Trong cuộc sống của chúng ta có biết bao sự đối lập, mâu thuẫn nhưng có phải tất cả điều đó đều đấu tranh, đào thải nhau? Tôi nhớ có lần lang thang trên vài trang mạng đã tình cờ đọc được câu: “Muốn đãi vàng, tất phải hốt luôn cả cát sạn. Những phần tử xấu rồi sẽ bị đào thải dần đi. Trong những sự kết hợp tốt đẹp, lâu bền, những phần tử hư hèn rồi sẽ mục nát”.

1. Tôi luôn tự hỏi: có phải tất cả cái xấu đều xấu, tất cả cái đẹp đều hoàn mỹ không? Trộm nghĩ, vạn vật trên đời không có gì là toàn diện và toàn vẹn. Môi trường, hoàn cảnh chính là điều kiện để đánh giá thực hư.

Trong thời phong kiến, người ta vẫn quan niệm: trung thần không thờ hai chủ. Vậy sao Nguyễn Trãi là dân của triều Trần, là con cháu dòng dõi nhà Trần (cháu ngoại của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán) vẫn ra làm quan cho triều Hồ (Hồ Quý Ly). Rồi sau đó, nhà Hồ bị diệt vong thì ông lại phò Lê Lợi đánh giặc Minh dựng quốc. Chẳng lẽ Nguyễn Trãi không phải là trung thần? Thế nhưng người đời có ai nói đến việc trung hay không trung của Nguyễn Trãi mà chỉ nhắc đến ông với tư cách một nhà quân sự lỗi lạc, tài ba, một tấm lòng lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ mà thôi. Tấm lòng trung của ông được khẳng định ở nỗi niềm với dân với nước. Trong thơ mình ông cũng đã hơn một lần khẳng định niềm trung đó: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” (Thuật hứng – Bài 5); “Bui có một lòng trung lẫn hiếu/ Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen” (Thuật hứng – Bài 24). Vậy tư tưởng của Nguyễn Trãi có mâu thuẫn với tư tưởng trung quân ái quốc thời bấy giờ không? Có vẻ rất trái ngược, rất mâu thuẫn! Nhưng thực ra sự mâu thuẫn đó lại được bắt nguồn từ một tư tưởng thống nhất: ông làm mọi việc vì nhân dân, đất nước.

Cô gái chụp ảnh bên hồ sen theo phong cách cổ trang - Gương mặt trẻ

2. Mọi việc trên đời chẳng bao giờ là toàn vẹn, là tuyệt đối, là chuẩn mực. Trong xấu có tốt, trong giả có thật, trong đen có trắng,… Một chú thiên nga xinh xắn vẫn bị vịt mẹ bỏ rơi, vẫn bị đàn vịt con coi là xấu xí bởi chú ra đời giữa bầy vịt. Vậy nên, có nhiều thứ chưa hẳn đã là xấu nếu được đặt trong môi trường của nó. Chúng ta vẫn thường nói: bùn là tanh hôi, sen là cao quý. Vậy sao sen và bùn ngàn đời nay vẫn không thể tách rời nhau cả trong đời sống và trong văn học:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Sen vẫn đẹp, vẫn tỏa hương thơm ngát dù mọc trên bùn tanh hôi, không chỉ bởi sen có sức sống mãnh liệt mà còn nhờ bùn cũng có giá trị riêng của nó: dùng sự hôi tanh của mình để nuôi dưỡng cho sen tốt tươi. Bởi vì sen và bùn đã biết kết hợp hài hòa với nhau, biết hòa điệu với nhau trong sự đối lập, mâu thuẫn. Trong làng Vũ Đại ngày ấy, có ai nói Thị Nở là đẹp đâu. Vậy mà đối với Chí Phèo, thị vẫn duyên, rất duyên “tình yêu làm cho có duyên” . Ngay cả lúc thị cong cớn nhất, đanh đá nhất: “ngoay ngoáy cái mông đít ra về” thì thị vẫn đáng yêu trong con mắt Chí. Bởi lẽ hai con người, hai tâm hồn đầy bi kịch đó thực sự đã hòa điệu với nhau để tìm đến nét đẹp đồng nhất: sự đồng cảm, tình thương và tình yêu.

Ở cô vợ nhặt của anh cu Tràng, chúng ta thấy rất rõ hai nét tính cách được biểu hiện hoàn toàn trái ngược nhau. Lúc đầu – khi chưa làm vợ Tràng chị ta bạo dạn đến vô duyên, cong cớn, chao chát chỏng lỏn… nói chung chẳng có nét hấp dẫn gì cả về nhân hình lẫn nhân tính. Vậy mà có ai ngờ, sau bốn bát bánh đúc, sau cái gật đầu theo Tràng về thì thị lại trở thành con người khác hẳn: e dè, thẹn thùng trước cái nhìn tò mò của bà con xóm trọ nghèo; ngoan hiền, lễ phép với mẹ chồng; đảm đang, tháo vát thu vén, dọn dẹp nhà cửa. Hoàn cảnh sống bon chen để nhặt từng hạt gạo rơi vãi ngoài cửa kho, không nơi nương tựa đã khiến thị phải gồng mình lên, phải trơ tráo, phải sưng sỉa để được sống, để mạnh mẽ. Nhưng chỉ cần có được “một chỗ dựa” – dù nhỏ nhoi, mong manh, thị lại trở về là một người phụ nữ nhẹ nhàng, dịu dàng, ngoan hiền rất đúng mực.

Đôi khi người ta phải bất ngờ rằng bên trong vẻ bề ngoài bất cần, dữ dằn, không mấy thiện cảm của một thanh niên nào đó lại là một tấm lòng tử tế đến vô cùng. Nó khác xa những gì mà chúng ta được nhìn thấy.

Trong cuộc sống của chúng ta, có biết bao cái khác nhau, cái đối lập. Nhưng không phải những đối lập đó đều mâu thuẫn, đối kháng nhau mà có khi nó là sự đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hãy nhìn con người và sự vật, sự việc bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều để khỏi ngộ nhận và có cách suy nghĩ, ứng xử tích cực.