Cuối tuần nào cũng vậy, chúng tôi hẹn gặp nhau ở quán cà phê vào buổi sáng để trò chuyện cũng là để thư giãn sau một tuần làm việc. Chơi với nhau bao nhiêu năm, chưa bao giờ tôi thấy bạn cau mày, nhăn mặt nhiều như hôm ấy. Thi thoảng lại thở dài chép miệng, nhìn đến là ngao ngán. Tôi nhìn bạn tò mò hỏi:
– Có chuyện gì mà nay bà thở dài hoài vậy? Hay vợ chồng bà có trục trặc gì à?
– Không có đâu, vợ chồng tôi thì làm gì có chuyện gì cơ chứ. Chuyện là ở cơ quan tôi kia.
– Chuyện cơ quan thì kệ nó đi. Mình cứ lo làm tốt công việc của mình chứ nghĩ chi nhiều cho mệt. Chốn lao xao mà.
Bạn im lặng, chăm chú quậy tan sữa trong ly cà phê. Đôi mắt nheo lại nhìn mãi vào vòng nước xoáy nhỏ xíu màu nâu sậm trong ly như thể muốn tìm một cái gì có thể đang bị cuốn trong đó. Bạn nhìn tôi nói nhỏ:
– Khổ nỗi, đây không phải là chuyện bà tám thường ngày nơi công sở mà là chuyện liên quan đến sếp tôi kia. Thật sự mệt mỏi khi trong cơ quan có sếp thích chia phe. Sếp ngấm ngầm chia rẽ nội bộ bà ạ. Chẳng biết đằng nào mà lần.
Tôi ớ ra, cũng hay ho gớm. Từ trước tới nay tôi chỉ nghe nhân viên trong một cơ quan nào đó chia phe nhau chứ chưa nghe sếp chia phe bao giờ. Tôi mắt tròn mắt dẹt tò mò:

Lý giải nguyên nhân vì sao nhân viên sợ sếp như sợ cọp
– Lại có chuyện đó cơ à? Lạ đời à nha!
– Thì đấy. Cơ quan tôi giờ rối như mớ bòng bong. Tất thảy đều diễn nên chẳng biết thực hư thế nào.
– Sống mà cứ phải diễn thì mệt đấy.
– Khổ nỗi, tôi không biết diễn nên càng mệt. Tôi như bị lạc loài vậy.
Rồi bạn nhâm nhi ly cà phê có vị đăng đắng của cà phê nguyên chất, vị ngọt thơm của sữa chầm chậm kể cho tôi nghe chuyện dở khóc dở cười ở cơ quan mình.
Số là trước kia, sếp cũ còn tại vị, anh em trong cơ quan rất trọng nể ông ấy. Người có tài, có tâm mà, ai chẳng nể trọng. Ông hướng anh em đến mục tiêu chung, dùng tâm để quản lý nên tất cả đều vui vẻ, hòa thuận. Có chút gì hơi lục đục trong nội bộ, tị nạnh nhau, chê bai nhau, áy o nhau là ông tìm cách giảng hòa, xí xóa ngay. Nói chung là trong ấm ngoài êm. Việc chung của cơ quan lúc nào cũng trơn tru hết. Thế nhưng từ ngày ông ấy về nghỉ, ông sếp mới lên, mọi chuyện bắt đầu rối tung. Chẳng phải bởi việc nhiều mà bởi mọi người cứ tị nạnh, cạnh khóe nhau, trước mặt cười cười, sau lưng xỉa xói, nói xấu đủ kiểu; chia bè chia phái. Bạnvà một số người ở giữa, chẳng biết theo phe nào, chẳng muốn theo phe nào, cuối cùng lại thành một phe nữa.
– Ha ha! Thế là cơ quan có 3 phe luôn. Thế phe nào theo sếp?
Bạn rầu rĩ:
– Phe tôi thì không rồi, việc mình mình làm, đúng thì nghe, không nịnh bợ, tâng bốc. Còn hai phe kia, tôi không biết.
– Sao vậy?
– Thì đều theo sếp hết mà cũng đều không theo.
– Rắc rối vậy?
– Thì đó. Tất cảdo sếp gầy dựng hết.
Bạn kể sếp đi tung tin chỗ này chỗ kia là người này người kia thế này thế kia, cuối cùng gây lục đục nội bộ. Mọi người cứ nghi kỵ nhau, dò xét nhau bà ạ. Mệt mỏi lắm. Chỉ có sếp là được như ý. Bất cứ chuyện gì dù to hay nhỏ của mọi người, sếp cũng nắm hết. Chuyện ông A đi với ai hôm qua, sếp phó ngồi cà phê với sếp nào bên cơ quan nào sáng trước, hay trong cơ quan mấy người nhậu với nhau nói những gì,…sếp nắm hết. Sếp cứ đi nói bóng gió ý này, ý nọ để họ phải đề phòng, để dè chừng, để thon thót giật mình rồi quay ra lo canh me nhau để có cái nói với sếp. Khốn nỗi, cứ như vậy cuối cùng chẳng mấy ai lo tập trung công việc, việc làm thì qua quýt, không hiệu quả. Có khi người này làm, người kia hưởng công bởi được lòng sếp. Mà ông sếp này cũng kỳ cục, thấy nhân viên trong cơ quan như vậy thì lại ngấm ngầm khích bác cho anh em xa nhau thêm chứ chẳng lo hóa giải, hàn gắn chi hết. Tôi bật cười:
– Ông ấy kiểu như muốn thực hiện chính sách “chia để trị” ấy bà nhỉ. Ô, như vậy chẳng là làm cho tập thể yếu đi thì là gì? Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết mà.
– Đúng là chia để trị đấy. Nói thật, ông ấy nhờ sống lâu lên lão làng chứ kinh nghiệm, khả năng chuyên môn, khả năng quản lý yếu. Mà những người như thế hay đề phòng, hay sợ. Khi không có khả năng thì sợ người ta vượt mặt, người ta coi thường, sợ sớm bị mất ghế nên ông ấy mới tìm cách chia rẽ đoàn kết nội bộ. Tôi thật sự mệt mỏi bà ạ.
– Thì ra là vậy.
Tôi im lặng ngồi nhâm nhi ly cà phê của mình. Nhiều sữa sao vẫn thấy đắng quá. Tự nghĩ trong một cơ quan, tập thể muốn phát triển, muốn làm tốt công việc mọi người phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau; chuyện to nên hóa nhỏ, chuyện nhỏ nên bỏ qua. Mà muốn như vậy người đứng đầu phải vừa có tâm, vừa có tầm. Người đầu tàu phải gương mẫu, phải giúp anh em trong tập thể hòa thuận, dẹp bỏ hết mọi nghi kỵ, ghen ghét để tập trung cho sự nghiệp chung. Như vậy mới mong cơ quan vững mạnh, trong sạch được. Đằng này thì… Than ôi, thời đại 4.0 rồi mà vẫn còn chuyện “sống lâu lên lão làng” hay sao?
Tôi phải khuyên bạn tôi thế nào ấy nhỉ?