“Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó.
Đêm lặng nghe trong gió
Tiếng sông Hồng thở than.
Những ngày tôi lang thang,
Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội.
Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi.
Mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi.”

Vào một ngày mùa hạ oi ả, chiếc radio cũ của bố tôi lại vang lên những câu hát da diết mà nao lòng đến thế. Bài hát “Hà Nội và tôi” (nhạc sĩ Lê Vinh, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường) đã phát đi phát lại mấy lần, vậy mà tôi nghe mãi cũng không thấy chán. Có lẽ trong giây phút Hà Nội oằn mình chống chọi lại với dịch bệnh, chúng ta mới có được những giây phút ngồi lại, để trầm ngâm nghĩ về thành phố thủ đô với biết bao biến cố thăng trầm, với những con ngõ lắt léo nhưng cũng đầy chất thơ.

Hà Nội của tôi là ngõ nhỏ phố nhỏ, là sự chen chúc, là tiếng rao vang lanh lảnh. Với những người con đã trót say lòng với mảnh đất thủ đô thì có lẽ đã không còn lạ lẫm gì với một nơi phố hẹp, xen kẽ là những con ngõ mà ở đó, người dân mưu sinh, buôn bán, là nơi tuổi thơ ùa về trong những kí ức về dáng mẹ ta xưa nặng vai quang gánh, là nơi bạn bè khoác vai nhau trong những buổi trưa hè. Chính vẻ đẹp bình dị và hoài niệm ấy đã thu hút biết bao tâm hồn văn học, thơ ca, đã níu chân những thi sĩ mộng mơ, những kẻ văn nhã nán lại mảnh đất đầy trữ tình này.

Một nhà văn trẻ như Uông Triều trong “Hà Nội quán xá phố phường” có viết: “Nghĩ đến phố nơi này người ta thường hay nghĩ đến những vách tường cao cớm nắng, bóng sáng loãng dần, những con ngõ dài sâu hun hút, có chỗ hai người đi đã phải tránh nhau. Ngõ là thế, nhỏ và hẹp, thường là một nhánh của phố nhưng đôi khi có những con ngõ lại giống những con phố độc lập, có tên riêng, rộng rãi, ngõ là phố với đầy đủ những đặc điểm riêng của nó.”

Ngõ mà như phố. Người dân Hà Nội luôn biết cách tận dụng mọi ngõ ngách để làm hàng quán kinh doanh. Ẩn trong những con ngõ ấy là những hàng cháo, hàng phở, hàng tạp hóa san sát nhau, người đi kẻ lại nườm nượp cứ nghiêng bên này, ngó bên nọ mà không hề có bất cứ một sự cáu gắt nào. Tôi còn nhớ một lần được thưởng thức bún đậu trong một con ngõ nhỏ gần Hồ Gươm, tuy là nó không phải ngõ Phất Lộc trứ danh, nhưng cũng đủ để tôi thấy đời sống ngõ-phố tất bật, hối hả đến nhường nào. Mặc cho sự nóng nực, chật chội và vội vã ấy, chúng tôi vẫn cùng nhau thưởng thức món bún đậu mắm tôm trong một không khí thoải mái, không có một sự khó khăn, bất ổn nào. Có lẽ, với một người như tôi, được cảm nhận nét đẹp những con ngõ, rồi ngồi cùng đám bạn nhai nhồm nhoàm những miếng đậu thơm lừng cũng là đã đủ xua tan mọi mệt dọc.

Đâu chỉ vậy, ngõ còn là nhân chứng của biết bao trận bóng nảy lửa, biết bao tiếng cười đùa ríu rít của đám nhỏ mỗi lần đi học về. Con ngõ ấy chúng nó đi qua bao lần mà có bao giờ để ý đâu, vô hình chung con ngõ gắn với tuổi thơ chúng nó khăng khít kỳ diệu đến thế. Mỗi buổi chiều chủ nhật, con ngõ lại rộn rã tiếng cười, đám trẻ con thi nhau chạy nhảy, nô đùa, đôi lúc cũng làm tôi phát bực. Nhưng cứ mỗi lần định đánh đuổi chúng nó, thì tôi lại nhớ lại tuổi thơ mình ngày nào cũng như vậy, ham vui theo chúng bạn, có bao giờ chịu nghe lời người lớn. Rồi đến những ngày mưa, ngõ nhỏ mà thấp nên nước cứ thế dâng lên như sông như suối. Đám trẻ lại gấp những con thuyền nhỏ thả trôi theo cái dòng nước đục ngầu, để dòng nước đưa thuyền ra tận cửa ngõ rồi lặn đâu mất.

Ngõ còn là nơi in dấu chân những người mẹ lận đận, long đong kiếm từng đồng nuôi gia đình. Bóng dáng người mẹ dường như lọt thỏm trong căn ngõ ấy, liêu xiêu liêu xiêu theo dáng chiều đổ trên lưng, không khỏi khiến những người dù khó tính nhất cũng phải xúc động. Mẹ tôi thường nói: “Con mà không biết gì về đường phố Hà Nội thì cứ hỏi bà ngoại, bà đã từng đi buôn gạo khắp ngõ ngách của cái đất thủ đô này rồi.” Tôi trầm ngâm một lúc tưởng tượng ra cảnh dáng người bà ngoại vất vả ngược xuôi khắp nơi, rồi lại trở về với đàn con, lận đận, nhỏ bé trong con ngõ bỗng chốc hóa khổng lồ ấy, tôi lại càng thêm trân quý người mẹ, người bà của mình hơn. Họ là những người phụ nữ kiên cường, đảm đang và hết mực yêu thương những người con của mình. Dù với dáng vẻ gầy yếu tưởng như bị nuốt trọn bởi dòng đời gian nan ấy, về đến cửa ngõ, người bà, người mẹ lại nở một nụ cười thật tươi, gọi í ới vọng đến tận nhà. Đám trẻ đang chơi cũng chợt dừng lại chạy ùa ra đón mẹ, tíu tít hỏi về thức quà, thức bánh mẹ mua đem về. Càng nghĩ, lại càng thêm yêu mẹ, yêu bà, yêu cả con ngõ nhuốm màu thời gian mà họ đã đi qua.

Có thể nói, ngõ đã trở thành một điểm nhấn ấn tượng của Hà Nội, không chỉ bởi vì cái nét đẹp sâu hun hút của nó, mà nó gắn với mỗi người với từng kỉ niệm riêng, từng dòng kí ứcriêng. Ở đó, người Hà Nội góp công tạo nên một ngõ – phố đi liền với những nét đẹp trong lao động tưởng chừng như bình dị hết sức nhưng lại gây ấn tượng mạnh trong lòng những người con đã trót sa vào lưới tình với thành phố này. Dù có đi đâu đi chăng nữa, bước đến cổng ngõ là đã biết mình về nhà, về với những điều thân thuộc nhất, dễ thương nhất, về cùng với cả kỷ niệm tuổi thơ, và về với mẹ.