Mỹ Hạnh là bạn đồng môn trong khóa bồi dưỡng ngắn hạn viết văn Nguyễn Du năm 2019, sau này là bạn thơ facebook của tôi. Tôi cũng như Mỹ Hạnh là những người yêu văn chương, nhưng tham gia viết hơi muộn. Tuy nhiên “Mùa lá thức” là tập thơ thứ hai của chị sau khi đã trình làng tập thơ “Đá hát” rất thành công năm 2019. Cảm giác đầu tiên khi đọc “Mùa lá thức” là sự thích thú vô cùng khi được khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của phong cảnh thiên nhiên, tâm hồn con người vùng quê Tây Bắc, cụ thể là Sơn La quê hương của Mỹ Hạnh. Miền quê ấy, con người nơi ấy luôn hồn nhiên tươi mới như nước suối đầu nguồn, chân chất thật thà như rừng cây ngọn cỏ hiện lên dưới ngòi bút của Mỹ Hạnh đầy bản sắc và cực kỳ sinh động.

Không có mô tả.

Chiêm ngưỡng bức tranh quê bằng thơ của Mỹ Hạnh mới thấy Tây Bắc thật đẹp, thật đáng yêu, như tình yêu máu thịt Mỹ Hạnh dành cho nơi “Chôn nhau cắt rốn” đời mình. Phải yêu lắm, phải gắn bó lắm mới hoài thai được những thi ngôn đẹp thế. Mỹ Hạnh ít viết thơ tình riêng. Biên độ chữ “tình” của Mỹ Hạnh trải rộng ra tình yêu Quê hương, thiên nhiên, Đất nước, con người…

Quê hương trong thơ Mỹ Hạnh là những hình ảnh thân thuộc: “Mẹ gói xôi, gói vụng cả sương chiều/Cha bẩy đá, mở đường lên dốc núi/ Em trở về xây thêm lối cha mong”. Là niềm tự hào về vẻ đẹp của các nàng sơn nữ đủ say mọi lối nhìn: “Môi thơm hương mật ong núi/ Áo thơm vỏ gỗ rừng chiều”. Tình yêu quê còn là nỗi xót xa giành cho đất: “Đất phơi lưng trắng bạc màu/Đồi nương trơ trọc núi nhàu cỏ lau”. Chính là nỗi lo lắng cho sự tàn phá tài nguyên môi trường đang xảy ra từng ngày làm cho đất, cho rừng cạn mòn sự sống.

Thơ Mỹ Hạnh thương cả “Tiếng chim lẻ bạn gọi nhau gợi buồn”. Mỹ Hạnh tự hào dắt ta đi vào những mảng màu cuộc sống thật đẹp. Nơi đó có chợ chiều trên sông như bức tranh thơ sống động đầy màu sắc “Sông nghiêng vào bóng núi/Thuyền là chấm sáng đang bơi/cánh chim rỡn xanh màu nước/ Đáy trong soi áng mây trời”. Những lát cắt miêu tả sinh động cảnh thiên nhiên, đan cài bản sắc văn hóa các dân tộc vùng caoTây Bắc, được Mỹ Hạnh ký họa khá sắc sảo sinh động “Người H’Mông thích làm hơn nói/ Giữ lời hứa như giữ lửa cháy lâu/ Đục đá gieo ngô/ kiếm nước từ mồ hôi của núi”. Bản sắc văn hóa tạo nên chiều sâu của tâm hồn. Chẳng phải vô cớ mà Mỹ Hạnh tự nhận mình là người Sơn La, dù tôi biết quê gốc Mỹ Hạnh ở tỉnh Quảng Bình.

Có thể là hình ảnh về sách, hoa và ngoài trời

Áo cóm, khăn Piêu luôn gắn bó với các cô gái dân tộc Thái, như tấm chân tình thủy chung, mãi tươi đẹp giữa đại ngàn hùng vĩ: “Dài như dải sao trời/ thương ai thắp ngàn đêm ánh sáng” với lời hẹn hò không thể cưỡng của “Tiếng sáo giục trên lưng ngựa/ váy xòe trải nắng lối hoa”. Lòng tự hào vì nơi đó có rừng, có đá biết hát, những dòng thác chảy dữ dội giữa đại ngàn “Giữa đại ngàn mênh mông và sâu thẳm/ những hang đá /tựa bóng Sư u uẩn/ Giấu trong mình bao tàng tích cổ xưa”.

Về nghệ thuật, Mỹ Hạnh làm nhiều thể loại thơ khác nhau và đều khá nhuần nhuyễn. Nhất là dám đột phá thử thách vào mảng thơ có lối viết rất mới mẻ – thơ 1-2-3. Những cú vượt thoát của Hạnh đã đạt được là những bài thơ thành công ám gợi như bài: Tiếng đập cánh, Giấc mơ mây trắng, Vết chai, Gặp bạn cũ… Khi đọc những bài thơ này tôi đã phải đọc chậm hai, ba lần để cảm thụ được vẻ đẹp ẩn dụ của tứ thơ trong tầng sâu ngôn từ, nó như vẻ đẹp bí ẩn của thủy ngân trong chiếc nhiệt kế.

Ngôn ngữ thơ Mỹ Hạnh thật đẹp, mềm mại như lụa, đầy ánh sáng. Hãy xem Mỹ Hạnh viết về mùa xuân: “Một khoảng trời Tây Bắc sáng trên cây/ Chợt cơn gió rung nắng xuân rơi nhẹ”. Hay về mùa thu, chỉ có sự quan sát tỉ mỉ, cảm nhận tinh tế mới miêu tả sắc thu thật đặc trưng: “Nắng trưa hong vàng cỏ mật/ Ngải mùi lá mục sau mưa”. Để tả loài hoa ấn tượng quê mình, Mỹ Hạnh chỉ cần hai câu thôi cũng dệt nên tấm thảm làm say lòng người: “Hoa ban mượn gió thả bùa/ Đá trầm hóa nắng thêu thùa đồi hoang” .

Bài thơ cuối cũng là bài tựa cho tập sách “Mùa lá thức” là những rung cảm vô cùng tinh tế, đẹp đẽ thoát ra từ nhịp đập con tim nhạy cảm của Mỹ Hạnh.
Núi xếp chồng lên núi
Đường một rẻo chông chênh
Người vấp vào bóng đá
Chạm ước mơ bao đời

Vâng! Có lẽ đã là người Tây Bắc ai cũng hiểu “Ước mơ bao đời” là gì, đó chính là ước mơ thoát đói nghèo, có của ăn, của để trên chính quê hương mình. Vậy cần đánh thức những tiềm năng đó từ ý chí, nghị lực của những người gắn bó suốt đời với quê hương:

Chiềng Đen mùa lá thức
Hoa mận trắng lưng trời
Cô em diện váy mới
Dắt mây cùng đi chơi”

Đến đây tôi muốn được lên Ít Ong, Chiềng Đen, Mộc Châu, Sơn La khám phá “Mùa lá thức”, nghe “Đá hát”, ăn xôi của mế gói lẫn sương chiều; ngắm cô sơn nữ đang vẫy khăn Piêu hòa cùng tiếng sáo trai bản trên lưng ngựa; làm quen với anh bộ đội biên phòng xuống phố, trong ba lô vương hương cỏ núi, loại cỏ “Cất lời…gió cũng ngật ngà say”.

Có người từng nói: “Một câu thơ hay, một bài thơ hay cũng đủ định danh một nhà thơ”. Tập thơ “Mùa lá thức” của Mỹ Hạnh, đủ để lưu dấn ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước. Chúc nữ thi sĩ ngày càng tiến xa trong ngôi đền thơ Việt.

Xuân 2022

Hoa Mai – Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh.