Tôi là một cô gái bình thường và có một cuộc sống cũng hết sức bình thường. Có lẽ cuộc sống của tôi cũng sẽ bình lặng trôi đi với một công việc ổn định, một mái ấm giản đơn hay sang chảnh nếu tôi đồng ý làm vợ một trong số vài anh chàng theo đuổi mình. Nhưng không hiểu sao, trái tim tôi chỉ đủ chỗ chứa mối tình đầu – là anh. Chúng tôi yêu nhau từ thời còn sinh viên. Người ta hay nói từ yêu đến thương, còn tôi ngược lại. Tôi thương anh vất vả bươn chải lo ăn học, thương anh một mẹ một con,… Từ thương, tôi yêu anh bao giờ không biết. Vậy là khi ra trường, tôi từ chối mọi mai mối, tránh xa mọi lời tán tỉnh đường mật để gật đầu lấy anh. Cuộc sống của tôi hoàn toàn bước sang một hướng mới, từ đó.

Nhà anh nghèo đúng kiểu “nghèo rớt mồng tơi”. Ngôi nhà chưa đầy ba mươi mét vuông, trong – ngoài không có lấy một đồ vật gì giá trị. Bờ giậu, sân đất, chum sành hứng nước mưa, nhà tắm che tạm bợ bằng tấm phên nứa gió lùa trước thốc sau. Mẹ anh thì nửa điên nửa tỉnh, hay nói cười một mình. Trước khi cưới, gia đình, cô chú tôi biết rõ gia cảnh của anh. Tất nhiên chẳng ai đồng ý cho tôi lấy anh – đứa con không cha, mẹ già dở dại. Bố mẹ tôi không cấm cản nhưng họ buồn. Họ thương con gái đi làm dâu như vậy sẽ vất vả, sẽ khổ và chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng mọi chuyện có là gì khi tôi thương anh còn hơn cả tình yêu tôi dành cho anh. Tôi muốn san sẻ với anh những khó khăn, cơ cực mà cuộc đời anh phải trải qua từ tấm bé.

Cẩm nang vai vế các thành viên trong gia đình miền Nam để tránh gọi nh

Một đám cưới không nhạc, không ồn ào mà bạn bè tôi cứ thì thầm với nhau là “còn buồn hơn cả đám ma” được tổ chức. Tôi chính thức là vợ anh. Lúc đầu, cuộc sống của tôi cũng không có quá nhiều xáo trộn. Tôi vẫn đi dạy tại một trường tư ở quê mình – Hải Dương. Anh vẫn đi làm ở quê anh – Hưng Yên. Cuối tuần, tôi lại bắt xe buýt sang quê anh thăm mẹ, gặp chồng. Cũng có khi anh sang quê tôi. Chúng tôi bên nhau được trọn vẹn ngày thứ bảy và buổi sáng chủ nhật. Rồi chiều chủ nhật lại vội vã trở về “quê mình”. Nhưng chẳng lẽ cả đời cứ một chốn hai nơi như vậy mãi? Dù sao thì công việc của anh ở Hưng Yên cũng bấp bênh, lương lại thấp nên chúng tôi quyết định tôi vẫn ở Hải Dương, anh sẽ sang quê tôi xin việc. Khi ổn sẽ đón cả mẹ sang. Bữa đó, vợ chồng tôi ngồi thưa chuyện với mẹ, mẹ nghe xong rồi thở dài thườn thượt. Mẹ chồng tôi không đồng ý sang Hải Dương ở với chúng tôi với một lý do rất chưng hửng: tao không sống ở quê vợ mày. Giá như mẹ tôi được bình thường như bao bà mẹ khác thì có lẽ dễ thưa chuyện, nhưng đằng này, mẹ tôi không được tỉnh táo. Mẹ không chịu, chúng tôi không thể ép. Suy đi, tính lại, cả hai quyết định: làm bên Hải Dương, cuối tuần sẽ về Hưng Yên thăm mẹ. Mẹ đứng dậy, bước ra ngoài sân, ghé bên bờ giậu chỉ trỏ, nói nói gì đó rồi ngửa mặt lên trời chửi đổng vài câu. Nhìn bóng mẹ liêu xiêu trong ánh chiều, hai vợ chồng tôi chẳng ai bảo ai, quay qua nhau, chột dạ.

Mẹ tôi, người ta hay gọi là điên. Mẹ già rồi. Bốn mươi hai tuổi mới sinh con. Hơn hai mươi năm nuôi con với bao cay đắng, tủi nhục, bao hắt hủi, ghẻ lạnh của miệng đời. Mẹ đã gắng gượng đến khi anh hết cấp III, rồi tự tách mình ra khỏi cuộc sống bình thường để sống với thế giới riêng của mẹ. Mẹ không muốn giao tiếp với ai, trừ chúng tôi. Tôi nhìn mẹ. Nhìn hình dáng hao gầy của mẹ, mái tóc mẹ đã bạc trắng cả rồi; đôi mắt mẹ thì mờ đục. Bữa cơm của mẹ, ai sẽ lo nếu không có con cái ở bên? Mẹ sẽ mải nói mà chẳng nhớ giờ nấu cơm. Cũng có khi nấu buổi trưa mà mẹ sẽ ăn vào buổi tối khi không có chúng tôi ở bên nhắc nhở. Nghĩ đến đó, thốt nhiên tôi mường tượng ra một buổi cuối tuần khi trở về nhà, mẹ tôi nằm đó, thân hình mỏng tang, rúm ró, lạnh tanh và cô độc. Chỉ nghĩ vậy thôi, tâm trí tôi đã thật sự lo sợ. Tôi quyết định nhanh chóng: hết năm học đó sẽ xin nghỉ việc ở quê mình để theo chồng.

Tôi sang quê anh không xin đi dạy được, một mình anh đi làm, chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn. Vậy là từ một cô giáo, tôi đành xin đi làm công nhân cho một xưởng sản xuất kẹo lạc tư nhân. Sáng đi, tối về. Cuộc sống của chúng tôi cứ thế trôi đi một cách bình lặng. Mỗi buổi tối, cả nhà quây quần bên nhau. Chúng tôi cùng nhau chăm lo cho mẹ miếng ăn, giấc ngủ. Thấy mẹ ngày càng hồng hào, khỏe mạnh, tự nhiên bao mệt mỏi của cuộc sống cơm áo gạo tiền đều tiêu tan. Một bữa, tôi nấu nước gội đầu cho mẹ.

Mẹ nói bâng quơ:

– Bây giờ mày làm dâu, sau này mày cũng làm mẹ chồng.

Chỉ vậy thôi mà sống mũi tôi sao cứ cay cay. Tôi biết, mẹ muốn nói điều gì chứ. Mẹ dạy chúng tôi cách làm người, làm con, làm dâu theo cách riêng của mẹ…

Đó là câu chuyện của tôi mười một năm về trước. Giờ đây, tôi lại được là một cô giáo, mẹ tôi đã suýt soát tám mươi. Hàng ngày nhìn mẹ khỏe mạnh, vui vầy cùng cháu con, tôi thầm cảm ơn buổi chiều ngày xưa ấy. Nếu buổi đó anh không lo lắng mà nói rằng: sợ khi trở về “mẹ chỉ còn nắm xương khô” thì có lẽ giờ đây cả nhà tôi vẫn một chốn hai nơi. Cũng có thể mẹ tôi đã hóa mây trời tự bao giờ. Tôi đứng lên, bước nhanh ra sân đón ánh ban mai, rồi đọc to đôi câu thơ trong bài Xuân muộn của Yến Lan: “Xuân người lã chã bay đi hết/Ngoảnh lại xuân ta mới chớm hồng”.