyên thì sẽ không bao giờ được coi là đẹp.

Nhìn vào tượng mồ với tâm thế của một người ngoài cuộc, bản thân chúng ta cũng có thể thấy tính nghệ thuật tâm linh được gửi gắm trong việc đẽo gỗ. Chỉ với một thân gỗ tròn, người nghệ nhân với thủ pháp dùng mảng khối đã có thể tạo ra một thể hoàn chỉnh, khác hoàn toàn với các loại tượng khác khắp Việt Nam. Nếu như tượng của các dân tộc khác như dân tộc Chăm, Khmer được đặt ở trong những ngôi đền, ngôi chùa thiêng liêng thì tượng của người Tây Nguyên lại được đặt ngoài trời, bao quanh nhà mồ và cứ thế mặc kệ nắng mưa không người chăm sóc. Bức tượng ấy được làm từ vật liệu ngoài thiên nhiên và khi hoàn thành, người dân cũng trả lại nó với thiên nhiên trời đất. Quan sát những bức tượng mồ muôn hình vạn trạng bao xung quanh khu nhà mồ, ta không hề cảm thấy sợ hãi, xa lạ mà còn cảm nhận được một sự gần gũi, bình dị khó tả. Đó là hình ảnh người dân đi lấy nước, đốn củi, mang bầu, v.v được tái hiện xuất sắc, mang lại bầu không khí ấm áp tình người chứ không ớn lạnh như ở các nấm mồ ở địa phương khác. Người nghệ nhân đã khéo léo đưa tượng mồ thành chiếc cầu rút ngắn khoảng cách âm dương cách biệt giữa người sống và người đã khuất, đồng thời xua tan sự sợ hãi của người sống đối với một thế giới khác biệt. Bên cạnh thủ pháp tạo hình bằng các mảng khối hình học mang đậm tính mỹ thuật nguyên thủy, người dân Tây Nguyên nói chung và người Gia-rai nói riêng còn sử dụng đến màu sắc trang trí. Trong bảng màu tự nhiên của người Gia-rai có đủ loại màu sắc: vàng, đỏ, đen, trắng, xanh, …, các màu này được lấy từ nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên. Trong số vô vàn màu sắc ấy, màu đỏ và đen được sử dụng nhiều hơn cả. Màu đỏ được coi là màu chủ đạo trong hầu hết sản phẩm nhà mồ hay tượng mồ, được tạo ra bằng cách trộn chất bột của một loại đá non (gọi là khor), rồi hòa với nhựa cây po-pẹ. Ở một số địa phương như làng Kép, tỉnh Gia Lai, người nghệ nhân sẽ tạo màu đỏ ngay từ máu của động vật như trâu, bò – vốn là những con vật được hiến sinh trong lễ bỏ mả. Màu đỏ được dùng chủ yếu để tô vẽ hoa văn cho nhà mồ, tô lại màu cho các hoa văn được đục thủng trên mái, một vài màu đỏ được điểm tô cho phần khuỷu chân, cùi tay, đầu gối của bức tượng. Mặt khác, màu đen (từ than củi giã nhỏ) tuy được dùng ít hơn nhưng cũng đã góp phần làm tượng mồ thêm có hồn và gần gũi, khi tóc, mắt và miệng tượng đều được sơn đen như phần nào miêu tả thực tế khuôn mặt của đồng bào nơi đây vậy. Chung quy lại có thể thấy, đây chính là quan niệm nghệ thuật của người dân, ở đó nghệ thuật chính là đem đến sự gần gũi thân thuộc của cuộc sống đời thường vào trong tác phẩm một cách tự nhiên.

Thật đáng ngưỡng mộ và tự hào khi hiện nay, lễ bỏ mả cùng với nhà mồ và tượng mồ vẫn còn được giữ gìn và phát huy ở các gia đình đồng bào Tây Nguyên mà không hề có sự mai một. Tuy rằng các cách thức xây dựng nhà mồ hay đẽo tượng gỗ đã có phần tiên tiến hiện đại hơn, nhưng tinh thần của một nét văn hóa cổ truyền thì vẫn còn đó. Tuy nhiên, sự chuyển dịch về tín ngưỡng tâm linh này cũng làm dấy lên nỗi lo ngại của người dân về sự mai một trong tương lai, cần thiết có những hành động thiết thực để bảo tồn và nuôi dưỡng. Chính vì thế, mục tiêu của các cấp chính quyền trong khu vực là thúc đẩy, động viên người dân truyền đạt và giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời có các hành động thiết thực để lan tỏa giá trị cổ truyền này đến nhiều người hơn, thông qua các buổi trò chuyện, những dự án bảo tồn hay thúc đẩy du lịch văn hóa trong những năm sắp tới.