Yêu nhạc Trịnh và nhen nhóm thấy âm thanh của Trịnh bay qua những ô cửa sổ, ra phố; tôi bỏ buông đô thị ồn ã để tìm về phòng trà Trịnh ca. Lặng như Trịnh, yên như Trịnh và nhờ Trịnh hát tôi nghe vào một chiều Hà Thành trở lạnh.

Lần đầu tiên gặp Trịnh là vào một ngày tháng chín, cuối thu và đâu đâu cũng dậy nồng cái dư hương hăng ngái của mùa sưa tàn. Bầu trời gần đông vẫn xanh và lốm đốm những tàn mây nho nhỏ lười biếng nằm gác mình lên nhau. Tôi có hẹn với trà Trịnh vào một buổi tối, Hà Nội về đêm lạnh hơn bình thường, ít nhất là lạnh trong cảm nhận của một đứa lớn lên từ vùng Bắc Trung Bộ.

Đất thủ đô thì có bao giờ hết náo nhiệt để tự nhiên mà nghe trời thâu thấu buồn rồi ép lòng chộn rộn đòi yên tĩnh. Đến Trịnh chẳng có lý do gì đơn thuần muốn ngâm mình lại trong da diết ngôn từ và những hoài niệm lặng thinh. Phòng trà nằm sâu trong con ngõ nhỏ của phố Tô Hiệu, một mình, yên ả; như chứng tích nhỏ nhoi của thời gian và những điệu âm bất hủ từ người nhạc sỹ đa tài.

Phòng trà độc một tone màu trầm thật cổ kính với những bức chân dung đen trắng mà chỉ nhờ những ánh đèn vàng người ta mới nhìn thấy rõ khuôn mặt và điệu cười rất hiền, rất lặng của Trịnh. Tiết trời vừa đẹp để tìm đến Trịnh như một sự sưởi ấm đúng lúc, hợp lý. Trịnh ấm lạ thường, có cảm giác như chính tôi đang là cô gái đi lạc vào một bộ phim thập niên nào đó, gặp Trịnh và nghe ai đó hát lại những Diễm, những Ánh, những tình yêu rất đỗi chân thành của ông. Không gian đượm buồn, hơi tối và có lẽ chỉ những người ngồi trong bóng tối như khán giả chúng tôi mới có thể nhìn thấy người đang phát quang trên sân khấu, còn người cầm mic thì lặng lẽ và say sưa làm tròn trách nhiệm của người dẫn lối về miền xưa có Trịnh.

Phòng trà Trịnh Ca: Quán cafe nhạc Trịnh mang dư vị xưa cũ - Halo Travel

Đi từ ngoài vào quán là một vẻ nên thơ rất Huế- quê hương của Trịnh, tre trúc mướt xanh, hoa bìm bịp nở tím từng chùm, những giỏ cây treo và ao cá nhỏ xíu nước trong đến dộ có thể vẩn vơ ngồi mà đếm những chú cá đang bơi. Phòng ca mang trong mình những nét hoài cổ xưa cũ đậm đặc với lọ hoa đất nung, đèn lồng, thảm cói, chum sành và mùi thanh nhẹ thoang thoảng của những đốm đèn cầy không dễ lẫn vào những quán cà phê Việt khác ở đất Nội thành, đầy ấm cúng, đầy thiết tha và hoang hoải.

Tôi vẫn duy trì thói quen gọi một tách cà phê đen mỗi lần ghé tới, cô bạn của tôi lại vẫn kiên trung với thức uống latte ngọt ngào. Tôi thích cà phê, từ mùi hương đến vị đắng ngắt của nó, tất thảy đều khiến tôi cảm thấy dễ chịu và nếu ai hỏi tại sao lại dễ chịu mà không phải là những thứ khác thì xin thứ lỗi vì tôi cũng chịu. Đôi khi người ta cứ bất chấp yêu một điều gì đó vậy thôi đâu cần đến những lời thuyết lý hoa mĩ nào. Vị đắng tràn từ đầu lưỡi xuống đáy cuống họng và âm ỉ, dai dẳng hồi lâu. Hai đứa tôi ngồi chẳng gần sân khấu nhưng là ở giữa căn phòng chỉ độc hai dãy bàn ghế song song.Tuy vậy, dù dứng ở đâu và nhìn Trịnh dưới góc độ nào thì vẫn thấy Trịnh rất xưa và rất đượm buồn.

Và dẫu cho người đứng trên sân khấu không phải là Trịnh, dù tiếng guitar nâu trầm không có đôi tay của Trịnh đánh rung thì tôi vẫn tự nhận rằng mình lỡ phải lòng nơi này thật nhiều. Cà phê ở Trịnh cũng không quá ngon, vẫn thơm, vẫn đắng nhưng vẫn chưa đủ để gọi là ngon và khơi dậy háo hức kêu thêm một ly nữa nhưng cứ thương là thương, có ai cắt nghĩa được vì sao người ta biết yêu một người. Tôi xem như mình trúng phải tiếng sét ái tình của Trịnh từ đấy như cách lần đầu tôi đổ gục trước Diễm xưa của Trịnh. Thật lạ kỳ và vô lý khi con gái có thể dễ dàng nói yêu đến thế. Xin đừng đánh đồng tôi dễ dãi bởi ít nhiều tôi biết trong Trịnh và tôi đã giao nhau qua một trường từ: lặng và buồn.

Một điều đặc biệt ở Trịnh là chiếc bảng menu đồ uống, người ta sẽ không thể dễ dàng gọi “cô ơi, xin hãy cho tôi một tách cà phê hay một ly trà nóng” vì tên thức uống được đặt theo những ca khúc bất hủ sinh ra trong sáu mươi hai năm cuộc đời của Trịnh. Nào những Thu phai, mocktail Biển nhớ, Mưa hồng, Diễm xưa…

Tôi rời Trịnh khi quán gần đóng cửa, nhịp đời vẫn ồn ã và tiếng ca đã im bặt từ những phút trước. Càng về khuya Hà thành càng lạnh, nhưng những bóng người thì không vãn hết, nơi này cũng giống Sài Gòn, một phần nho nhỏ đó là luôn luôn có những con người chẳng bao giờ ngủ. Rời phòng trà, hai đứa lang thang mất hồn như những kẻ lữ hành bị bắt phải dọn đồ rời khỏi ốc đảo. Ít lắm để có những dịp như lúc này để đi cùng bạn bởi ai cũng bận. Bận lại bận, từ bận thật đau lòng. Và thôi thì xem như khoảnh khắc này đây là một hạnh phúc hiếm hoi và nhỏ nhoi để nhắc người ta biết đường mà trân trọng, gìn giữ lấy. Như cách thủ đô này vẫn có những con người cật lực yêu thương và gìn giữ tiếng ca của Trịnh. Cũng như cách mà chúng tôi vẫn mỏi mong được nghe tiếng đàn gỗ mộc mạc, nghe những Diễm, những Ánh, những tình yêu chân thành của chàng nhạc sỹ đa tình Trịnh Công Sơn.

Thu đang tàn dần, sự tàn hiện hữu trong sắc trắng thẫm xám của hoa sưa, đón đợi đông về rồi hoa cũng ngưng hương và bặt âm mất. Nhưng trong tôi thì Trịnh vẫn đang đệm đàn, đệm đàn trong phòng trọ, cũng vừa hay, phòng trọ của Trịnh- lại ở trong tâm trí của tôi.