“Ơ … chơ muối ba năm muối đương còn mặn

Gừng chín tháng cay vẫn còn cay

Đôi ta tình nặng nghĩa dày

Dù có xa nhau đi chăng nữa, cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa…”

Mỗi đứa trẻ xứ Nghệ sinh ra, lớn lên đều được đắm hồn mình bên chiếc nôi êm, thuộc nằm lòng trong tiềm thức những khúc hát nghĩa tình như thế. Mà đâu chỉ là ru con đâu, mẹ hát để ru lòng mình, đang tự nhắc nhớ về một nét đẹp trong cách sống tình cảm của quê hương.

Như con người xứ Nghệ; Ví, giặm quê mình cũng quen “chặt to kho mặn” dẫu đó là lời nói yêu thương. Không duyên dáng, mềm mại như Quan họ xứ Bắc; chẳng ngọt ngào, mùi mẫn như đờn ca tài tử phương Nam; cũng không có sự tha thiết, sang trọng như nhã nhạc cung đình Huế; Ví, giặm mộc mạc, chân chất, có phần thô và thật trong từng làn điệu luyến láy, ngân nga. Tính cách người Nghệ, như học giả Đặng Thai Mai, người con quê Thanh Chương, đã nhận xét với câu nói nổi tiếng: “Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến “cá gỗ””. Chính những nét tính cách điển hình ấy cộng với thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt “Mùa đông trời buốt giá. Mùa hạ nắng cháy da. Ruộng đồng khô nứt nẻ. Mưa đi không kịp về…” (Thương về xứ Nghệ) đã thổi hồn vía vào trong điệu hát quê hương.

Xứ Nghệ (bao hàm cả Nghệ An và Hà Tình) là nơi sản sinh ra làn điệu dân ca Ví, giặm da diết, sâu lắng nghĩa tình, với ca từ nồng nàn và giai điệu thấm sâu khiến cho ai dù chỉ mới nghe thôi cũng muốn tìm về. Từ khi Ví, giặm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại (2014), nó lại càng thêm lan tỏa trong đời sống cộng đồng xứ Nghệ. Là loại hình nghệ thuật diễn xướng phổ biến trong mọi hoạt động của đời sống thường nhật, diễn tả mọi cung bậc tâm tư tình cảm của con người nơi đây; Ví, giặm luôn hướng con người tìm về với những giá trị nhân bản nhất. Nếu như giặm (dặm) có nghĩa là thêm vào, hoặc có nghĩa là dặm đường mang tính chất tự sự, kể lể khuyên răn, phân trần bày tỏ thì ví là ngâm vịnh, ví von. Hát ví cũng có nghĩa là hát vói: trong nhà – ngoài ngõ, dưới ruộng – trên bờ… Với lối hát tự do không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng, âm điệu cao thấp, dài ngắn tùy thuộc vào ca từ; hát ví mang tính biểu cảm cao, tình cảm dàn trải mênh mang sâu lắng, vừa bâng khuâng xao xuyến vừa tha thiết ân tình nên luôn là thể điệu giao duyên của đôi lứa. Khác với Quan họ các liền anh, liền chị không thể lấy nhau thì Ví, giặm lại là ông tơ, bà nguyệt làm nhịp cầu kết nối xe duyên cho bao đôi lứa nên nghĩa vợ chồng. không gian diễn xướng linh hoạt trong từng hoàn cảnh; lời ca không chỉ là lề lối sẵn có mà đầy sự ứng tác trong mỗi canh hát; chính vì thế mà người hát dễ thấu cảm hoàn cảnh của nhau, nhận ra tâm tư của nhau trong từng lời ví để rồi gắn bó với nhau mặn nồng như muối mặn gừng cay. Lắng lòng qua từng khúc hát, mới thấy lời yêu của người xưa, của xứ Nghệ quê mình mộc mạc mà da diết ân tình.

Cũng như các loại hình dân ca khác là những sáng tác dân gian tổng hợp: lời nhạc, động tác, không gian diễn xướng, Ví, giặm thể hiện trí tuệ, phẩm chất, tinh hoa trong tư duy, lối sống, tình cảm, phong tục tập quán. Có làn điệu bày tỏ tình cảm gia đình, quê hương; có làn điệu miên man thế sự; có làn điệu thăm thẳm nỗi niềm; nhưng ngân vang, lắng đọng hồn người bởi nét dung dị trữ tình mà gợi nhớ neo đậu một hồn quê sâu thẳm nhất chính là những khúc hát giao duyên.

Người Nghệ ngông, gàn nhưng lại được nhiều người quý mến vì họ cũng là người sống thẳng thắn, khẳng khái. Trong lời yêu cũng thẳng thừng như thế. Đã yêu là không ghét; đã ghét là không thèm nhìn mặt nhau không có chuyện lưỡng lự nước đôi “Chơ… đã thương thì thương cho chắc/ Mà đã trục trặc thì trục trặc cho luôn/ Đừng như con thỏ đứng đầu truông/ Khi vui thì giỡn bóng, mà khi buồn thì bỏ đi” (Ví giận thương). Những câu nói mộc mạc, chân thành mà mát lòng mát dạ. Những chàng trai cô gái gặp gỡ nhau trong đêm hội, trong buổi làm đồng mượn câu ví lời ca để bày tỏ lòng mình. Thường trong lần đầu gặp gỡ, những chàng trai là phía chủ động, cất câu hát để ướm lời “Người ơi… mấy lâu liễu bắc đào đông/ Tự nhiên thiên lí ngộ tương phùng là đây/ Chơ bây giờ rồng lại gặp mây/ Nhờ tay tạo hóa đó đây vuông tròn” (Thử lòng chung thủy). Nếu bên gái có sự cảm mến cũng sẽ được thể hiện ý nhị qua điệu ví “Tương phùng gặp bạn tương tri/ Mấy lâu ni xa lòng cách mặt, đến bựa ni em mới gặp chàng” (Thử lòng chung thủy). Tình yêu đến theo lí lẽ tự nhiên nhất của con tim, vi vút trong tâm hồn như làn gió thổi trên đồng lúa mênh mông. Nếu người con trai bày tỏ nỗi nhớ, tình cảm một cách mãnh liệt “Chứ hôm qua anh đi trước cửa nhà nàng/ Thấy cha mẹ đập nàng rồi nàng khóc nàng than/ Nhà nàng cửa sổ song loan/ Anh muốn ghé lưng vô chịu trận đòn oan cho nàng”; thì phía con gái cũng da diết không kém “Chẳng thà không biết khỏi mong/ Chứ biết rồi thì ngày đợi đêm trông cũng buồn” (Thử lòng chung thủy); hay “Chư thương anh lắm anh ơi, nhớ anh lắm anh ơi, thương đáo để khúc nhôi, nhớ ngao ngán trần đời, thương thuốc gói trầu cơi, nhớ thuốc mở trầu mời, mới vắng mặt một hồi, mà trán tui hắn đổ mồ hôi, trong ruột đã nóng sôi, bưng cơm ăn nỏ được, bưng nước uống không trôi, cầm lấy đũa thì đũa rớt, mà lấy đọi thì đọi rơi, ra tui ngong đất ngó trời, ra tui nhìn ngược ngó xuôi, cha tui mới hỏi: tại mần răng rứa con ơi? mẹ tui cũng hỏi: tại mần răng rứa con ơi? Tui mới lặng lặng tui trả lời: vì tui thương anh vô kể, mà thiếp nhớ chàng ơ vô kể….” (Thử lòng chung thủy). Một khi nhờ câu hát mà tình yêu đong đầy thì đồng nghĩa là gừng cay muối mặn “Một lời thề không duyên thì nợ/ Mà hai lời thề không vợ thì chồng/ Mà ba lời thề khơi núi ngăn sông/ Em quyết theo anh cho trọn đạo, kẻo luống công anh đợi chờ” rồi “Ta thương nhau bằng trời bằng biển/ Anh xa em như bến xa thuyền/ Dù bá ngả tùng nghiêng anh một lòng đợi bạn/ Tình sâu nghĩa nặng dù đá nát vàng phai/ Lời thề chẳng đơn sai, một lòng giữ vẹn/ Năm canh em thức ơ trọn để gan héo ruột ơ khô/ Đêm em đứng em ơ chờ như mong tằm nhả kén/ Bao nỗi niềm em chờ mong/ Hỡi người ơi đã thương nhau dù cho chớp bể mưa nguồn/ Lòng em giữ vẹn lời nguyền, tình anh giữ vẹn thuỷ chung” (Một lòng đợi bạn). Tất nhiên, vì hoàn cảnh hoặc một lí do nào đó mà không thành tình nghĩa vợ chồng thì sự tiếc nuối, trách hờn cũng rất nhẹ nhàng “Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở/ Anh đến bến đò thì đò đã sang sông/ Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng/ Hỏi em yêu anh như rứa, có mặn nồng hay chưa?” (Ví ghẹo)  hoặc “Hò.. ơ.. hò vì ai mà tui ăn cơm cũng nghẹn, uống nước cũng nghẹn/ Nghe lời bạn hẹn ra đứng bờ sông/ Bãi thời thấy bãi, mà người không thấy người…” (Thử lòng chung thủy). Khúc hát giao duyên Ví, giặm sở dĩ trở nên lôi cuốn, khiến cho những người con xứ Nghệ đi xa luôn nhớ về bởi không chỉ chuyên chở dạt dào tình cảm con người nơi mảnh đất như đòn gánh, gánh hai đầu đất nước mà còn kết tinh những phẩm chất trí tuệ trong từng lời hát, mang dáng dấp của những ông đồ xứ Nghệ. Thường trong các cuộc hát giao duyên được diễn xướng qua các hình thức: hát lẻ, hát đối hoặc hát cuộc. Và mỗi bên nam, nữ đều có người “bẻ” trong lời hỏi đáp. Đó có thể là các nhà nho có tên tuổi. Chính những bậc trí giả này đã làm cho lời giao duyên trở nên thâm thúy, bác học hơn để từ đó những đôi nam nữ sẽ gặp được đấng quân tử hay người thục nữ của lòng mình. Những Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Phan Bội Châu cũng đã từng có những đêm hát phường, hát hội ngọt ngào như thế.

Hát Ví, Giặm - cội nguồn và sức sống mạnh mẽ

Lời yêu qua câu hát được thể hiện không chỉ bằng những từ ngữ trau chuốt, mượt mà, ý nhị như: “Hồng sơn cao ngất mấy trùng/ Lam giang mấy trượng thì lòng bấy nhiêu” (Nhắn bạn – Hát phường vải) mà còn giàu hình ảnh, mang tính biểu trưng cao, rất “thơ”, chẳng hạn: “Đá có rêu bởi vì nước đứng/ Núi bạc đầu là tại sương sa; Ra về dặn nước dặn non/ Dặn rằng một chữ vuông tròn phu thê” (Hát phường vải). Một đặc điểm dễ thấy nữa là Ví, giặm nói chung và những khúc hát giao duyên nói riêng sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ để thể hiện cách nghĩ, nét mĩ cảm riêng của người xứ Nghệ. Những so sánh: “Da em như đọt chuối non/ Eo lưng thắt đáy như con tò vò”, ẩn dụ: “Lạ lùng anh mới hỏi thăm/ Trăng kia đã đến hôm rằm hay chưa/ Trăng đang mười bốn chưa rằm/ Dâu xanh đang đợi con tằm kéo tơ”, nhân hóa: “Vườn hoa quả thị má hồng/ Mận mơ quấn quýt đèo bòng cho cam”, đặc biệt là chơi chữ: “Anh bứt cỏ ngựa ngồi đầu cựa ngọ/ Kẻ bắn con nây ngồi cội cây non hay “Giường đông thiếp bắc sẵn sàng/ Buồng tây mở khóa đợi chàng nam nhi” (Hát phường vải)… không chỉ để thử tài nhau mà cũng là cách để lưu giữ tinh hoa trí tuệ của cha ông.

Những câu hát giao duyên Ví, giặm biểu thị một tình cảm gần gũi, thân thiết như bật ra từ gốc lúa, bờ tre mà càng khắc khổ gập ghềnh lại càng sâu lắng trữ tình. Kết tinh trí tuệ, tình yêu và sự tài hoa của bao thế hệ dân cư xứ Nghệ, những câu hò điệu ví từ “đặc sản” của một vùng quê đã vươn tầm thành “di sản” nhân loại. Những lời yêu thương ấy sẽ còn được bao thế hệ mai sau giữ gìn, như mạch nguồn văn hóa quê hương sẽ chảy mãi không ngừng. Từ tình yêu đôi lứa để đi đến tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, người Nghệ luôn dặn lòng “Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình”