Khi em trả lời anh, hẳn là Sài Gòn vừa điểm hai giờ sáng, phố thị chắc vẫn đông người và ngoài đường đầy những tiếng rao đêm…

Khi em hỏi anh về Matxcova, về những chiều đông đang xõa nỗi buồn trên dòng sông Moskva xanh ngắt, anh chỉ biết kể cùng em về những ngày tuyết rơi trắng xóa trên quảng trường Đỏ, về Thánh đường Saint Basil lộng lẫy trong đêm. Thi thoảng anh sẽ nhắc về những cô gái Nga với đôi mắt màu xanh biếc trên đại lộ Strastnoy, để có thể mường tượng ra nụ cười em đang vẽ lên ánh mặt trời giữa những ngày đông buốt giá “Liệu thì có đôi mắt nào đẹp bằng đôi mắt Sài gòn mỗi lúc ngắm nhìn em?”.

Năm anh mười tám, anh đã từng nghĩ nếu mà không gặp được em, anh nguyện cả cuộc đời được sống trong cơn say nắng thi thoảng có mức choáng váng của Sài Gòn. Anh thích những ngày thành phố bỗng dưng hờn dỗi, đổ những cơn mưa bất chợt lên mái hiên gác trọ gần nhà, cả thành phố chín triệu con người bỗng hóa thành một chốn đi về với đầy những nỗi cô đơn. Anh thích cảm giác được ngồi ở đâu đó chỉ cần là với Sài Gòn để ngắm nhìn những con người đã trót lỡ dành nhịp đập tim mình cho thành phố. Dẫu họ vẫn ở ngoài kia mải miết theo đuổi những lý tưởng của riêng mình, thì khi trở về cũng chỉ có Sài Gòn với căn gác nhỏ ấp ôm cho những nỗi buồn không bao giờ dám nói.

Sài Gòn của anh ngộ lắm phải không em?

Sài Gòn đã chở che cho những kiếp người không biết phải nương tựa vào đâu khi tuổi xế chiều đã thấp thoáng tỏa thứ bóng đêm heo hắt hằn lên những vết chai sần cơ cực của cuộc đời họ. Ở Sài Gòn có một thứ người ta không bao giờ phân biệt chính là xuất thân của một người? Không cần biết anh là ai? Anh từ đâu? Vẫn có thể ngồi ở một quán ven đường cùng nhau và nói nhau nghe về những câu chuyện đời sậm màu hoen gỉ . Một nhà nghiên cứu văn học vẫn có thể cùng một thằng sinh viên nói tiếng mẹ đẻ không rành như anh thưởng thức một tách cà phê ven đường vào sáng sớm. Một ông chủ tập đoàn lớn vẫn có thế ghé chiếc xe Chevrolet sang trọng vào ven đường chỉ để ăn vội một bát mì gõ có tiếng rao đêm lạnh lẽo khi đồng hồ vừa điểm hai giờ sáng. Mà giá của bát mì được làm ra từ đôi bàn tay của người phụ nữ nom dáng đậm chất nhà quê, có mấy đứa con nheo nhóc đang nhìn chằm chằm vào nồi nước lèo tỏa hương nghi ngút ấy tính kỹ ra có khi chỉ bằng một phần mười bao thuốc lá hôm qua anh ta vừa đánh rơi dưới cơn mưa trút vội của Sài Gòn. Ắt hẳn trong cuộc đời người đàn ông ấy, khi anh ta gọi thêm vài bát mì nữa cho những đứa nhỏ tội nghiệp, được ngồi ăn cùng chúng trong không gian eo ẹp chật chội dưới ánh điện đường heo hắt, hẳn phải ấm áp và tuyệt vời hơn gấp cả trăm lần so với bàn ăn thịnh soạn chỉ có một người ngồi ở một căn biệt thự ba tầng xa hoa nằm đâu đó trên mấy con phố hoa lệ ở quận 7 đang nguội lạnh chờ anh ta ở nhà. Sài Gòn là tập hợp của những điều nhỏ nhỏ trái ngoe mà sao dễ thương đến lạ.

Sài Gòn trong anh là nơi chốn để quay về, là ổ bánh mì có món trứng rán hóng nổi mỗi sớm mai. Là xe bắp xào ai vừa chạy ngang đầu ngõ, tiếng bột chạm khuôn kêu lên mấy tiếng “xèo” “xèo” trên những con hẻm dài quận 4. Sài Gòn trong anh là những ngày trời như đổ lửa, có cô gái nhỏ lặng lẽ để ngoài cửa kí túc xá những chiếc bánh su que thơm ngất ngay mùi hương sữa nồng nàn ngọt ngào như ánh mắt của em. Với anh, Sài Gòn chỉ cần giản đơn như thế cũng đủ khiến anh dù đi tận chân trời góc bể vẫn muốn quay trở về.

Khi người phục vụ mang cho anh đĩa bánh cuốn Leningrad vào ngày cuối năm, cảm nhận mùi vị lúa mạch vừa tỏa ra đã bị cái giá lạnh đánh gục bởi một tầng hơi sương nằm chỏng chơ bơ vơ trong thứ không gian lạnh lẽo, anh lập tức chỉ muốn được về nhà cùng em, rong ruổi qua những con phố ăn vặt ở trung tâm thành phố. Chúng ta sẽ chia nhau đĩa bánh cuốn nóng hổi dù chỉ làm từ thứ bột gạo thông thường cũng đã thấy trong lòng ngập tràn hương vị miền Nam. Rồi tụi mình sẽ nắm tay nhau băng qua những con đường tràn đầy nắng gió, em sẽ khẽ ngập ngừng thì thầm vào tai anh câu gì đó, những năm tháng ở cùng Sài Gòn vì có em mà trở thành những trang kí ức ngập tràn thương nhớ trong anh.

Nếu Sài Gòn trong mắt ai là những con đường ngập đầy khói bụi, là những công trình đô thị cứ thay nhau vươn mình trên mảnh đất chật chội đang phải gồng mình chở che cho hơn chín triệu con người, thì Sài Gòn trong mắt anh và trong đôi mắt em là cảm giác rất đỗi bình yên khi chúng ta mở cánh cửa một quán cà phê ở tầng năm và nhìn thấy dòng người đang vui sống với những lý lẽ của riêng mình, tiếng còi xe, tiếng chợ búa, âm thanh bật ra từ chiếc radio cũ nằm chỏng chơ trên chiếc giường xếp bạc màu,… Tất cả đã làm nên một Sài Gòn rất riêng với những con người không ai có thể lẫn vào ai được và chỉ cần nếu một ngày âm thanh bật ra từ cuộc sống đầy những tấp nập vội vã ấy bị ai vô tình để quên ở chế độ lặng im thì anh đã thấy cuộc đời mình đầy những nỗi buồn, nỗi cô đơn đến trống vắng.

Có những ngày anh thấy Sài Gòn rất cô đơn, người ta bỏ quên thành phố với những niềm vui trong ngày lễ Tết. Chỉ còn Sài Gòn một mình với những người xa lạ từ đâu đến để tìm kiếm những thú vui mới mẻ. Anh thấy một Sài Gòn quạnh quẽ và những lúc ấy bao giờ Sài Gòn cũng đổ những cơn mưa. Khi màn đêm vắng vẻ bao trùm lên những giọt nước mắt sầu lòng của thành phố, chỉ còn lại là những tiếng rao ngắt quãng trong con hẻm thưa người, tiếng lộc cộc bật ra từ cái bàn đạp trên chiếc xe đạp cũ của anh sinh viên nghèo làm thêm nghề đấm bóp, tiếng đàn ghita của người “nghệ sĩ” trong xóm trọ mỗi lúc nhớ nhà,…Sài Gòn “của anh” từ lúc nào đã hóa thành một căn nhà với đầy những căn phòng trống, như một người mẹ già tựa lưng vào hông cửa đợi chờ những đứa con thơ…

Anh thấy một Sài Gòn với nỗi cô đơn kéo dài lê thê từ con hẻm ở quận 3 qua những con phố dài quận 7, Sài Gòn chỉ còn lại đôi mắt thâm quầng của những đêm dài thức trắng chờ những đứa con “giống như anh” quay trở về…
“Sài gòn mùa này cô đơn lắm không em

Để anh ghé hỏi xem đôi mắt nào làm đau lòng thành phố
Nụ cười nào cho tâm hồn ngây dại
Để hỏi Sài Gòn liệu có nhớ thương anh”.

Ngọt_28/01/2021