Của chuột và người” là một cuốn sách không quá dài, hàm chứa những bài học kinh điển về bản chất con người – cuộc sống – xã hội. Và không quá ngạc nhiên khi nhờ chính tác phẩm này, John Steinbeck đã giành giải Nobel văn học năm 1962. Có thể nói, đây là một trong những tác phẩm gây được tiếng vang, và để lại dấu ấn vô cùng mạnh mẽ trong sự nghiệp văn chương của ông.

Vậy điều gì đã khiến một cuốn sách với số lượng con chữ không quá nhiều và mạch truyện không quá phức tạp lại được người đọc đón nhận vô cùng mạnh mẽ như vậy?

Cuốn sách được xuất bản năm 1937 – giữa thời kì khủng khoảng của toàn nước Mỹ. John Steinbeck đã đem đến cho người đọc một bức tranh toàn cảnh, chân thực nhất về số phận của những con người lao động nghèo khổ, sống dưới đáy của xã hội trong thời kì khủng hoảng của nền kinh tế. Nếu nói chị Dậu, lão Hạc là những nhân vật tiêu biểu cho sự nghèo khổ, bất hạnh bị áp bức đến cùng khổ trong nền văn học Việt Nam những năm 1945, thì trong nền văn học Mỹ, George Milton và Lennie Small – nhân vật chính trong cuốn sách “Của chuột và người” – là hai nhân vật tiêu biểu nhất.
Của chuột và người” kể về George Milton và Lennie Small, hai người làm công trong một trang trại lúa mì. Hai con người đồng hành với nhau trên chặng đường cùng tiến gần đến với ước mơ, nhưng ngoại hình, tính cách thì hoàn toàn trái ngược nhau. Dù vậy, họ vẫn có sự gắn kết với nhau bởi thứ tình cảm kì lạ. Hay có thể nói, họ dựa vào nhau để cùng tồn tại, cùng nỗ lực, duy trì ước mơ làm chủ một trang trại của riêng mình.

George bé nhỏ, thông minh, nhạy bén, có chí tiến thủ và luôn làm việc với mục tiêu rõ ràng. Lennie to lớn, vạm vỡ, ngây ngô đến ngờ nghệch và luôn đem lại rắc rối cho người bạn đi cùng Geogre. Lennie sẽ khiến bạn không khỏi bật cười vì sự dễ thương của mình, khi luôn yêu cầu những thứ thật trẻ con, “kể cho tui đi, kể chuyện bầy thỏ đó”, “tui đâu có làm gì xấu với nó đâu, nựng nó thôi mà” và luôn lặp lại một cách ngoan ngoãn những gì Geogre dặn, “tui nhớ rồi, nếu tui gặp rắc rối, tới đó trốn trong bụi rậm, tui nhớ rồi”. Lennie sống một cách thật hồn nhiên, thật bản năng như vậy. Tuy nhiên, cũng chính vì sự hồn nhiên, bản năng ấy mà dẫn đến liên tục những chuỗi bi kịch cho số phận của Lennie.

“Nó là đứa tử tế. Người ta đâu có cần khôn khéo mới là đứa tử tế. Tao thấy hình như nhiều khi còn ngược lại là khác. Cứ thử coi một thằng thật láu cá thì khó khi nào nó là đứa tử tế.”

Ước mơ của những người lao động nghèo.

Trước khi đến trang trại ở Salinas, Lennie từng làm việc cùng Geogre ở một trang trại khác. Tuy nhiên, vì Lennie quá thích thú trước vạt áo mềm mại của cô gái nọ, hắn ta cứ bám chặt lấy nó không buông khiến cô gái đó hoảng sợ, gây nên sự hiểu lầm không nên có, buộc cả hai phải bỏ chạy ngay trong đêm.

Đến trang trại mới, Lennie và Geogre quen những con người mới – những công nhân làm thuê nghèo khổ nhưng đều mang trong mình những ước mơ – lão Candy già lụ khụ, tay nài ngựa đen tàn phế Crooks, Slim… và không thể không nói đến tên con trai chủ trại – Curly.

Không chỉ Geogre, Lennie, cả Candy, Crooks, hay nói cách khác là tất cả những người sống trong cảnh làm thuê làm mướn trong thời kì nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng, đều có chung một ước mơ, một khát khao về mảnh đất của riêng mình, một căn nhà khang trang với mảnh vườn nho nhỏ. Mùa đông có thể nghỉ ngơi bên lò sưởi chập chờn ánh lửa cùng những người thân yêu, hay đôi khi bỏ việc đi xem gánh xiếc trong thị trấn. Họ không cần phải ngày ngày nơm nớp lo sợ bị đuổi việc, bị mắng mỏ, bị bóc lột không thương tiếc. Họ được quyền quyết định cuộc đời mình, không phải phụ thuộc và xem sắc mặt bất kì ai. Nhưng cuối cùng, ngay cả ước mơ bình dị, giản đơn như thế cũng không thể thành hiện thực. Thật tàn khốc và đáng buồn làm sao!

Liệu rằng kết chuyện có quá tàn nhẫn cho Lennie?

Curly – con trai của chủ trang trại Salinas – luôn gây sự với Lennie vì trông Lennie to lớn và vạm vỡ hơn hắn ta. Và tiếp sau đó là một chuỗi các sự kiện rắc rối bủa vây xung quanh Lennie: làm gãy tay Curly, lỡ bóp chết con chó được cho và trốn đi, mân mê mái tóc mềm mượt của vợ Curly và dẫn đến cái chết của cô ả. Nghe theo lời Geogre, Lennie tiếp tục trốn chạy. Tuy nhiên lần này, chính Geogre đã kết thúc giấc mơ của Lennie bằng một phát súng thật nhẹ nhàng.
Từ hai người bạn đồng hành, cùng chung giấc mơ về một ngày mình có thể làm chủ một trang trại, Geogre đã đưa ra một hành động khiến người đọc không khỏi bất ngờ.

Tuy nhiên, hành động ấy không những có thể coi là sự giải thoát cho Lennie khỏi cuộc sống không phù hợp với hắn ta của Geogre, mà còn là hành động kết liễu giấc mơ mãi mãi chẳng bao giờ thành hiện thực của họ. Lennie chết đi, giấc mơ bấy lâu của Geogre cũng tan vỡ theo, để Geogre có thể trở lại cuộc sống thực, không còn chuỗi ngày mơ mộng ấy nữa. Đây không phải là một kết thúc có hậu nhất, nhưng là kết thúc chân thực nhất cho số phận của những con người nghèo khổ nước Mỹ lúc bấy giờ.

Vẫn là John Steinbeck với phong cách bình thản, văn phong rất “thường”, nhẹ nhàng, từ tốn nhưng cấu trúc mạch truyện vô cùng chặt chẽ, sự đối lập tính cách giữa hai nhân vật trung tâm đem đến cho người đọc sự thú vị và mới mẻ. Một cuốn sách khó mà tìm ra điểm nào để chê, tuy ngắn nhưng khiến bạn không thể rời mắt, không ngừng ngẫm nghĩ trước những bài học, thông điệp mà tác giả gửi gắm để rồi cảm thông, xúc động trước số phận của những con người kia.