Hồi tôi sáu tuổi; người đen nhẻm, ăn gì cũng không lớn; chỉ giỏi ăn mỗi cái nắng mưa, nước đất chát mặn của một miền quê tỉnh lẻ rồi hằn in nó lên da thịt mình.

Hồi tôi sáu tuổi, cực kì ghét bỏ những đôi dép thắt nơ đỏ hồng, tôi chỉ mê mẩn đi suốt mấy đôi dép tổ ong mẹ mua đến mòn cả đế và rách bươm quai. Đôi khi, tôi còn dở chứng lấy dây từ bao xi măng của bố để mò mẫm thắt lại những chỗ bị rách và đi như thường. Hồi đó với tôi, ngại ngùng là một thứ đồ vẩn vơ như cục đất, hòn than, hạt bụi. Đôi dép đều đặn đi ở nhà, đi ra đường, đi học, đi lên bà, đi chơi, đi ra đồng…đi hết cả tuổi lên sáu cho mãi tới tuổi lên tám, lên chín nào đó mà tôi cũng chẳng còn nhớ.

Hồi tôi sáu tuổi, hai chị em tôi vẫn thường được mẹ mua cho mấy bộ đồ giống y chang nhau, chỉ khác mỗi màu. Chị đỏ em cam, chị cam em đỏ… Dù là mũ, áo, quần hay cả đôi dép, chiếc bút đều thế. Mẹ bảo làm vậy để hai đứa đỡ chạnh choẹ nhau chuyện đồ đứa nào đẹp hơn đứa nào. Hẳn vậy nên người ngoài nhìn vào bao giờ cũng tưởng hai chị em sinh đôi mặc dù bà chị lớn hơn tôi hai tuổi.

Hồi tôi sáu tuổi, chuyện ngồi vào học là một cực hình khủng khiếp, trong suy nghĩ của tôi lúc ấy, nó cũng ngang ngửa với cái án tử cho một tên đầu gấu giết người nào đó. Vì chữ tôi quá xấu nên bao giờ cũng bị mẹ bắt phải ngồi tận khuya để viết một mạch mấy trang luyện viết trong khi chị tôi đã ngủ say như cún từ bảy kiếp nào. Điều đáng buồn là dù luyện nhiều đến thế thì bây giờ chữ của tôi vẫn xấu như thường chứ không hề khá khẩm lên chút nào.

Đón năm học mới rực rỡ cùng cô bé 10 tuổi xinh xắn

Hồi tôi sáu tuổi, Tiếng Anh là cái môn mà tôi từng cho là dễ ợt nhất trên đời. Lúc ấy nó chỉ đơn giản là nghe cô đọc và đọc lại, tôi còn “thông minh” đến độ lấy bút chì viết phiên âm tiếng Việt ra bên dưới chữ tiếng Anh cho dễ đọc. Dần dà, tôi cũng quên luôn không biết chữ nào viết tiếng Anh như nào. Có lẽ vậy nên khi tôi lên lớp sáu, vốn tiếng Anh duy nhất mà tôi biết là “hai, am phai, thanh ciu, èn diu” như rất nhiều đứa trẻ cùng lớp với tôi. Và cũng kể từ đó, bằng một cách hết sức muộn màng, tôi mới lờ mờ nhận ra mức độ khó nhằn của môn ngoại ngữ trời đánh này.

Hồi tôi sáu tuổi, gia tài to lớn nhất của tôi là những cuốn truyện tranh đi mượn mà không thèm trả. May mắn là tôi nhận ra mình có một tình yêu to lớn với việc đọc sách, có những cuốn Đô-rê-mon, cổ tích, truyền thuyết tôi đọc cho đến thuộc lòng và rách bươm giấy. Một phần vì vậy nên tôi ngại đem trả vì sợ bị mắng, phần khác là vì thích quá nên không muốn trả.
Hồi tôi sáu tuổi, bài hát duy nhất mà tôi thuộc lòng từ đầu đến cuối ngoại trừ mấy thể loại kiểu như “Con cò bé bé” hay “Cháu lên bà”thì chính là “Vầng trăng khuyết” của Tuấn Hưng. Tôi nhớ mang máng bài đấy là tôi được một đứa bạn trong lớp mẫu giáo dạy cho. Và suốt một thời gian dài, đi đâu, làm gì tôi cũng cứ “Đã khuya rồi vẫn ngồi đếm sao…”, kể cả khi đi chơi, đi chợ, dù quét nhà, đi vệ sinh hay đi tắm… Sau này, lớn thêm một chút, tôibị ám ảnh với bài hát này thực sự. Và tôi cũng bắt đầu thôi hát từ đó vì sự nhận ra giọng mình cũng chẳng thua Chai-en là mấy.

Hồi tôi sáu tuổi, cứ hễ lần nào đi xe đạp của mẹ đến trường là y như rằng lần ấy để quên xe trên trường rồi tự cuốc bộ về. Mỗi lần như thế, mẹ tôi lại phải đi mượn xe hàng xóm để lên nhà ông bảo vệ trường xin mở cổng để lấy xe đạp cho ngày mai đi làm. Đau lòng hơn là mãi cho tối mịt mới phát hiện ra là để quên xe chứ nếu tôi biết sớm hơn thì đã có thể đi lấy từ buổi chiều dễ dàng biết bao nhiêu. Trời tối thui còn bị mẹ xách lên trường tìm chỗ để xe, trường tôi lúc ấy còn bị đồn là rất nhiều ma nữa, dù đi cạnh mẹ thì mặt tôi vẫn tái mét và người run lên như một cái âm ty đang đánh, quả thực là một trải nghiệm cảm xúc cực kì hãi hùng và khó tả.

Câu chuyện mà sau này nhìn lại thấy thật đáng quên chứ chẳng thiết nhớ nhung gì. Chả đứa nào yêu mà đi tặng nhau hoa cúc vàng, hoa cúc trắng, còn là mấy bông hoa cúc lấy trộm từ bình cắm hoa trong nhà của nó. Sợ hãi thực sự!

Hồi tôi sáu tuổi, những ngày đi học về là ném cặp trong góc nhà và lao ngay ra đường, tụ tập với một lũ trẻ con trong xóm ra sân đình làng nhảy dây, bắn bi, trốn tìm… Chúng tôi chơi mướt cho tới lúc trời nhá nhem khi mẹ tôi đạp xe đi tìm và gọi nhức óc mới chịu lết mạng về nhà.

Hồi tôi sáu tuổi, cả ba tháng hè hầu như không có lúc nào ở nhà. Hoặc có khi mẹ tôi bắt ở nhà vì trời nắng thì cũng chỉ được dăm chục phút sau khi mẹ đi làm rồi tôi cũng khoá cửa nhà đi chơi. Vô số trò chơi trên trời dưới đất, lắm lúc chúng tôi bày trò trộm xoài, ổi hay nhãn, đu đủ trong vườn bà hàng xóm và tối về xác định bị bố tẩn cho một trận vì tội chơi ngoài nắng và còn cả gan đi ăn trộm.

Hồi tôi sáu tuổi, trưa hè không ngủ trốn mẹ ra đồng thả diều như đứa dở hơi.

Hồi tôi sáu tuổi, học xong bài là gác bút theo mẹ đi buôn chuyện trước ngõ nhà hàng xóm tối mịt mới về nhà ngủ.
Hồi tôi sáu tuổi, không có ti vi, không có máy tính, điện thoại; niềm vui gom góp lớn dần từ tiếng gọi í ới của những đứa bạn ngoài cổng ngõ.

Hồi tôi sáu tuổi, câu chuyện học dốt thì chỉ có nước đi chăn trâu, chăn bò không hề đáng sợ mà có khi còn vui hơn cả việc học.

Hồi tôi sáu tuổi, tri thức có từ trong những cuốn sách, lời kể của bà, lời ru của mẹ.

Hồi tôi sáu tuổi, tôi thấy mình hồn nhiên nhất, cũng là lúc mà tôi nhìn cuộc đời bằng đôi mắt lạc quan và đầy niềm tin nhất…

Bây giờ, tôi không còn tin nhiều những trang cổ tích tôi từng đọc, điều đó cũng là chứng tích cho sự hồn nhiên đang dần mất đi của tuổi trưởng thành, có chút đáng buồn và xót xa nhưng không thể chối cãi. Dẫu vậy, tôi vẫn trân quý quãng đời tuyệt đẹp đã qua và cầu mong cho tất cả mọi đứa trẻ khác sinh ra cũng có cho riêng mình một khúc tuổi đời đáng nhớ như chính chúng tôi thuở ấy.