Cuộc sống luôn diễn ra một cách vội vã. Ta như ở trên trục xoay bất tận của thời gian và bị cuốn theo sự chuyển động hối hả không ngừng của các kim đồng hồ. Ai ai cũng đều có rất nhiều, đúng hơn là quá nhiều lượng công việc cần hoàn thành với hàng ngàn, hàng vạn vấn đề phải đối mặt. Áp lực vô hình hiện diện ở khắp mọi nơi, nặng nề đến mức cảm giác như chỉ cần bị lỡ một giây thôi thì nửa thế giới sẽ biến mất và bỏ bạn lại phía sau như vừa chịu cái búng tay của Thanos.

Tôi từng nghĩ rằng: “Hóa ra cả vũ trụ luôn xoay vần vô định đến chóng mặt này là một cái tam giác Béc-mu-đa khổng lồ!”. Đã bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi với luồng xoáy vô hình ấy? Đã bao giờ bạn ước ao một cách mãnh liệt rằng thời gian có thể dừng lại, dù chỉ là một giờ, một phút, một giây, thậm chí chỉ trong một khoảnh khắc? Vậy thì các bạn ạ, hãy nghỉ ngơi, thư giãn và cùng tôi nhâm nhi một tách trà thôi nào.

Buổi sớm tinh mơ của tiết trời đông giá lạnh, qua khung cửa sổ là làn sương mù vẫn chưa kịp tan hết còn vương đầy trên khắp các ngõ ngách, mờ ảo, chập chờn trong cơn gió mùa Đông Bắc rét buốt. Gạt sang một bên cuộc sống ồn ào tấp nập hằng ngày, một tách trà nóng vào thời điểm này như là cách để thiền, giúp tâm hồn trở nên thanh tịnh, thoải mái. Nhấp ngụm trà nhỏ, bạn giống như trở thành cô bé Alice bị lạc trôi vào một xứ sở thần tiên khác khi không có bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra giữa Nữ hoàng Đỏ và Nữ hoàng Trắng. Một xứ sở diệu kỳ, nơi giao nhau của mùi hương, của vị giác, xúc giác và khứu giác, của an lành và bình yên. Một tách trà nóng vào ngày mới cho một khởi đầu mới đầy tươi đẹp.

Mỗi khi bạn mệt mỏi và gục ngã, hãy tự pha cho mình một ly trà ngon. Có một loại hạnh phúc mà giản dị, đơn sơ như trà. Một sự an ủi tinh tế, nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau và chữa lành cho những tổn thương. Tránh xa những ưu tư thường nhật, quên đi những nỗi buồn, xóa đi những áp lực, một tách trà bây giờ như liều thuốc bổ cho tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho ta đứng dậy và bước tiếp.

Người ta thường nói: “Đời người giống như một tách trà nóng”. Ban đầu uống vào, ta chỉ cảm nhận được vị đắng và hơi nóng cuốn lấy đầu lưỡi nhưng sau cùng, dư vị đọng lại trong cổ họng lại chính là sự ngọt ngào. Trà đắng là vậy, nhưng lại là đắng có ý vị, trong đắng mà có ngọt, người uống trà từ đấy mới hiểu thấu được nhân sinh. Con người sống trên đời phải chịu đắng cay, mất mát với vô vàn nỗi đau. Trải qua sự đời cũng như việc uống một tách trà, phải có thất bại mới có thành công, có gian truân vất vả mới có chiến thắng, có thấy nỗi đau tột cùng thì mới cảm nhận được thiên đường hạnh phúc.

Tôi thì không cho là như vậy.

Việc đời có khi nào lại đơn giản như uống một tách trà? Chỉ cần qua vị đắng thì sẽ đến ngọt?

Tôi cũng không biết nữa.

Nhưng, đối với tôi mà nói, uống trà là một thú vui, hương vị đắng và ngọt của trà lại là một sự mê hoặc đầy say đắm. Tôi cứ ngỡ như tách trà trên tay tôi lúc này là một kiếm sĩ samurai đang sử dụng môn võ Iaijutsu. Võ sĩ Iaijutsu khởi chiêu bằng kiếm còn nằm trong bao, sử dụng trí tuệ, quan sát và thăm dò đối thủ dựa trên ngôn ngữ cơ thể. Sự khởi đầu này dường như chính là vị đắng của trà ban đầu. Cái vị đắng chát ấy bao phủ mọi giác quan làm cho ta cảm thấy khó chịu đến khi gần như không chịu nổi, thì, hương vị ngọt ngào ở nơi đâu bất chợt xuất hiện. Sự ngọt ngào thanh khiết đến tuyệt vời như một bất ngờ quá lớn làm người ta phải đắm say mà gục ngã. Đó là cốt lõi của Iaijutsu: “Nhận thấy sơ hở, rút kiếm ra khỏi bao đồng thời chém ngay đối thủ.”

 

Nói về trà, có câu chuyện kể rằng:

Trong một ngôi làng, có anh thư sinh nọ có thú vui tao nhã uống trà. Trong nhà, anh sưu tầm đủ các loại trà, từ trà xanh, trà sen, trà lài cho đến thanh trà, bạch trà, ô long trà… Bên cạnh đó, chàng ta còn sắm sửa tất tần tật các dụng cụ pha: nào ấm, nào chén, nào kháo pha, nào khay đựng… với đủ kích thước, kiểu dáng và chất liệu. Anh cho rằng đã có thú vui với trà thì vậy mới sang, lấy thế làm hãnh diện, hí hửng nở cả mày mặt mỗi khi bạn bè tụ họp tới nhà.

Một lần nọ, có ông khách ở xa đến chơi. Như thường lệ, chàng thư sinh trẻ pha trà mời khách. Sau khi quan sát anh chủ nhà cặm cụi pha chế, rót trà và thưởng thức xong một tách trà, khách liền tấm tắc khen:

– Vị trà này quả thực rất ngon, mọi thứ đều rất vừa miệng.

Nhưng bâng khuâng một lúc, ông lại tặc lưỡi nói thêm:

– Mặc dù vậy, tôi thấy rằng ban đầu cậu rót trà vào chén lớn trước rồi từ đó mới rót ra các chén nhỏ hơn. Nhìn thì kiểu cách thật, nhưng cậu có nghĩ nó vừa rườm rà phức tạp, vừa làm trà nguội mau không? Theo tôi, cứ bỏ quách cái chén ấy đi, uống trà phải nóng, phải đúng thời điểm thì mới ngon miệng chứ.”

Chàng thư sinh nghe thế, cũng cho là phải, liền làm theo.

Từ đó về sau, nhóm bạn của anh xuống chơi nhà vẫn tiếp tục ngồi uống trà với chủ như trước. Thế nhưng, không hiểu khẩu vị con người thay đổi và khác nhau tới cỡ nào, mỗi lần uống trà, người thì khen ngon, người lại chê nhạt, chê đậm. Người thì bảo là quá đắng, người lại cho là quá ngọt. Chín người mà dễ có đến mười ý. Từ đó mọi người sinh ra cãi vã, bất hòa với nhau. Chàng thư sinh nọ cũng trở nên ngao ngán, chán chường dần và cuối cùng, anh ta thôi không còn chơi trà nữa.

Tại sao lại như vậy nhỉ?

Hóa ra, tất cả sự việc cũng chỉ do một chén trà lớn bị bỏ đi ấy. Trong bộ bình trà cổ xưa, nó được gọi là chén tống còn các chén nhỏ hơn gọi là chén quân. Cái chén tống này đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ giúp nước trà được đều, tránh sự đậm nhạt trong các lần rót mà còn loại bỏ cặn bã, giúp nước trà trong và thẩm mỹ, đồng thời giúp bạn kiểm soát được nhiệt độ khi pha trà. Vì bỏ đi chiếc chén ấy mà những lần pha trà của chàng thư sinh đã trở thành thảm họa.

Chỉ một cái chén tống, một tách trà thôi mà hàm chứa biết bao ý nghĩa và những điều kì diệu.

Vâng, các bạn ạ, cuộc sống có hỗn độn, thời gian có gấp rút, công việc có nhiều đến đâu thì bạn cũng không cần phải quá lo lắng. Sự hòa hợp chính là điều bạn đang cần và sẽ làm thay đổi tất cả. Và đôi khi, chìa khóa để giải quyết vấn đề chỉ đơn giản là một cái chén tống hay là một tách trà nhỏ bé mà thôi.