Ấy là tôi đang nói về tập ký sự “DK mùa biển gọi” dày 275 trang do NXB Văn học ấn hành vào tháng 01/2022 của nhà báo Nguyễn Thị Thanh Vĩnh, phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc. Tập ký sự là kết quả của hai lần tác nghiệp tại Trường Sa của chị: lần thứ nhất vào trung tuần tháng Tư năm 2018; Lần thứ hai (từ ngày 29/12/2019 đến 13/01/2020).

Cả tập ký dày dặn với 3 thiên ký sự dài kỳ và 5 ký sự ngắn. Trừ thiên ký sự “Biên cương mùa hoa nở” viết về vùng đất, cuộc sống của các chiến sỹ biên phòng thuộc tỉnh Lào Cai thì 7 ký sự còn lại đều viết về cuộc sống, chiến đấu, lao động và học tập của cán bộ và chiến sỹ trên các đảo, các nhà dàn DDK1và thềm lục địa của Tổ quốc.

Ký sự “Tổ quốc từ ngọn sóng Trường Sa” là thiên ký sự dài nhất với 14 kỳ, làm nên 80 trang sách và ký sự “DK mùa biển gọi” có 7 kỳ, dày 51 trang sách, là hai ký sự dài nhất trong tuyển tập. Ngoài ra là các ký sự: “Gặp thầy giáo trẻ nơi đầu sóng”; “Những người nằm lại phía chân trời”; “Chúng tôi tác nghiệp ở Trường Sa”; “Gặp những người lính biển kiên trung”; “Bức thư gửi người giữ biển”, góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

Những cuộc hành quân về với biển đảo quê hương đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng nhà báo Thanh Vĩnh. Bắt đầu là niềm “háo hức”, cái háo hức của người được ra Trường Sa tác nghiệp, được “tắm mình” với bộn bề sóng gió trên đại dương mênh mông. Với tâm thế “Mang ra tình cảm, mang về niềm tin”, “được tham gia đợt thi đua “Mười ngày đêm hành động vì biển đảo quê hương” do đoàn công tác phát động” đã làm chị và các đồng nghiệp tỉnh bạn không sao kìm nén được sự phấn trấn trong lòng.

Sau háo hức là niềm “hân hoan”. Không hân hoan sao được, khi đón nhận những tình cảm rất trọng thị, nồng ấm, đầy tình nghĩa từ các lãnh đạo Quân chủng Hải quân đến các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, các nhà dàn DK – Những nơi đoàn công tác đến thăm. Hơn thế nữa là cảm xúc “ngỡ ngàng”. Ấy là sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, của biển đảo quê hương: “từ cầu cảng nhìn vào, thị trấn đảo Trường Sa lung linh, huyền ảo, đẹp không kém bất cứ công viên xanh nào trên đất liền…”; ngỡ ngàng trước tâm hồn, tình cảm và nghị lực phi thường của những con người “đã tự nhận về mình những gian khó thiếu thốn, hiểm nguy… sắn sàng chiến đấu hy sinh, bảo vệ sự bình yên… của Tổ quốc”.

Đó còn là niềm “xúc động” khi được gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với bao tấm gương điển hình cho những hy sinh “cao cả mà thầm lặng” của những con người “bình dị mà anh hùng” nơi ngày đêm chỉ có sóng và gió. Thật nghẹn ngào khi chứng kiến việc: nhỡ cưới, hoãn cưới, cưới muộn, cưới mà vắng mặt chú rể hoặc khi về nghỉ phép con nhỏ không nhận cha hay phải chịu tang cha mẹ ngoài đảo xa… của các chiến sĩ nơi đây. Sự xúc động ấy đã biến thành niềm “rưng rưng” khi nhà báo được tiếp xúc với: Lê Mạnh Hùng, Bùi Văn Nhượng, Vũ Đình Hòa là con em quê hương Vĩnh Phúc – đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Cao hơn nữa là niềm “cảm phục” và “tin yêu” trước hình ảnh “Chiến sĩ anh, chiến sĩ em” Nguyễn Đình Nhật – Nguyễn Đình Đức “chung khúc quân hành”; thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ – Một trong 42 tấm gương giáo viên ưu tú được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh năm 2018…

Qua tập ký sự đã thể hiện rõ sự chuyên nghiệp và tài năng viết phóng sự của nhà báo Thanh Vĩnh. Các kỹ năng lên ý tưởng, chọn nhân vật phản ánh, phỏng vấn, sử dụng giọng văn trần thuật, chêm xen từ ngữ hài hước, thuật ngữ khoa học… đều thể hiện sự nhạy cảm, sự tinh tế và kiến thức sâu sắc của một người làm báo đầy kinh nghiệm.
Trong tuyển tập “DK mùa biển gọi” nhà báo Thanh Vĩnh không chỉ xuất hiện với tư cách một phóng viên tác nghiệp thực địa mà chị còn là:

Một nhà văn với khả năng sử dụng bút pháp kể, tả, cảm đầy khúc triết, mạch lạc. Nhịp văn, hình văn trong ký của chị đẹp đến nao lòng: “Trong ánh biển đêm mờ ảo, tất cả, tất cả đang hướng lên tàu, cùng say sưa vỗ tay, say sưa hát, hát liền mạch, hát không ngừng từ bài này sang bài khác… Đại dương thăm thẳm như lòng người thẳm sâu niềm thương nhớ. Và tàu chúng tôi đi trong miên man nhớ thương”.

Một nhà thơ lãng mạn với khả năng lập tứ, chuyển vận tài hoa: “Trên cao, khi ấy/ Trời nôn nao xanh/ Nắng chói rực/ Biển thăm thẳm/ Trên boong tàu, bàn thờ liệt sĩ với lễ vật đã được chuẩn bị chu toàn/ Dòng hoa thắm đỏ mang dòng chữ vàng ngợi: “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ””.

Một họa sĩ phóng túng với cách phối màu đa diện, đa sắc gợi những suy tưởng bay bổng cho người xem: “…Gió rát mặt. Biển cuồn cuộn sóng lừng. Con tàu gần 800 tấn trọng tải không ngừng chao lắc. Sóng đánh rào rào, trùm qua mũi tàu, tung bọt trắng xóa…

Một ca sỹ với chất giọng “nữ cao” trong sáng, đầy nội lực và sức truyền cảm vô biên. Gần như các bài hát nổi tiếng về biển, đảo, lính hải quân… đều được chị điểm dẫn rất khéo léo trong mỗi bài ký.

Một nhà nghiên cứ với khả năng tìm hiểu, khám phá rất sâu sắc, chi tiết, rõ ràng. “DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ “Dịch vụ – Khoa học kỹ thuật”, được hiểu như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển.”

DK mùa biển gọi” – Một tập ký rất đáng đọc bởi nội hàm trong đó mang rất nhiều thông điệp: về chủ quyền thiêng liêng của biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; về sức mạnh của Hải quân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; về niềm tự hào và gắn bó máu thịt của mỗi người dân Việt Nam với Trường Sa, Hoàng Sa thân yên… Cảm ơn nhà báo Thanh Vĩnh với những “cuộc hành quân” nơi đầu sóng đầy ấn tượng và đã mang lại cho người đọc “từ đây, trong nỗi nhớ đời mình, luôn có một nỗi nhớ mang tên DK… thân yêu”, “Trường Sa thân yêu”!

Cầm Sơn