Mẹ tôi tuổi đã về chiều. Sau cơn tai biến, mẹ đã không tự chăm sóc được bản thân. Nhờ ơn Trời Phật, người được phục hồi trí nhớ, nên vẫn còn minh mẫn. Niềm vui giản dị của mẹ tôi, là mỗi ngày được con về thăm, được con chăm sóc. Bởi vậy, dù mưa hay nắng, dù bận rộn chuyện công việc và con cái, tôi cũng dành thời gian nhất định của một tuần để về bên mẹ.

Về với mẹ. Chỉ cần nảy lên trong đầu ý nghĩ đó, là bất kỳ người con nào cũng cảm thấy vui và ấm áp.  Nhìn ánh mắt mẹ tươi vui, bao nỗi buồn lo và vất vả chợt tan biến trong con. Tôi cũng đã làm mẹ, đã có tổ ấm gia đình riêng. Vậy mà mỗi lần về bên mẹ, nắm bàn tay gầy gầy xương xương của mẹ, tôi trở thành đứa con bé bỏng, muốn được nũng nịu, yêu chiều. Bàn tay ấy thường nắm tay tôi mỗi lần tôi thưa mẹ đi về, thường nắm chặt và vuốt ve đứa con tuổi đã heo may mỗi lần tôi xa mẹ mấy ngày công tác. Bàn tay ấy thường giữ rất kỹ từng đồng tiền con cháu về cho, nhưng cũng thật hào phóng khi thành viên nào trong gia đình đi học hoặc đi xa. Bàn tay ấy từng viết cho tôi những lá thư thấm đẫm âu lo, nhung nhớ và cả niềm tự hào khi tôi đi học xa nhà. Ôi, những lá thư  với nét chữ vụng về của mẹ một đời chỉ quen cày cuốc, mới dạt dào tình mẹ làm sao. Rồi mỗi lần tắm cho mẹ, tôi thích kỳ cọ thật kỹ đôi bàn tay, dù cho nửa cơ thể bên phải của mẹ đã bị liệt sau cơn bạo bệnh khiến cho tay phải ngày càng khó co duỗi. Tôi chạm vào da thịt mềm mại của mẹ mà trong lòng dâng lên vô hạn yêu thương. Cơ thể này đây, đôi tay này đây đã chịu bao nhọc nhằn để sáu anh em tôi khôn lớn, nên người. Tôi được tắm cho mẹ, tắm tuổi xế chiều của mẹ hay được đắm mình trong nguồn suối yêu thương? Tôi thầm cám ơn cuộc đời đã cho tôi niềm hạnh phúc bình dị mà thiêng liêng ấy.

Lê Khắc Ngọc Quỳnh | Thanh Thúy

Về nấu món ăn mẹ thích, đút cho mẹ từng muỗng cơm, dỗ mẹ uống  từng ly sữa, lòng tôi thầm vui theo từng bữa ăn của mẹ. Người ta thường nói “già ra con nít”, tuổi già dễ hờn giận, thích được dỗ dành. Mẹ tôi cũng thế. Giận đó rồi hết đó, dễ khóc mà cũng dễ cười. Cho ăn mà không ưng ý là mẹ hờn ngay. Mẹ không ưa những món cầu kỳ mà chỉ ăn canh chuối nấu cá đồng, rau muống luộc, cá chuồn kho đầu thơm… Những món ăn dân dã nhưng đậm đà là cả một trời quê hương trong tôi, trong tâm khảm nhiều người nhà quê, cũng là những món mẹ thường nấu ngày xưa. Nhớ thời tôi còn nhỏ xíu, nhà nghèo con đông, mẹ tôi thường làm tối mắt tối mũi ngoài đồng. Thế nhưng, bữa cơm nào mẹ cũng lo cho cả nhà đủ đầy nhất có thể, lúc nào mẹ cũng nhường phần cơm ít ghế sắn cho bé út và ba tôi, lúc ấy hay đau bao tử. Giờ lớn lên, tôi mới hiểu rằng xưa mẹ đã vất vả mà vui như thế nào khi chăm chút, vỗ về những đứa con thơ dại. Mới hiểu rằng mẹ đã cùng ba nhọc nhằn ra sao khi sáu đứa con của mẹ phải có miếng ăn, có cái mặc trong những năm khốn khó sau giải phóng. Và đàn con ấy còn phải đi học, vì chỉ có cái chữ mới mong vươn ra khỏi lũy tre làng. Hình ảnh thân quen của mẹ tôi trong ký ức là gương mặt đỏ hồng lầm tấm mồ hôi bên luống mạ non, bên đồng lúa vàng hay đám khoai đám sắn. Giờ mường tượng lại, tôi thấy mẹ đẹp lạ lùng. Tôi không thể nào bày tỏ hết niềm tự hào về gốc gác nhà quê của mình, tự hào được lớn lên từ ruộng đồng quê kiểng, tự hào là con của người mẹ nông dân.

Ai đó đã viết những dòng thơ đầy xúc cảm rằng:

Mẹ có nghĩa là ánh sáng.

Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim.

                              Mẹ có nghĩa là mãi mãi.

                              Là cho đi không đòi lại bao giờ.

Tình mẹ như nguồn suối mát trong ngọt lành, có bao giờ vơi cạn? Tình mẹ là “đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Tôi đã uống bao nước ngọt nước lành từ suối nguồn yêu thương của mẹ? Tôi làm sao trả hết ơn nghĩa sinh thành?

Tôi vẫn nâng niu từng ngày được về bên mẹ, nâng niu trong nỗi âu lo về lẽ vô thường, về mong manh kiếp người.

Viết những dòng này tôi lại rưng rưng…

********