Người xưa bảo: “Quan họ Trần, dân họ Nguyễn”; chú Lý họ Trần nhưng không phải quan cũng chẳng là dân. Tôi gọi chú là vua – “vua săn bắt” của làng. Tôi và chú cùng họ, chú nhiều hơn tôi 2 tuổi nhưng vì chi dưới nên phận làm em. Đã đầu ba đít chơi vơi rồi nhưng chú vẫn chưa chịu lấy vợ. Các chị, em gái đã lấy chồng; cha đã qua đời chỉ còn mỗi mẹ già thế mà chú vẫn chưa chịu lấy vợ. Quanh năm suốt tháng chú bận bịu với thiên nhiên hoang dã. Dân làng đùa bảo: “Học Lý bắt con chi cũng tài, chỉ có săn con vợ là không giỏi”.

Kì công theo chân chú vào những cuộc đi săn mới thấy hết sự vất vả và tài hoa của nghề. Tôi đã có dịp theo chân chú lên Khe Răm, Thung Chè… đi bắt ong. Chú đứng bên mái động này nhìn sang mái động khác vẫn thấy những đàn ong đi tha ké về. Nhìn ong đâm đôi hay đâm ba là chú biết tổ ong to hay nhỏ, nghe tiếng ong kêu là biết ong vang, ong vò vẽ hay ong chần. Nhìn ong đã giỏi, chú lấy ong cũng rất lành nghề. Tổ nào đóng nơi thoáng, dễ lấy chỉ cần một nhúm rơm cho vào cửa là xong. Tổ nào đóng nơi khó thì chú trùm áo mưa kín người và đội mũ bảo hiểm vào bắt sống luôn. Vào mùa ong (tháng 6,7 âm lịch), có ngày chú bắt được mấy chục ổ. Bắt được nhiều thì bán, bắt được ít thì gọi anh em, bạn bè uống rượu. Nhộng ong xào với măng tre và rắc thêm nhúm lá nghệ thì bắt rượu thôi rồi. Thế nhưng chú Lý lại không bao giờ ăn được món này vì bị dị ứng, ăn vào là mẩn ngứa khắp người. Kể ra cũng thiệt cho chú…

Chú Lý bắt cá cũng rất giỏi. Trời mưa, chỉ cần chiếc nơm hay chiếc chài quăng là có cá ăn. Đợt lụt vừa rồi, sau trận mưa to đầu tiên, chú đi xem xét tình hình, không ngờ gặp được bầy cá bức trời đi chơi. Và chỉ với tay không, chú cũng đã bắt được gần một yến cá tràu (lóc) ở hóc đập Bàu Ganh. Trời nắng thì chỉ cần vài con nhái bén với chiếc cần câu tự làm, chú lại lên đập Cầu Máng hay đập Nhà Vệ rê câu. Tôi ít khi thấy chú trở về tay không; mà cá chú câu được rất nhiều người hỏi mua bởi đó là đặc sản “chim trời, cá nước”.

Các khoản thu phí đối với người làm nông nghiệp

Nhưng dường như ong với cá chỉ mang tính chất mùa vụ thì nghề mưu sinh chính của chú là đi bắt rắn. Chú cùng hai người trong làng nữa lập thành một nhóm đi tìm rắn khắp nơi. Công việc này đòi hỏi phải đi nhiều, đi xa; hơn nữa, tôi lại sợ rắn nên chẳng có dịp theo. Chú bảo: “Bắt rắn thích nhất là hôm nào trời mưa xong mà có nắng hửng lên. Rắn sẽ ra sưởi nắng nên đỡ mất công đi tìm hang của nó”. Chỉ cần nhìn thấy xác rắn là chú biết loại rắn gì. Rắn Lại, rắn Sọc Dưa thì cắn nhanh nhưng không có độc. Rắn Cạp Nia, Cạp Nong, rắn Hổ thì ban ngày không nhanh nhưng độc. Rắn Lục thì ẩn trốn rất tài tình. Bạnh lớn, tiếng phì to là rắn Hổ Mang chúa. Đi nghe như gió là rắn Hổ Mây. Rắn hổ mà không có độc là rắn Hổ Trâu… Đã có lần chú bắt được một con Hổ Mang chúa nặng gần 1 kg bán được hơn triệu đồng. Quả thật là cái nghề kiếm tiền đầy nguy hiểm.

Nếu như bắt rắn là nghề mưu sinh chính thì soi ếch lại là niềm yêu thích và là sở trường giỏi nhất của chú. Một chiếc đèn pha, một cây vợt cùng giỏ đeo bên hông là đồ nghề đêm đến của chú. Sau những trận mưa rào chớm hè khi lúa vừa gặt xong, khắp đồng ếch kêu râm ran. Dạo một vòng từ Nương mạ ra đến đồng Lốc rồi đồng Vịnh là giỏ đã đầy ếch. Chú bảo: “mắt ếch rất ăn đèn nhưng mắt mình cũng phải tinh, tay phải nhanh thì mới úp được nếu không nó nhảy mất. Nếu mà mùa lúa trổ đòng nó nhảy vào ruộng rồi thì chịu”. Có lẽ do đây là ngón sở trường của chú nên bất kể là mưa hay nắng, đông hay hè, hễ mà chú xách đèn đi là có ngay món ếch xào cà hoặc ếch cuốn lá lốt chiên xù…

Rồi còn bao nhiêu thứ nữa, ngón nào chú cũng sành sỏi: Nào là làm sập lồng bẫy chim, đi đập chuột mùa nước lụt, làm trúm đặt lươn, làm bẫy đánh gà rừng… Tài của chú một phần do di truyền (cha của chú xưa kia cũng nổi tiếng khắp vùng), một phần do thiên bẩm và hơn hết là do đam mê và sự khổ luyện. Thế nhưng, cuộc sống nông thôn càng đổi mới, ruộng vườn thu hẹp dần, rừng núi cũng không còn nguyên sinh nữa. Con người thì tìm đủ cách để tận diệt muôn loài từ mìn đến kích điện, lưới điện, lưới bát quái… Đất dụng võ của chú ngày càng ít đi. Chiều chiều, rãnh rỗi ra ngồi hóng mát ở gốc đa, chú rít một hơi thuốc phả khói lên trời thương nhớ những ngày xưa.