Cuộc sống vốn không phải là phép thử, là chiếc vé một chiều không có khứ hồi, không diễn tập, không lặp lại nên có những thứ đã qua, đã xa, đã vĩnh viễn một đi không trở lại càng khiến ta nhiều nuối tiếc. Chẳng thể định hướng niềm vui nỗi buồn của tuổi thơ con theo cách nghĩ của riêng mình khi mà cuộc sống quá nhiều thay đổi. Rồi ngẩn ngơ lục tìm ký ức khi nghe con chợt hỏi: – “Tuổi thơ cha có gì vui ?”.

Ừ nhỉ ?! Tuổi thơ ta có gì vui ? Tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên từ rơm rạ, quẩn quanh sau lũy tre làng.

Chỉ là những chiều mùa đông, cả lũ lùa trâu lên đồng. Trời xám ngoét, tái tê. Chiếc nùi rơm mang theo để sưởi ấm, để nướng những con cua, con tôm, con cá mùi thơm bay khắp cánh đồng. Chỉ là những chiều hè thả trâu trên đồi, còn người thì mê mải tập vùng dưới đập nước. Chỉ là những đêm trăng sáng, cả bọn tụ tập rồi rủ nhau đột kích các vườn cây trong xóm, chí chóe chia nhau ồn ào như chợ vỡ. Rồi những trưa, chiều bên lũy tre, nơi gốc đa đầu làng mê mải những trò chơi đánh khăng, đánh đáo, đánh thẻ, ô ăn quan… mặc cho mẹ đem roi mót đi tìm, giấc ngủ vẫn ú ớ tiếng cười gọi tên từng đứa bạn.

Ừ nhỉ ?! Tuổi thơ cha có gì vui so với tuổi thơ con trong thời công nghệ số. Thuở mà đứa nào cũng trông cho đến tết được ăn những bữa ngon, mặc những bộ quần áo mới. Thuở mà đoàn chiếu bóng lưu động hay đoàn ca kịch về làng là cả một sự kiện lớn lao. Thuở chẳng có những trò games hấp dẫn, chẳng có những phim hoạt hình cuốn hút, chẳng facebook, zalo; chẳng học thêm, học bớt… Tuổi thơ dại khờ và trong veo ấy lại neo giữ vào ký ức mãi nhớ khôn nguôi. Bao nhiêu kỷ niệm khắc sâu vào tâm khảm dẫu chỉ nhỏ nhoi như trái duối mà thôi.

Trong ngọt ngào hương vị tuổi thơ làng quê ngày ấy, chắc hẳn chưa mấy ai quên vị ngọt thơm của trái duối. Chẳng thơm lừng như thị, ổi; chẳng ngọt khay như nhãn, hồng; cũng chẳng ăn no như chuối, bưởi; thế mà trái duối vẫn có sức lôi cuốn rất riêng.

Trước hết, trái duối (quê tôi gọi là trái giới, trái oạng…) là thứ không bị người lớn ngăn cản, canh giữ. Nó mọc hoang dại bên bờ rào mặc sức cho lũ trẻ tung hoành. Thêm vào đó, trái duối nhỏ như cúc áo ăn chẳng thể no nên lúc nào cũng có cảm giác thòm thèm. Khi chín, trái duối rực vàng trên những tán lá xanh rất hấp dẫn gọi mời nên phải canh chừng, dành nhau để hái mặc cho mủ dính đầy tay.

“Cây duối có tên khoa học là Streblus asper Lour, thuộc họ dâu tằm Moraceae, còn được gọi tên câu ruối, duối nhám, hoàng anh mộc. Người dân tộc Tày gọi cây duối là may xói. Duối thuộc loại cây thân gỗ, nhỏ, cao 4-5m. Lá duối hình trứng ngược, mặt lá nhám, mép khía răng, dài chừng 3-7cm, mọc so le nhau. Trái duối hình cầu, hơi dẹt nhỏ. Thời điểm trái chín cho màu vàng ruộm, có thể ăn được”. Cây duối mọc hoang ở nhiều nơi hoặc được trồng làm bờ rào. Tuổi đời cây duối sống rất lâu năm, sinh trưởng và phát triển được ở cả những khu đất cỗi cằn.Duối - cây công trình

Theo quy luật sinh trưởng, hằng năm, vào khoảng giêng hai, những tán lá xanh đậm của cây duối xen lẫn những chùm hoa li ti nở rộ. Sắc vàng của hoa, màu xanh của lá đan xen nhau trong những cơn mưa riêu riêu mùa xuân tạo nên mộ vẻ đẹp nao lòng. Hoa duối mang vẻ đẹp dung dị của thôn quê lặng lẽ nở để chờ ngày kết trái. Khi năm cánh hoa lặng lẽ rụng về đất hay bay về trời như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết “Vườn xôn xao – Hoa nở/ Năm cánh xòe vàng tươi/ Ngỡ sao đêm xuống đậu/ Mải vui, quên về trời” là lúc những những trái duối xanh non trơn bóng bắt đầu dồn dưỡng chất tích sắc ngọt. Rồi khi mùa hè vàng nắng chói chang, trên cánh đồng lúa chín vàng cũng là lúc rực vàng trái duối dại. Bao nhiêu cây duối là bấy niềm vui. Cả bọn dành với nhau, dành cả với lũ chim cũng bị sắc vàng kia gọi mời. Trái duối dại trở thành niềm vui, thành thức quà quý giá của tuổi thơ. Vị ngọt ngào nơi đầu lưỡi ngỡ như thơm đến bây giờ…

Rồi lũ trẻ lớn lên và những cây duối già đi. Cuộc sống bao nhiêu lo âu thường nhật quay cuồng. Nông thôn cũng phát triển chóng mặt. Tự bao giờ những con đường bê tông, những ngôi nhà hiện đại chen chúc đã chiếm chỗ những bụi cây hoang dại ngày xưa. Còn chăng, bởi quen sống khắc khổ cỗi cằn, bởi cành lá khẳng khiu; cây duối trở thành thú chơi bosai lẻ loi trong ang, trong chậu. Vị ngọt ngào của trái duối đâu chỉ là thức quà tuổi thơ mà ta tìm thấy cả một trời kỷ niệm cũng đám bạn chăn trâu cắt cỏ. Niềm vui tuổi thơ của cha con lắc đầu ngơ ngác, cũng như ta ngơ ngác tìm về nơi gốc duối tuổi thơ. Miên man trong lung linh sắc nhớ, chợt vọng đâu thao thiết lời ru: “Đầu làng cây duối, cuối làng cây đa/ Ngõ em cây nhãn, ngõ ta cây đào/ Có thương mới bước chân vào/ Không thương có đón có chào cũng không”