Nhiều chuyện tình trong vọng cổ Viễn Châu có sức sống lâu bền trong lòng người mộ điệu không thua gì các nhân vật trong truyện, tiểu thuyết hay ca khúc. Kể cũng lạ, hơn hai ngàn bài ca vọng cổ của Viễn Châu, gắn với biết bao chuyện tình ngang trái, lỡ làng, mà mỗi lần lời bài ca vọng cổ ấy được cất lên qua những giọng ca tài danh Út Trà Ôn, Lệ Thủy, Minh Cảnh, Minh Vương, Út Bạch Lan….thì y như từng số phận con người từ ấy đi ra…Cùng điểm qua vài chuyện tình nổi tiếng trong vọng cổ của người nghệ sĩ tài ba – Viễn Châu.

1. “Anh phụ em rồi em còn biết tin ai”
Người nghệ sĩ đa tài Viễn Châu tất nhiên cũng là một nghệ sĩ đa tình. Có thể thấy, một số lượng lớn trong bộ tác phẩm (tuồng cải lương, bài ca vọng cổ, tân cổ giao duyên) của ông cũng dành cho chủ đề muôn thuở của con người – tình yêu. Nổi tiếng và đi vào lòng người sâu đậm nhất là bài Võ Đông Sơ (gắn liền với giọng ca NS Minh Cảnh), Bạch Thu Hà (qua giọng ca NSƯT Lệ Thuỷ). Những câu ca “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi, đường dài mịt mùng em không tới nơi. Mây nước buồn cơn lửa binh, hết kể chuyện chung tình, khóc than riêng em một mình” đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người mê cải lương, từ những giọng ca nghêu ngao trong các bữa nhậu đậm phong cách miệt vườn đến “sân khấu” của các buổi đờn ca tài tử.

Đẹp Xinh: Top hình ảnh avatar buồn đau khổ trong tình yêu

Không may mắn được yêu và chết vì người yêu như Bạch Thu Hà, cô gái trong Lá trầu xanh chỉ có một tâm sự của người yêu rồi bị phụ bạc. Chuyện đơn giản và phổ biến tưởng chừng như sẽ nhàm chán. Ấy vậy mà bài Lá trầu xanh có một sức sống và sức hấp dẫn kỳ lạ. Trước hết, phải nói đến cái duyên của những câu nói lối mở đầu bài hát: “Thương nhau cau bổ làm đôi miếng/Một lá trầu xanh thắm nợ duyên/Cứ mỗi chiều về tan buổi chợ/Em còn hoài vọng bóng người thương”. Tiếp đến, có lẽ nhờ hình ảnh “trầu xanh” bàng bạc khắp bài ca – khi là gánh trầu cô gái bán mưu sinh hàng ngày “Anh hứa với em khi tụi mình nên duyên nên nợ thì một lá trầu xanh cũng nên vợ nên chồng”, khi lại là trầu cau ngày cưới người yêu mà cô dâu không phải là mình: “Hoa thu rụng rơi hoài bên bờ sông lạnh. Em đếm bao lá rụng. Một ngày thu tàn hiu quạnh. Khung trời mưa buồn giăng lạnh, ngỡ ngàng đứng bên cổng rào”. Nếu chỉ là một câu chuyện tình dang dở của một cô gái nhà quê bị phụ thì chưa chắc bài hát này đã dễ thương, dễ cảm đến vậy, mà ở đó còn đau đáu những cách đối nhân xử thế ở đời, về chữ nghĩa đượm nồng “Nhưng rồi môt hôm mưa buồn xóm chợ bên thúng trầu xanh em chờ bạn chung tình…yêu nhau rồi ngại gì lầy lội bước chân”. Nghe Lá trầu xanh mà buồn cho một cô gái nghèo, cuộc mưu sinh nhọc nhằn tưởng chừng sẽ nhẹ nhàng hơn khi cô được hạnh phúc, khi có một tình yêu trọn vẹn. Vậy mà trong “ngày mai chỉ hồng thắm duyên cớ sao anh vội sai hẹn” anh đã vui duyên mới. Mỗi một câu trong bài này đều toát lên vẻ u buồn nặng trĩu qua lăng kính của cô gái “mười tám xuân xanh đã mang mối tuyệt tình”. Không hiểu sao mỗi khi lắng nghe tâm sự này, tôi cứ cảm thấy đây không chỉ là tâm sự của một cô gái bán trầu, mà là cách suy nghĩ, cách “thất tình” của bất cứ cô gái làm nghề gì, cùng độ tuổi, cùng một hoàn cảnh sống nghèo và đơn điệu, “đặt cược” khá lớn cho “canh bạc” tình yêu rồi bị “phá sản”. Dẫu có buồn tuyệt vọng đến mức “Mưa rơi lạnh buốt khung trời/Anh phụ em rồi em còn biết tin ai” nhưng không tạo cảm giác yếm thế như kiểu thất tình rồi tự vẫn mà ta hay đọc được đâu đó trên báo. Thật không quá khi cho rằng Viễn Châu chia sẻ với độc giả một tâm sự buồn trong sáng và “chính đáng”. Ta có thể tin vào lòng yêu cuộc sống của những con người mà Viễn Châu phản ánh vào tác phẩm của ông. Điệu Mạnh Lệ Quân giữa bài, âm điệu trầm bổng, tràn đầy nỗi da diết, oán thán… như một điểm nhấn đầy cảm xúc và đáng yêu nhất của bài ca cổ. Bên cạnh cô bán trầu xanh, soạn giả Viễn Châu còn để lại một chuyện tình man mác ngậm ngùi không kém phần nổi tiếng khác đó là cô gái bán sầu riêng: “Ai mua sầu riêng có ai mua sầu riêng hãy dừng chân ghé quán em. Em đây bán trái sầu riêng nhưng em không bán tình riêng…”.

Một mối tình buồn và đầy tâm sự khác là câu chuyện bên rặng ô môi, của một sư nữ tật nguyền, của “bác Sáu giăng câu” và của một đứa con xa quê trong bài Bên rặng ô môi. Lời bài hát như những nét vẽ tuyệt vời và sống động cho một bức tranh quê hiền hoà và đẹp đến nhói lòng; mỗi câu chữ và giai điệu đều chở nặng tâm sự – tình yêu quê hương, sự bàng hoàng trước cảnh đổi thay xơ xác vì khói lửa, nỗi đau nhói lòng khi biết người yêu mình sau bao biến cố đã có chồng, vùi thân vào am tự rồi còn mất mát về thể xác. Dùng điệu Lý con sáo để mở ra không gian buồn mênh mông “Bông ô môi, gió cuốn rụng đầy trên sông. Nhìn mây trời mênh mông…”, những câu vọng cổ độ dài vừa phải nghe mà thấm, mà cảm được từng cung bậc cảm xúc một. Hãy nghe cất câu vọng cổ đầu tiên “Bến nước năm xưa chỉ còn cội đa già chơ vơ rũ bóng, gió đông ơi lòng ta đà ớn lạnh sao gió đông còn thổi làm chi cho bông ô môi rã cánh rụng tơi… bời” – bầu trời lộng gió của sông Tiền, sông Hậu như đang ở quanh đây, từng cánh ô môi như đang rơi rụng trước mắt… Tình với cô gái chỉ cần qua câu “Em đãi tôi ăn bát canh mồng tơi với nồi cơm gạo mới rồi chia tay từ giã để lên đường/Em bơi xuồng ba lá tiễn đưa tôi đến tận đầu làng”, chiến tranh tàn khốc và số phận cô gái được gói gọn trong câu chuyện kể lại của một ông lão giăng câu hàng xóm “con Tư nó đã lấy chồng từ 5 năm về trước nhưng số phần nó bạc phước vô duyên, chồng nó chết đi rồi không chỗ tựa nương nó buồn khổ vào chùa xin quy y thí phát, nhưng khói lửa vô tình không tha nơi phật tự giờ nó đã thành ra một sư nữ tật nguyền”. Nếu ai đó đang phải xa vùng sông nước quê hương để lang bạt góc trời nào đó, một chiều quay về lại bến nước năm xưa, nhìn một bóng dáng thân thuộc trên chiếc xuồng giăng câu, nhìn cội đa già đứng đó một cách “chung thuỷ”, một cánh hoa dân dã rơi rơi trên sông, tìm kiếm lại một con người của ký ức…. ắt sẽ hiểu cảm xúc dạt dào và vô tận như thế nào. Bao nhiêu là cảnh, bao nhiêu là tình, ấy vậy mà Viễn Châu “gói” cả vào bài ca tinh gọn như thế!

Tình yêu đôi lứa là chủ đề chiếm khối lượng tương đối lớn trong bộ tác phẩm đồ sộ của ông, ngoài các bài trên có thể kể đến Hoa lan trắng, Tình Lan và Điệp, Hoa trôi dòng nước bạc, Người yêu nay đã có chồng, Tự Đức khóc Bằng Phi, Trúc Lam Phương Tử, Hoa đào năm ngoái, Gánh nước đêm trăng, Tâm sự Mai Đình, Tâm sự Mộng Cầm…

2. “Anh không chết đâu em”

Những năm ngoài 80 tuổi, ông biết sức khỏe không cho phép mình “trụ” lại lâu hơn với trần thế mà niềm đam mê sáng tác, sống với nhân vật ca cổ thì còn vô cùng tận, nên ông đã viết 2 câu vọng cổ 5, 6 như lời trăng trối – Anh không chết đâu em – để tặng bà nhà và những người nghệ sĩ, những người không bao giờ chết vì niềm đam mê nghệ thuật:
Câu 5. Các bạn ơi! Nếu một mai tôi nhắm mắt xuôi tay trở về cát bụi, trong những hàng tri âm tri kỷ , thì có ai tiễn đưa tôi về nghĩa địa, có ai tiễn đưa tôi ra nghĩa địa hoang… tàn. Ai sẽ giữ giùm tôi lệ thắm đôi hàng. Nằm dưới mộ nghe dế giun rên rỉ, tôi nhớ hoài tiếng nhạc lời ca. Nhớ ánh đèn màu, nhớ tà áo thướt tha, nhớ những lời âu yếm của những người em gái nhỏ, nếu có những đóa hoa không bao giờ tàn úa thì có những trái tim trẻ mãi không già…

Câu 6. Rồi một buổi chiều nào khi tắt nắng hoàng hôn có người con gái tìm đường vào nghĩa địa, tay ôm chặt vòng hoa trắng tìm đến bên mồ nức nở khóc than. Nàng ca lên những bài ca ảo não thê lương của người nghệ sĩ trót mang nhiều cảm lụy. Ôm ngôi mộ, nàng gục đầu nức nở: anh Bảy ơi! anh chết tự bao giờ? Nằm dưới mồ nghe tiếng khóc than, tôi tỉnh giấc và giật mình sống lại. Anh ngồi dậy ôm chặt người con gái và bảo nhỏ rằng:anh không chết đâu em!

Viễn Châu đã sáng tác và đã tự hát 2 câu vọng cổ này không biết bao nhiêu lần, cho đến khi, ông không còn cất tiếng hát…Nhưng rõ một điều rằng, những gì ông tâm sự “Nhớ ánh đèn màu, nhớ tà áo thướt tha, nhớ những lời âu yếm của những người em gái nhỏ”, những gì ông gửi gắm “nàng” cải lương-vọng cổ “Nàng ca lên những bài ca ảo não thê lương của người nghệ sĩ trót mang nhiều cảm lụy” sẽ mãi bên ông trường tồn-và trường tồn cả với bao thế hệ yêu thích vốn văn hóa quý giá của dân tộc.