Nó lớn lên với vòng tay ôm của ông. Bé xíu thì được ông bồng bế, khi lớn lên lại được ông xoa đầu. Đi từ khi tấm bé đến lúc nó trưởng thành, ông vẫn luôn bên cạnh nó, chỉ là ông chưa bao giờ nói với nó một lời. Ông nó bị câm.

Bộ ảnh ông - cháu đầy cảm xúc | Báo Dân trí

Nghe bà kể lại, ông ngày xưa hiền lành nhất làng, cười duyên lắm. Thế nhưng ông bị câm, chẳng ai chịu thương. Bà khi ấy thì nổi tiếng đanh đá, hung dữ. Chẳng ai dạm mối cưới gả, lần lữa lắm rồi mới thành đôi cùng ông. Ngày ấy, cưới gả đều do cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Bà kể, lúc biết hai nhà dạm ý cùng nhau, bà cãi lại cả cha mẹ vì không muốn lấy ông làm chồng. Thế nhưng phải duyên hay nợ, cuối cùng bà cũng gật đầu.

Nó thường cười nịnh hỏi bà,
– Thế sau này bà có thương ông không?
Bà cười, di di trán nó mắng,
– Không thương thì làm sao có bố mày, rồi lại đẻ ra đứa vụng như mày.
Nó cũng cười. Ông chẳng nghe thấy cuộc nói chuyện giữa hai bà cháu, thế nhưng chẳng hiểu sao cũng móm mém cười.
Ông hiền lành lắm, nên mọi sự đều tuỳ bà. Bố kể, chỉ thấy bà mắng ông xơi xơi, chứ chẳng bao giờ thấy ông cau mày dù chỉ là một cái nhẹ.
Người ta thường nói, ông trời thường chẳng cho người câm được nghe thấy điều gì, chính là vì sợ họ nghe thấy những lời mắng chửi từ người khác mà không thể đáp trả. Nhưng bà lại nhấm nhẳng bảo: “Ông mày mà có nghe thì cũng chẳng nói đi nói lại. Ông mày hiền quá nên ai có làm gì cũng chỉ cười cho qua.”

Bà bảo nếu chẳng có bà, chắc người ta bắt nạt ông đến chẳng chừa lấy một mảnh. Mình bà “chấp” hết cả tổng, cả làng. Lúc nào cũng sẵn sàng “múa quyền” nếu có ai muốn lợi dụng hay ăn chặn gì của ông. Bố nó kể bà ông cố gắng nhiều lắm, và bà phải giữ gìn nhiều lắm thì nhà nó mới được như bây giờ.

Bố cũng thường kể về những lần bà nổi nóng mắng ông. Ông chỉ cười, rồi ôm lấy bà, mặc kệ bà có đẩy xô, hất ông ra cho bằng được. Nhân duyên cuộc đời này chính là một phép bù trừ tuyệt vời như vậy. Bà hùng hổ bao nhiêu, có ông kìm lại, nhẹ nhàng bấy nhiêu.

Bố nó là cả, nên lúc lập gia đình thì đón ông bà về ở chung. Mấy chị em nó đều là do một tay ông bà nuôi nấng, dạy bảo. Nó luôn nhớ về những bữa cơm từ tay ông. Những món đồ chơi mà ngày xưa ông thường ngồi rất lâu để làm ra cho nó. Bà thì suốt ngày mắng chị em nó là đám vụng về. Chẳng giúp được gì thì thôi, lại còn bày ra bắt ông thu dọn.

Ông cũng chỉ cười mỗi lần nhìn thấy bà chỉ trỏ, mắng tụi nó đến khản giọng. Vuốt lưng bà một hồi lâu rồi lại ôm chị em nó vỗ về. Đi hết một đoạn tuổi thơ, nó ở với ông bà còn nhiều hơn bố mẹ. Bà mắng, ông yên lặng dỗ dành trở thành một thứ tiềm thức ăn sâu. Đến nỗi, đầu óc lúc nào cũng hiện lên những câu hỏi vu vơ.

– Ông muốn nói gì thì phải làm sao hả bà? Chắc ông buồn lắm!
Bố nó đôi lúc nghe câu hỏi ấy lại mắng nó dở hơi. Đôi lúc lại trầm ngâm nghĩ điều gì không rõ. Chỉ có bà thường sang sảng trả lời nó.
– Ông mày bị vậy từ bé, quen rồi!
Câu trả lời của bà bao nhiêu năm vẫn đơn giản vậy thôi. Vì cả cuộc đời ông cũng chỉ có bà là đi cùng một đoạn đường dài nhất, chẳng ai có thể hiểu ông hơn bà. Dẫu lắm khi bà nổi giận đùng đùng lên la lối. Hay đôi lúc tâm sự cùng ông vài câu chuyện chẳng đuôi, chẳng đầu. Thế nhưng cũng chỉ có ông mới có thể cùng bà ngồi “tâm sự” thật lâu. Và cũng chỉ có bà mới có thể hiểu hết những gì ông muốn “nói”.

Thế rồi ông bà già đi, dấu vết thời gian hằn lên trên khuôn mặt. Hết ông rồi lại bà thi nhau ngã bệnh. Thế nhưng chỉ cần ai khoẻ hơn, thì sẽ lân la chăm sóc người kia. Mặc kệ con cháu có cản ngăn, vẫn sớm hôm túc trực. Có lần bà đổ bệnh nặng, các bác, các chú đổ về. Nước mắt ngắn, nước mắt dài khóc lóc. Thấy ông ngồi cạnh bà tẩn mẩn, tỉ mỉ xoa đầu, bóp tay. Vì chẳng nói được lời nào nên chỉ có thể lặng yên bên cạnh.

Ai cũng nhìn ông kề cận sớm hôm bên bà để chăm sóc mà xót lòng. Khi ấy, nó trộm nghĩ. Chắc ông có trăm vạn điều muốn nói cùng bà. Thế nhưng ông chẳng nói ra được, thế nên chỉ có thể thể hiện nó ra bằng hành động.

Bà dường như cũng biết bao nhiêu lo lắng che giấu bởi cái vẻ im lặng hiền lành bên ngoài. Thế nên gắng gượng mở mắt thì thầm với ông đôi câu gì đấy. Nó chẳng nghe thấy. Nó cũng chẳng biết ông có nghe được thật không. Chỉ thấy ông gật gù, vỗ nhè nhẹ lên mu bàn tay ba. Hai đôi bàn tay gầy gầy xương xương, hằn rõ dấu vết thời gian và dấu vết bao năm tháng ấy ông bà đã bên nhau.

Vài hôm sau thì bà khoẻ. Nó lân la hỏi bà hôm ấy đã nói gì. Bà nhìn sâu xa về phía ông đang ngồi trên ghế phơi nắng. Khàn khàn lên tiếng, chứ chẳng còn sang sảng như trước kia vẫn thường hay mắng nó.
– Tao bảo với ông mày là… có đi, tao cũng đợi ông ấy đi trước. Không có tao chăm sóc, nói chuyện với ông mày. Cũng không có tao hiểu ý tứ ông mày, ông mày phải sống làm sao.
Nó bất chợt lặng người trước lời này của bà, đôi mắt đảo nhẹ tim bóng dáng ông. Nó chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày ông bà đều bỏ nhà nó mà đi. Ấy vậy mà bà đã tính tới kẻ đi trước người đi sau.Nó còn mãi vẫn vơ suy nghĩ lại nghe bà thủng thẳng nói tiếp.

– Tao già rồi, ông mày cũng già rồi. Sống nay, chết mai. Nếu nhỡ may mà tao có đi trước, nói bố mẹ mày, cả chúng mày nữa. Nhớ chăm sóc ông cho tử tế. Ông ú ớ gì cũng phải cố mà hiểu. Biết chưa?
Nó dạ, ngoan ngoãn dạ rất to. Vừa để yên lòng bà, vừa để nhắc nhở bản thân nó rằng, ông bà đã già đi nhiều lắm.

Không phải là không ai đoán được ý ông. Chỉ là có bà hiểu ông nhất. Những ngày tháng sau ấy, bà và ông cứ quấn quít như một đôi sam. Thế rồi ông bà đều đổ bệnh nặng. Ông chỉ nằm một chỗ, bà cũng chẳng đi lại được nhiều. Để thoải mái, bố mẹ nó sắp xếp cho ông bà hai chiếc giường khác nhau. Ấy vậy mà cứ ban sáng bà lại bắt nó dìu bà lại nằm gần ông, mãi đến tối mới quay trở về giường.
Ông đến lúc ấy mơ màng, không còn tỉnh táo. Khi tỉnh, khi mê, ú ớ trong miệng những điều không ai hiểu. Thế nhưng bà lại biết ông mệt, ông đói. Ông nóng, ông khát. Bà nhắc cái này, dặn cái kia. Có những hôm bà mệt, chẳng xuống chỗ ông nằm. Lại thấy hôm sau, lại mắng mấy đứa nhỏ chẳng đứa nào hiểu ông gì cả.

Có những ngày, ông mệt mỏi chẳng mở mắt nhìn ai. Bà vẫn ngồi cạnh bên, chăm lo từng li từng tí. Lắm lúc bố nó lo lắng, hối thúc nó đưa bà về phòng nghỉ. Bà lại nạt bố, bảo để bà ngồi cùng ông lát nữa rồi sẽ về. Mẹ nhìn bố, bố nhìn mẹ, rồi lại nhìn nó, xua nó về phòng.

Bà tỉ tê kể lể cùng ông. Thỉnh thoảng nghe ông ú ớ vài câu rồi im lặng. Thế rồi có những lần tiếng của bà chợt tắt. Nó len lén nhìn sang, thấy bà lay lay ông khẽ hỏi.

– Này, ngủ rồi đấy à!
Mắt ông khẽ háy háy ra chiều còn đang nghe. Lại tiếp tục nghe bà lẩm bẩm cùng ông đủ thứ chuyện trên đời. Rồi đến một ngày ông trở nặng. Đêm ấy con cháu tề tựu trở về chẳng thiếu một ai. Đèn chong sáng đêm, có tiếng nức nở vang lên thật khẽ. Bà quát nhẹ.
– Khóc lóc cái gì! Đã ai chết chưa mà chúng mày khóc!
Rồi lại bảo nó dìu vào ngồi cạnh ông. Bà lại ngồi cạnh, kể lể chuyện xưa. Giọng bà lẩm bẩm thì thầm với ông, mặc kệ ông chẳng có chút nào hồi đáp. Nó đứng cạnh bên, khóc không ra tiếng. Lại thấy bà khẽ đưa vạt áo lên lau nước mắt vội vàng. Bà ngồi rất lâu, đến lúc bố phải vào ngọt nhạt rất lâu mới quay về phòng chốc lát. Nằm cũng chẳng yên, lại gọi nó vào phòng.
– Dìu tao sang phòng ông mày!
Nó ngồi xuống bên cạnh, khẽ an ủi đôi câu.
– Ông khoẻ lại rồi bà ạ! Bà nghỉ ngơi đi. Đến sáng con lại dìu sang ông.
– Mày cứ dìu tao sang ông. Tao nhìn một lát rồi về ngay.
Nó cố thuyết phục một lúc lâu, bà mới lại nằm xuống. Lẩm bẩm trong miệng đôi câu, rồi chẳng biết đã ngủ hay chưa, chỉ thấy bà nằm lặng yên gác tay lên trán. Sáng hôm sau đã vội vàng gọi nó vào để dìu sang xem ông. Biết cũng chẳng giấu được nên bố nó trực tiếp vào dìu bà. Vừa cẩn thận dắt bà bước đi, vừa thì thầm thật khẽ.
– Ông vẫn còn đang mệt, nên bà đừng nói gì nhá. Để ông ngủ.
Bà ậm ừ rồi bước thấp bước cao sang giường ông. Nhìn chốc lát, định nói gì đó, rồi lại khẽ bảo bố dìu lại về phòng.
Bà chẳng đòi sang phòng ông nữa. Chỉ ngồi trong phòng, thỉnh thoảng hỏi nó về ông.
Tình hình của ông tốt hơn, nó vội vàng kể. Sau đó lại dè dặt hỏi bà có muốn sang thăm ông không. Bà ngồi yên nhìn vào khoảng không, lắc đầu. Nhưng chốc lát vẫn gọi nó vào, bảo nó dìu sang ông.
Bà đi chậm rãi, nhìn ông cũng thật chậm rãi. Ngồi xuống bên cạnh, bà xoa vai ông, nói khẽ.
– Này, ăn vào đi chứ! Gầy quá.
Khẽ nắm bàn tay ông, bà lại lẩm bẩm.
– Chỉ còn da bọc xương đây này. Gầy quá rồi đấy!
Bà len lén khẽ lau nước mắt, rồi lại tiếp tục kể lể thêm vài câu chuyện cũ. Chỉ là ông không còn ú ớ lên tiếng, hay háy đôi mắt ra chiều đáp lời. Ông chỉ nằm đó, yên lặng. Bà nói một lát, lại quay trở về phòng. Trước khi đi vẫn còn dặn dò thật nhẹ nhàng.
– Ông phải đợi tôi đấy nhớ!
Nó nghe, vội vã lau nước mắt, lại vờ như chưa nghe thấy. Khẽ dìu bà về phòng.
Nữa đêm hôm sau ông mất.
Dẫu đã biết trước, ai cũng đã chuẩn bị tinh thần, thế nhưng chẳng ai giấu được đau lòng. Mắt ngân ngấn nước.
Mọi người can ngăn chẳng cho bà vào nhìn ông. Ai cũng chạy đôn, chạy đáo lo cho việc tang lễ. Để bà nằm đấy, lẩm bẩm một mình. Thỉnh thoảng lại đưa tay khẽ lau nước mắt. Mãi tận sau khi ông nhập quan, nó và mẹ mới dìu bà đến ngồi bên cạnh.

Ai cũng lẳng lặng ngồi nghe bà kể lể chuyện xưa. Có vài mẩu chuyện vui, vài điều bà có hơi tức giận. Có những lỗi lầm, có những sai trái. Cũng có vài điều bà kể rất bâng quơ. Bà kể một lúc lâu, rồi bà khẽ chạm vào chiếc quan ông nằm. Bà khóc ai oán, nức nở trách móc.

– Sao ông lại bỏ tôi đi trước. Không có tôi theo cùng, người ta bắt nạt ông thì phải làm sao. Ông ơi…
Mỗi tiếng ông ơi cất lên, nó lại rấm rứt lau nước mắt. Bà gào khóc chốc lát lại mệt mỏi lịm đi. Đến khi tỉnh lại muốn đến gần ông cho bằng được. Tiếng bà khóc nghẹn ngào, cứ gọi ông cho đến khi lả người đi, mệt mỏi gục bên cạnh quan ông. Giọng khản đặc, người cũng chẳng còn sức mà gượng dậy. Bố nhìn, đau lòng, rồi cũng chỉ có thể ôm bà đang ê a gọi tên ông mà thôi.
Ngày di quan, bà chẳng sức để ngồi dậy đưa ông đi nốt chặng đường cuối. Khi nó cùng bố mẹ trở về, chỉ thấy bà nằm nơi căn phòng tối, tay gác trán, lặng im.

Ông xa rồi, bà còn lại những ngày lặng yên.

Bà chẳng đi tới đi lui, ra ra vào vào nữa. Kể cả nói chuyện cũng rất kiệm lời. Có những lúc nó ngồi bên cạnh bà thật lâu, hỏi han bà đủ điều, bà cũng chỉ đáp bâng quơ rồi nhìn thật sâu vào khoảng không vô định. Có lúc gác tay lên trán lẩm bẩm một mình.

Nó vẫn sợ bà buồn khi ông đã đi, thế nên chỉ cần rảnh rỗi sẽ ngồi thật lâu nghe bà lẩm bẩm những điều vô nghĩa. Chẳng tìm thấy bóng dáng người phụ nữ đành hanh lấn át ông khi trước, chỉ còn bà lặng lẽ nhìn vào những khoảng xa xăm.

Bà vẫn ăn uống đủ bữa, thuốc men chẳng sót. Thế nhưng những khoảng lặng im của bà thật khiến cả nhà đau lòng.
Ông và bà kết một mối nhân duyên. Một kẻ nói và một người nghe. Bà thì đành hanh, còn ông thì lành như cục đất. Như một thứ bù trừ của cuộc sống, bà và ông vậy mà cũng cùng nhau hạnh phúc cho đến tận lúc bạc đầu.

Giờ ông đi rồi, bà chỉ còn những lặng im. Có lẽ, là để hiểu hơn những ngày xưa ông đã lặng im như thế…