Thụy đưa tay chỉnh lại chậu cúc cho ngay ngắn giữa đám cỏ dại rồi mỉm cười. Từ bữa đặt bức tượng Đức Mẹ nơi khoảng sân đến nay, ai cũng tấm tắc khen vợ chồng Thụy. Chí ít cũng có chỗ để bà con sớm tối cầu kinh, bởi giáo họ làng chài này biệt lập với giáo xứ. Nhưng những người không hiểu chuyện lại xì xầm, làm vậy thì có lỗi với người chủ trước, với người đã biệt tích bấy lâu nay. Những điều ấy, Thụy đã suy nghĩ trước lúc đặt tượng, nhưng cô thấy điều mình làm không có gì sai trái.

Thôi thì im lặng để gói trọn kí ức đau buồn của một người rồi thả trôi cho biển cả sóng trào ngoài kia.

***

Giọt nắng cuối ngày tắt hẳn sau hàng dương trước cổng. Thụy bước vào, cô khẽ rùng mình khi thấy người phụ nữ ngồi bó gối nơi góc hiên nhà, mắt đăm đăm nhìn về hai ngôi mộ gió. Thụy không biết người phụ nữ ấy là ai, sao lại ngồi nơi đây? Thụy chưa gặp cô ấy nơi làng chài nhỏ bé này bao giờ.

Thụy đẩy cánh cổng bước vào bên trong, chồng cô vẫn chưa về. Người phụ nữ gật đầu chào. Thoáng chút buồn đọng lại nơi gương mặt trải đời dưới lớp phấn mỏng, người phụ nữ cất tiếng ấp úng: “Cô đây là…?”

“Tôi là chủ của căn nhà này. Còn chị…?”

“Tôi là Yên, một người quen của người chủ trước. Bà ấy tên Thùy Lan!”

Nghe vậy, Thụy đưa ánh mắt trìu mến cùng cái bắt tay về phía người phụ nữ. Thoảng trong tâm trí Thụy, cái tên Thùy Lan hiện lên. Thụy đã từng gặp cái tên ấy nơi cuốn sổ đỏ người ta giao lại cho vợ chồng cô trong lần sang căn nhà. Nhưng chính xác hơn, Thụy đã gặp bà ấy mấy lần, người đàn bà lớn tuổi ngồi trên chiếc xe lăn, mắt mờ đục luôn nhìn về hướng biển.

“Nếu tiện, tôi mời chị vào nhà uống nước?”

“Dạ được, tôi cảm ơn chị.”

Vào bên trong, người phụ nữ đưa mắt nhìn chung quanh như cố tìm kiếm những điều an yên xưa cũ. Từ lúc mua lại căn nhà, Thụy chưa thay đổi gì nhiều. Số tiền tích cóp mua đủ khu đất và căn nhà đã quá nhiều so với đồng lương lao động của hai vợ chồng. Do vậy, việc sắm sửa vợ chồng cô chưa nghĩ đến. Bàn thờ Chúa, Thụy cũng giữ nguyên giống như người chủ trước đã sắp đặt. Nói chuyện một lúc, Thụy biết chị Yên lớn hơn cô gần một giáp. Chị mới từ nước ngoài trở về Việt Nam để tìm gặp người thân. Sẵn băn khoăn, Thụy hỏi:

“Chị Yên có biết hai ngôi mộ gió trước nhà kia là của ai không?”

“Tôi không dám chắc! Có lẽ là mấy đứa con của bà Lan.”

“Dạ đúng rồi! Lúc quyết định mua nhà, em nghe biết cũng hơi khó chịu nhưng nghĩ mình có Đạo nên cố đợi bà Lan giải quyết! Em cũng hay xin Lễ cho họ nhưng không biết tên thánh là gì!”

Chị Yên đưa mắt nhìn Thụy, rươm rướm mấy giọt nước long lanh:

“Cảm ơn em nhiều lắm! Nếu đúng như vậy thì đó là hai ngôi mộ của ‘tôi và chồng sắp cưới’.”

Thụy lặng người. Cơn gió nhẹ ngoài biển ghé ngang làm sống lưng cô ớn lạnh. Người phụ nữ trước mặt Thụy đang nói điều gì vậy? Chợt, chị Yên úp mặt xuống bàn, khóc rấm rức. Thụy cũng nghẹn nghào, dù cô không hiểu chuyện? Đã mấy lần, Thụy tìm gặp bà Lan để hỏi về hai nấm mộ trước nhà, cô xin dời ra nghĩa trang rồi xây cất tử tế, hương khói như bao người nhưng bất thành. Bà Lan chỉ ầm ừ nhưng vẫn chưa làm gì. Nhưng ngay lúc này, nhìn gương mặt chị Yên nhòe nhoẹt nước, trong lòng Thụy lại dậy lên sự thương cảm.

Bên ngoài, sương đã giăng đầy khu vườn, cảnh vật đắm mình trong cái lạnh rin rít của miền biển. Chị Yên đứng lên, ấp úng nhìn Thụy:

“Cảm ơn em vì những việc đã làm bấy lâu nay!”

“Chị bận việc gì hả?”

“Không, tôi muốn kiếm phòng trọ để nghỉ chân đêm nay.”

“Sao không ở lại đây với gia đình em, đủ chỗ cho chị nghỉ lại mà!”

Thụy dẫn chị Yên ra phía sau rửa mặt, mâm cơm đã được con của Thụy dọn sẵn trước lúc đi học thêm. Thụy cất chiếc lồng bàn rồi kéo ghế mời chị Yên ngồi:

“Chị cứ tự nhiên, có lẽ hôm nay chồng em tăng ca nên về trễ, còn con bé chắc cũng đã ăn trước lúc đi học.”

“Em cứ để tôi tự nhiên. Xem như hôm nay tôi được sống lại với những ngày tháng cũ.”

Thụy cười rồi cất tiếng hỏi:

“Tại sao chị lại về đây kiếm bà Lan?”

Chị Yên im lặng vài giây:

“Tôi muốn thay anh ấy phụng dưỡng mẹ trong những tháng ngày cuối đời!”

………….

Cỏ may | Reatimes.vn

Tiếng chị Yên bắt đầu râm ran, câu chuyện buồn của đời chị nhẹ rơi trong đêm. Thụy ngồi nghe trong thinh lặng.

“Sau nhiều lần từ chối, tôi quyết định theo anh ấy ra đi. Tôi chỉ mới biết Chúa khi quen anh và chưa chịu phép Bí tích nào! Tôi đã từng nghĩ, cuộc sống nơi đâu cũng vậy, chỉ cần hạnh phúc với người mình yêu thương là đủ trọn vẹn.

Nhưng với anh, khát khao tự do mãnh liệt vô cùng. Lộ phí mấy chỉ vàng là do mẹ anh chu cấp. Tôi theo anh vượt biên với niềm tin thì yếu ớt mà nỗi sợ lại luôn thường trực bên mình.

Đêm lại ngày, nắng rồi gió, nóng rát và lạnh căm cứ thay nhau đày đọa thân xác mấy chục mạng người nhồi nhét trên chiếc ghe lênh đênh vượt đại dương. Tôi không biết phải ví hành trình ấy như điều gì, mong manh như cành khô trước gió, như tờ giấy thấm nước đợi có người vớt lên rồi hong khô? Mong muốn gặp được một con tàu ngoại quốc hay vào được hải phận quốc tế là điều ai nấy đều đợi chờ.

Nhưng rồi, lương thực cạn kiệt, mấy thùng phuy nước ngọt cũng vơi dần. Vài người đuối sức và chết đi vì mệt. Những thây ma ấy người ta kéo vào góc ghe. Mười mấy ngày nổi trôi giữa mênh mông nước làm mọi người nản chí. Chỉ đến khi chúng tôi nhìn thấy tàu Mỹ, tia hy vọng mới được lóe lên. Nhưng rồi, tia hy vọng ấy sớm bị dập tắt. Một người trên tàu Mỹ bảo, họ phải đi công tác ngay lúc ấy nên không thể vớt chúng tôi lên. Họ cho chúng tôi lương thực rồi vội vã ra đi. Năm ngày sau, chiếc ghe của chúng tôi phải đối mặt với cơn bão. Từng đợt sóng cao vùi dập mọi người. Chồng sắp cưới của tôi trong khi níu giữ đứa bé trên thuyền đã bị sóng cuốn đi. Và rồi, chính-ngày-hôm-ấy, tôi-mất-anh… tôi-vĩnh-viễn-mất-anh.

Kể đến đây, chị Yên ngừng lại. Dòng cảm xúc theo những giọt nước mắt rơi xuống mặt bàn. Thụy ngậm ngùi nhìn chị Yên. Cảm giác mất đi người thân, ai từng trải qua đều cảm thấy đau đớn đến quặn lòng. Thụy không nói gì, đẩy hộp khăn giấy về phía chị. Chị đưa tay ngăn dòng nước mắt rồi nhìn ra bên ngoài. Giữa thinh không yên ắng, tiếng sóng từ biển vọng về hòa tiếng khóc như làm nỗi đau thêm dâng trào. Thụy hiểu được tâm tư, vội cất lời:

“Chị ăn đi kẻo nguội, thức ăn hơi lạ vị phải không?”

Nước mắt chan vào chén cơm mặn chát, chị Yên kể tiếp:

“Nhưng em biết không, Đức Mẹ đã cứu tôi. Cứu tôi thoát chết khỏi chuyến đi kinh hoàng năm đó. Mấy ngày sau, ghe chúng tôi đến được bờ của Phi Luật Tân khi chỉ còn đúng mười hai mạng người. Tôi bị tổn thương thận nặng vì uống nước biển quá nhiều. Lúc mở mắt ra, một người đàn ông hỏi tôi: ‘Are you Catholic?’, ngay lúc ấy, đôi mắt tôi lờ đờ vì không hiểu được gì? Ông vội chỉ vào tràng chuỗi trước ngực tôi. Tôi kịp gật đầu rồi ngất đi. Đó là sợi dây chuỗi mẹ chồng trao cho chúng tôi trước ngày vượt biển. Mẹ bảo chúng tôi hãy lần hạt khi nguy khốn.

Tôi như bị trầm cảm một thời gian khá dài. Tôi hận chiếc tàu Mỹ kia đã không cứu vớt chúng tôi. Tôi hận những người chung quanh bởi tôi thấy mình đơn độc như loài cỏ dại giữa vườn hoa xinh đẹp không nói tiếng quê hương. Tôi hận Chúa đã bỏ mặc chúng tôi trong lúc tôi cần đến Ngài vô cùng. Tôi đã níu áo Mẹ nơi tràng chuỗi nhưng tôi vẫn mất anh. Anh đã từng nói với tôi, Thánh Gia xưa cũng đã vượt biên khi trốn chạy sang Ai Cập. Các Ngài đã thành công nhưng còn tôi… Nhưng rồi, tôi nghiệm ra, nếu không có Chúa, không có sợi chuỗi này đây, tôi có còn ngồi đây không?

Sau đó không lâu, tôi được cộng đoàn Công giáo Việt Kiều dìu dắt rồi chịu phép Rửa tội để làm con Chúa, chính tràng chuỗi của Mẹ đã đưa tôi đến với Chúa cách xác tín hơn.”

Cuộc trò chuyện giữa hai người đàn bà cứ lặng lẽ trôi trong đêm. Đến khi chồng Thụy về, chị Yên cũng có cuộc điện thoại quan trọng nên phải rời đi. Dẫu thế, suốt đêm hôm ấy và cả những hôm sau, Thụy vẫn băn khoăn bởi câu chuyện của chị Yên. Thụy nghĩ đến chặng đường gian nan mà chị đã trải qua như hành trình vượt qua Biển Đỏ. Đắng cay cuộc đời, Thụy đã từng cam nhưng không truân chuyên như chị; là người Đạo gốc nhưng lòng tin của Thụy chưa vững vàng như vậy.

Cuộc chuyện trò tuy ngắn ngủi nhưng đủ khiến cả hai nao lòng. Người chợt đến, chợt đi nhưng bỗng hóa thân quen. Có lẽ vì cùng tin Chúa nên cả hai giữ liên lạc rồi thân thiết đến mãi bây giờ. Và sau này, Thụy mới chợt hiểu vì sao bà Lan luôn nhìn về hướng biển xa xăm.

***

“Chị về nước thật hả?”

“Cuối tháng này chị về, tặng quà cho bà con làng chài mình. Có cả mẹ Lan đi cùng.”

“Vậy là vui rồi, tượng Đức Mẹ đã xây xong, chắc em đợi có chị rồi mời Cha đến làm phép luôn.”

“Nghe được đấy! Chứ lần về trước, chị lu bu chuyện gia đình quá. Nay chị muốn trả ơn những người đã giúp chị có được như ngày hôm nay!”

Thụy cúp máy rồi đứng tần ngần. Tiếng chị Yên đứt đoạn nơi đầu dây bên kia. Tiếng sóng thì thào ngoài xa vọng về mang nỗi buồn man mác. Sau đêm hôm ấy, Thụy cho chị Yên biết bà Lan đang sống cùng một người cháu cách đó không xa. Thụy vẫn liên lạc thường xuyên với chị Yên. Thụy làm theo đề nghị của chị, xây lên ngôi mộ gió là tượng đài kính Đức Mẹ, mọi chi phí chị Yên sẽ lo. Thụy thấy cũng chẳng mất mác gì khi thực hiện ước nguyện của một người nhờ niềm tin mà vượt lên bao sóng gió cuộc đời.

Thụy ngẫm nghĩ câu nói của chị Yên: Chỉ qua đau khổ mới biết tình Chúa, lòng Mẹ thương ta biết dường nào! Đã là con Chúa, thì phải tin Chúa hết lòng!

Qua năm tháng, căn nhà cũ bây giờ chỉ còn dấu vết rêu phong, nhưng đám cỏ dại trước sân vẫn vươn mình về phía ánh sáng bằng sức mạnh của thân hình mỏng manh. Dưới tượng Đức Mẹ xây trên nấm mồ năm xưa, những nhành cỏ dại đã trổ bông.