Khi ai đó vẫn nói rằng nhạy cảm là một món quà hay là lời nguyền, thì món quà đó cũng như lời nguyền đó đi kèm theo nhiều điều kiện khác biệt mà chỉ có người nhạy cảm mới có thể tự gặm nhấm và giải thoát chính mình.

“Thuở nhỏ, tôi vốn là đứa bé rất nhạy cảm. Một trong những ký ức đầu đời khó quên của tôi chính là cảm giác hoảng hốt, sợ hãi khi trông thấy một vụ việc thảm khốc trên chương trình thời sự. Mặc dù không nhớ rõ sự việc ấy là gì nhưng tôi nhớ như in khoảnh khắc mình lao vào phòng ngủ, bịt chặt hai tai và cố gắng bịa ra một bài hát “mọi thứ ổn thôi” để trấn an bản thân. Tôi đã hát to hết mức để át đi tiếng TV đang nói ngoài kia cho đến khi mẹ tôi bước vào phòng và bị sốc trước tình trạng rối loạn của tôi lúc ấy.

Mãi sau này tôi mới biết mình thuộc kiểu người cực kỳ nhạy cảm (highly sensitive person – HSP) và rốt cuộc đã hiểu được nét tính cách này của bản thân. Những người nhạy cảm thường tiếp nhận và xử lý sâu thông tin và điều này đã mang đến cho họ những sự trải nghiệm có đôi phần khác biệt so với những người khác. Cụ thể là, họ dễ xúc động trước những câu chuyện buồn và tự mình có cảm giác đau đớn khi nhìn thấy các cảnh bạo lực. Chỉ một tiếng động lớn, một luồng ánh sáng mạnh bất chợt đập vào mắt hay thậm chí một lịch trình công việc bận bịu cũng có thể khiến họ trở nên lo lắng, bồn chồn.” (nguồn: trithucvn.org)

Mọi người có biết sự nhạy cảm đó chính là một đặc ân của vũ trụ ban tặng không? Họ rất giàu lòng trắc ẩn, chu đáo, trung thành, sáng tạo, tận tâm…rất nhiều đức tính tốt mà không phải ai cũng có được. Thế vì sao chúng ta lại buồn vì một lời nói không đúng sự thật về mình, sợ hãi khi làm buồn lòng người gây ra tổn thương cho chính tâm hồn mình? Chấp nhận và đối mặt với sự nhạy cảm trong bạn 1 cách biết ơn và trân trọng là điều đúng đắn nhất.

Chúng ta đừng nghĩ rằng sẽ ai đó hoặc thứ gì đó giúp thay đổi, khiến cho ta “lạnh lùng” hơn. Nhạy cảm là một đặc điểm thuộc về tính khí chứ không phải là rối loạn y học. Tôi có đọc trong 1 cuốn sách của nhà văn Vãn Tình: “Khi ta đối diện với một thách thức, một là ta từ bỏ nó đi, hai là ta hãy tìm ưu điểm mà chấp nhận nó, cuộc sống này quá ngắn ngủi để bạn than phiền và đau khổ mãi”.
Nhạy cảm, về bản chất, không phải là điều cần được sửa chữa, thay đổi hoặc không thể sửa chữa, thay đổi. Buồn thì cứ khóc đi, hãy nuông chiều cảm xúc bản thân trong 1,2 phút ngắn ngủi rồi hãy tiếp tục sống cho mục đích, lý tưởng của bản thân. Trực giác của chúng ta – người nhạy cảm thường rất chính xác bởi ta luôn nhận thức tốt mọi thứ diễn ra xung quanh.

Chúng ta có thể tìm hiểu cảm xúc của mình bằng cách ghi “nhật ký cảm xúc”. Nó giúp ta nhận ra điều gì châm ngòi cho một phản ứng quá khích từ mình cũng như giúp ta học được cách phản ứng phù hợp hơn. Ví dụ khi chúng ta bị một ánh nhìn làm tổn thương tới mình thì hãy ghi lại cảm xúc ấy hoặc phân tích sự việc theo một cách giản đơn hơn. Theo hướng là chúng ta không hề biết suy nghĩ của mỗi người, đơn giản là người đó tính khí như vậy và cho dù họ có phán xét hay suy nghĩ gì về chúng ta đi chăng nữa thì nó chẳng ảnh hưởng gì đến bản thân mình cả.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu trong các mối quan hệ, chúng ta có trở nên quá phụ thuộc vào ai đó một cách không lành mạnh? Do tính nhạy cảm vốn có, chúng ta thường dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài, cả tin và hành động theo lời người khác. Để tránh bị lợi dụng, ta nên lắng nghe tiếng nói của bản thân, lắng nghe trực giác của mình thay vì tin người một cách mù quáng.

Những mối quan hệ quá phụ thuộc xảy ra khi ta cảm thấy rằng giá trị và hình ảnh của bản thân đang phụ thuộc vào hành động và phản ứng của người khác. Ta có thể cảm thấy mục đích sống của mình là hy sinh vì người bạn đời của bạn hay vì bất kì ai. Chúng ta có thể cảm thấy rất tệ hại nếu người ấy không đồng thuận với những gì ta làm hoặc đang cảm thấy. Sự phụ thuộc này rất phổ biến trong những mối quan hệ yêu đương, nhưng nó cũng có thể xuất hiện trong các mối quan hệ khác.

Thay lời kết, người nhạy cảm là một đặc ân to lớn, một món quà quý giá từ vũ trụ. Cho nên, ta đừng cảm thấy tự ti, rụt rè và buồn bã khi là người thuộc nhóm này. Việc chúng ta cần xác định cảm xúc của mình trong từng vấn đề và phân tích cũng như tìm giải pháp phù hợp cho từng cảm xúc ấy.