Tết còn hơn hai tháng, vợ chồng anh bán hoa tết đã đến trước nhà chào hỏi ba má tôi và nộp số tiền cọc còn lại đúng như giao ước. Nhớ lại thời điểm năm ngoái khi chợ hoa còn thưa thớt, chỉ có người bán âm thầm đứng tuốt lá mai, lặng lẽ chỉnh trang dáng của mấy cây kiểng còi dưới cái nắng của miền Tây Nam Bộ. Trái ngược với không khí hồ hởi đón xuân sang, những kẻ bán hoa tết lại bắt đầu vào mùa xa nhà. Trong số ấy, có người thót tim khi hoa nở rộ đúng ngày cúng ông Táo, có người mắt kèm nhèm nước nhìn từng cánh mai rơi khi giao thừa còn đến năm bảy ngày. Những phận người thấp thỏm với được – mất, lỗ – lời gói gọn trong những ngày cận Tết.

Nhìn vợ chồng anh bán hoa tết với thứ hàng hóa phần nhiều là bông Vạn Thọ, tôi nhớ những ngày Tết nghèo khó của xứ U Minh Thượng hai mươi lăm năm về trước. Khi đó nhiều nhà không chưng Mai, bởi Mai mắc tiền và không phải lúc nào cũng chọn được cành mai nhiều nụ, nhưng Vạn Thọ thì nhà nào cũng có, đó là loại hoa khiến Tết của mọi nhà đều như nhau. Giàu thì chưng hoa từ ngõ vào sân, nghèo thì đôi chậu trước nhà và hai bên bàn thờ tự. Nhà ai sang thì có hoa từ trước Tết chừng chục ngày, gói ghém lắm đến trưa 30 trong nhà cũng ánh lên màu vạn thọ. Vạn Thọ có chậu vàng chanh như màu nắng non, có chậu vàng màu vàng của cây lúa chín. Những cái Tết ngày xưa ấy có tiếng pháo nổ, tiếng vọng cổ phát ra từ máy cassette của gia đình dư dả nào đó trong ấp. Đêm 30 trong cái se lạnh của thời khắc giao thừa và sắc hoa Vạn Thọ vàng trước sân, ông bà ngoại tôi vặn ngọn đèn dầu cho cao lửa, đốt nén nhang bên bàn thờ Gia Tiên cầu cho cháu con được khỏe mạnh. Sáng hôm sau, trên mảnh đất bao đời sống bằng sự thơm thảo của đất trời, một cái Tết mới, đầm ấm lại bắt đầu.

Ý Nghĩa] Hoa Cúc Vạn Thọ | Flowerfarm.vn - shophoa

Tết của hai mươi lăm năm sau, vùng đất “khỉ ho cò gáy” trở mình không còn là huyện nghèo sau khi cầu Cái Bé, Cái Lớn nối liền thị xã. Xứ U Minh Thượng vẫn hiền hoà cây trái và bát ngát ruộng đồng nhưng đường nhựa thì đã vào tận ngõ. Vạn Thọ vẫn là loài hoa được chọn mua nhiều trong dịp Tết, vẫn ngập tràn và vàng ấm hân hoan đón xuân trên các nẻo đường về quê nhỏ. Chỉ là trong hơn hai thập kỷ ấy, đám cháu con của miền quê nghèo đã ít nhiều vơi bớt. Ở đâu đó phía bên kia địa cầu cách hàng chục giờ bay, sẽ có kẻ gồng lên ăn Tết tha hương để rồi đêm 30 lại gục ngã khi nhớ đến màu vạn thọ. Chỉ khi đó đám cháu con lớn lên từ vòng tay của ông bà, chúng mới thấy sự thiệt thòi đến tận cùng khi có tất cả nhưng lại không có quê để trở về.

Bên cạnh những đổi thay của Tết xứ miệt vườn U Minh ấy, vẫn có những cái Tết qua ngần ấy năm cũng không khác mấy của kẻ thủy chung với nghề trồng hoa. Bao năm qua đi cùng sự đổi khác của phố thị, chỉ riêng những kẻ buôn hoa tết và những chậu Vạn Thọ là đứng riêng bên bờ của thời cuộc. Những người sống bằng nghề làm đẹp cho Tết nhưng mỗi cái Tết lại là cuộc bể dâu in hằn nỗi nhọc nhằn lên phận đời của họ. Những nông dân lấm lem và lạc lõng, họ bơ vơ giữa buổi kinh tế ngày một sung túc nhưng người mua hoa thì khoái trá từ niềm vui mặc cả lấy được cặp bông với giá hời. Lặng lẽ cất đi những tờ giấy bạc, kẻ yếu thế với khuôn mặt sạm đen vì nắng cháy lại càng thêm bất nhẫn. Trên một chuyến xe hay con đò nào đó chở đầy hoa không bán được ngược về Sa Đéc, ắt hẳn kẻ buôn hoa với cuộc lỗ lã đón năm mới bằng nỗi lo trĩu lòng. Chỉ mong sau một đêm tỉnh giấc, nhìn chậu Vạn Thọ vàng tươi mà lòng người thêm phần tin tưởng, thấy bản thân còn yêu hoa, còn sức để đi tiếp đời nông dân khó nhọc. Cổ tích mà ông bà ta để lại thể nào cũng có thật, những kiếp người lam lũ một đời xứng đáng được trả công.

Ngô Cao Nghĩa