Có rất nhiều cuốn sách mà chúng tôi muốn đọc và cần đọc nhưng lại không đủ tiền mua. Nhiều lần tôi và chúng bạn đã len lén đứng đọc trộm hàng tiếng đồng hồ trong nhà sách, mỗi ngày đọc một ít chứ không mua. Lần đó vừa nhận lương làm thêm nên tôi quyết định sẽ sang nhà sách để mua những cuốn sách mà mình thích. Thế mà tôi loay hoay đi qua đi lại vẫn không thể tìm được cuốn sách mà mình cần nhất. Thấy tôi đi qua đi lại nhiều vòng, một anh chàng cất lời hỏi:

  • Tìm gì vậy?
  • À, đang tìm cuốn Quan hệ quốc tế, anh có nhìn thấy không?
  • Kinh nhỉ, đọc quan hệ quốc tế cơ à, sinh viên khoa nào thế? – Anh ta nói nhưng vẫn chăm chăm nhìn vào cuốn sách đang ở trên tay
  • Tôi hỏi anh có nhìn thấy không, chứ không hỏi để anh bình phẩm về người khác?
  • Thế thì tự đi tìm đi.
  • Hic, đúng là… Mà nói thật, tôi cũng định đi qua kia tìm nhưng thấy anh đứng chắn lối thế này.

Lúc đó anh ta mới ý thức được về cơ thể to lớn quá khổ của mình so với khoảng cách giữa hai kệ sách. Thế nên anh ta đã xoay nghiêng người cho tôi qua. Nhưng tôi đã soi rất kỹ từng hàng từ trên xuống từ trái qua rồi lại từ dưới lên từ phải qua mà vẫn không thấy cuốn sách tôi cần. Tới lúc tôi thật sự mỏi chân, ngồi thụp xuống dưới sàn nhà sách thì anh ta quay sang, giơ bìa cuốn sách mà anh ta đang đọc lên về phía tôi. Anh ta cười đăc chí nói rằng chỉ còn một cuốn duy nhất mà anh ta đang cầm thôi. Thật là một con người ích kỷ thích chọc tức người khác mà. Tôi liền nhanh chóng đưa tay về phía anh ta để chộp lấy cuốn sách nhưng anh ta đã nhanh chóng thu tay về phía sau, làm tôi chới với lao thân về phía anh ta. Khi toàn thân tôi vừa đổ chạm vào ngực anh ta thì ngay lập tức anh ta hất tôi ra, như thể việc đụng chạm này là một nỗi kinh khiếp lắm. Trong phút giây ấy tôi chợt nghĩ người thiệt thòi là phụ nữ chúng tôi chứ thiệt gì các anh, anh đúng loại đàn ông giả vờ đứng đắn. Thế là cũng nhanh chóng tôi dùng ngôn từ để đáp lại hắn:

  • Chắc anh chỉ có ý định đọc trộm ở nhà sách chứ không mua đâu nhỉ. Vậy thì tốt nhất nên đưa cho tôi để tôi thanh toán, kẻo muộn.

Nhưng anh ta không thèm nói thêm câu gì, quay lưng rất nhanh, vừa đi về phía quầy thanh toán vừa giơ cao quyển sách lên đầu để khiêu khích tôi. Tôi bực mình sang quầy tô màu để xả stress. Nào ngờ khi tôi ra bãi gửi xe, anh ta vẫn vừa đứng vừa đọc sách gần lối ra vào. Tôi bước qua nhưng đã bị anh ta giơ chân chặn lại. Anh ta đưa về phía tôi một tờ giấy. Trong lúc tôi chưa hiểu gì, thì anh ta bảo:

  • Tôi chắc rằng trong các nhà sách của thành phố này cô không tìm được quyển nào nữa đâu. Cuốn sách này đã không tái bản nữa rồi, tôi đã tìm hết rồi. Muốn đọc thì gọi điện cho tôi.

Nói rồi anh ta đề ga, nổ máy đi mất. Tờ giấy anh ta đưa cho tôi đã rơi xuống đất vì tôi không chịu đón nhận. Nhưng sau khi nghe anh ta nói thế, tôi buộc phải nhặt nó lên. Trên đó ghi vỏn vẹn: “Phùng, số ĐT: 098xxxx”. Tôi nhìn theo dáng bộ anh ta đắc thắng khuất dần trong bóng hàng cây. Loại con trai đó chắc tự đề cao bản thân mình lắm. Thế là trên suốt đoạn đường về phòng trọ, tôi âm thầm chửi anh ta là đồ kiêu ngạo, sao trên đời lại có loại đàn ông đó, rồi tôi chửi anh ta chắc nhiều lần sang nhà sách chỉ đọc trộm, hôm đó chắc cũng vậy nhưng vì hiếu thắng nên mới bỏ tiền ra mua. Tôi cá là nếu hôm đó trên kệ sách còn hơn một quyển thì chắc anh ta cũng sẽ không ra quầy thanh toán đâu. Khi về tới nhà tôi mới nhớ ra việc quan trọng của tôi là tìm được cuốn sách đó, một cuốn sách mà thầy tôi nói rằng đã xuất bản lâu rồi, nhiều kiến thức trong đó đã bị xem là cũ so với thời điểm hiện tại nhưng cuốn sách đó lại có những giá trị rất riêng, đáng để đọc.

Chia tay không phải là điều tồi tệ nhất trong tình yêu | VTV.VN

Hôm sau, tôi lại lóc cóc lên thư viện để hỏi xem có mượn được cuốn sách đó không. Từ lâu thư viện không còn là nơi tấp nập cho sinh viên nữa. Nhưng chỉ riêng với quyển sách ấy, tôi đã lên hỏi chị thủ thư mấy lần mà vẫn ở trong tình trạng “Có người vừa trả nhưng lại có người vừa mượn rồi. Cuốn này cả thư viện chỉ có hai quyển”. Lần này, khi thấy tôi, chị thủ thư cũng lại nói vậy. Tôi bước đi với vẻ mặt thất vọng. Bỗng có tiếng nói phía sau:

  • Có muốn mượn không, tôi đọc xong rồi đấy.

Tôi quay lại, hóa ra là Phùng. Anh ta vẫn mang gương mặt đắc thắc với nụ cười khiêu khích. Nhìn vẻ mặt ấy toàn thân tôi cũng bị kích động. Không thể nào dùng những lời lẽ lịch sự với anh ta được. Tôi liền buông câu:

  • Chắc có kẻ đang tiếc tiền mua sách lắm nhỉ? Có bán lại không, tôi mua bằng giá, hay cao hơn gấp đôi cũng được!
  • Gấp mười cũng không bán được. Cuộc mua bán này chắc chắn cô thất bại đấy, đổi cách khác đi nhé.

Thấy tôi bỏ đi, anh ta cũng bước nhanh hơn. Lần này anh ta xuống nước, đưa cuốn sách sang phía tôi. Nhưng ngay khi tôi đưa tay cầm lấy thì anh ta lại thu về rồi cười cười “Nhá máy sang điện thoại của tôi trước đã, rồi tôi đưa cho”. Tôi cũng làm theo nhưng anh ta còn chưa đưa ngay. Anh ta bảo phải lưu số điện thoại lại đã, đề phòng có người mượn sách không trả. Lưu số điện thoại xong rồi, anh ta lại cầm quyển sách đập mạnh vào đùi “Ôi thôi chết, biết đâu được vài hôm nữa cô chặn máy. Thôi không được, sách hiếm không thể tự tiện cho người lạ mượn. Cô nhắn cho tôi địa chỉ chỗ cô ở, tối nay tôi mang đến cho”. Tôi liền ném cho anh ta ánh nhìn khinh bỉ “Đồ đàn ông hèn”. Thế rồi tôi đi luôn.

Vậy mà tới chiều, anh ta tiếp tục nhắn vào số máy của tôi “Vẫn không định đọc à?”. Cuối cùng tôi buộc phải nhắn lại vào số máy của anh ta địa chỉ nơi tôi đang ở. Nửa tiếng sau, anh ta đến với quyển sách trên tay và vẫn với giọng nói đầy ngông cuồng “Đấy nhé, cuối cùng cô cũng mời tôi về tận nhà đấy. Cô thật biết mời mọc đấy”. Anh ta đi đi lại lại trong phòng rồi ngó nghiêng đủ thứ. Mỗi khi anh ta dừng lại ở một góc nào đó trong phòng, anh ta sẽ lại cho ra một lời nhận xét. Đầu tiên anh ta dừng ở kệ sách của tôi và nói “Kệ sách đúng là để đựng sách chứ không phải để trang trí đựng mấy thứ hoa khô do mấy thằng dại gái tặng. Diện tích kệ sách chiếm tỷ lệ lớn trong phòng cũng xem như là người chịu khó đọc sách”. Tiếp đến anh ta dừng ở kệ đựng đồ làm bếp và cười đắc ý “Ồ ồ, đời sống sinh viên cũng không tồi, bếp nhỏ mà đủ đồ như ở nhà nhỉ. Chắc cũng chịu khó nấu nướng, không ăn cơm bụi, ồ gia vị rất đa dạng, chắc cũng biết nấu ăn, được đấy”. Rồi anh ta chơ chẽn quay lại nhìn thẳng vào tôi bảo “Tôi cho mượn sách thì hôm nào nấu cho tôi ăn một bữa được không”. Tôi dứt khoát bảo “Không”. Anh ta liền quay sang chiếc tủ quần áo, nhưng khi anh ta mới “ồ, ồ” thì tôi nhanh chóng chặn ngay “Anh đừng nên nói gì nữa thì còn đáng mặt đàn ông đấy”. Anh ta cười rồi bảo “Thôi được, thôi được, vậy tôi về đây”.

Khi anh ta đi khỏi, tôi cười đắc ý vì không cần biết vì điều gì nhưng cuối cùng tôi cũng có được quyển sách này mà lại còn có người mang tới tận nơi nữa chứ.

Một tuần. Hai tuần trôi qua. Tôi không thấy Phùng trên thư viện, cũng không thấy anh nhắn vào số máy của tôi đòi sách hay hỏi han gì. Tôi cũng không có ý định lấy luôn cuốn sách ấy nhưng cũng không muốn gọi hay nhắn tin cho anh ta. Thế là tôi lên thư viện, chỉ vì để xem có gặp anh ta trên đó không. Nhưng cả tuần tôi lên thư viện cũng đều không gặp được anh. Cuối cùng thì tôi buộc phải nhắn tin cho anh ta rằng “Đã đọc xong, muốn trả sách cho anh thì trả ở đâu”. Anh ta cũng không thèm trả lời luôn mà phải mấy tiếng sau mới nhắn lại rằng “Địa chỉ của anh là….”.

Khi thấy tôi bấm chuông cửa, anh ta lại chưng ra gương mặt với nụ cười đầy đắc thắng. Ra mở cửa nhưng anh ta lại chặn ngang, ý là mở cửa để lấy sách chứ không phải mở cửa cho tôi vào. Anh bảo “Cho mượn sách đã dại, người mượn rồi còn mang trả thì dại hơn”. Tôi rất không thích cách anh dưng dưng tự đắc nhưng vì là người mượn nên tôi lịch sự đáp lại bằng một câu cảm ơn, rồi quay xe lại. Nhìn vẻ bộ anh ta chặn cửa tôi hiểu anh ta không sẵn sàng để tôi vào, và tôi cũng không có ý định vào. Nhưng khi tôi quay xe thì anh ta lại bước ra giữ xe rồi nói “Vào nhà đi đã. Trong này tôi còn nhiều sách lạ lắm, có thích thì cho mượn đấy”. Thực ra thì anh ta đã nhanh chóng đẩy cái xe của tôi vào phía trong sân rồi. Đó là một căn nhà khá rộng có sân vườn. Anh ta liền giải thích đó là nhà của một người quen, anh ở nhờ trong thời gian học ở thành phố này, vừa là ở nhờ vừa là giúp họ trông nhà trong lúc họ đi vắng.

Anh chỉ lên kệ sách và giới thiệu cho tôi những cuốn sách cũ mà anh sưu tầm được. Nói một lúc anh quay sang nhìn tôi:

  • Trong nhà anh chẳng có gì mời khách đâu, với lại chắc em cũng không thấy thoải mái khi ở đây chỉ có anh với em, thấy em có vẻ như cũng rất thích sách, vậy thôi anh mời em ra quán café nhé!
  • Vâng.

Thế là chúng tôi rời nhà ra quán cà phê, anh không quên mang theo vài cuốn sách. Đến lúc đó anh mới nói với tôi bằng giọng lịch sự bình thường chứ không phải bằng giọng khiêu khích như mọi khi. Anh say mê kể về những cuốn sách đã mua được ở đâu, mua trong tình huống như thế nào. Và anh cũng không quên kể cho tôi nghe đã nhiều lần đứng đọc trộm trong nhà sách. Nhưng đến khi tôi hỏi anh đang học lớp nào trong trường nào của thành phố này thì anh bảo không nên biết thì hơn.

  • Anh sợ em tìm đến tận lớp phá bĩnh anh à?
  • Ối giời lớp học là cái gì, nếu anh có gì sai, em tìm về tận quê, lên tận chính quyền lục tung cả họ nhà anh ra ấy chứ, nhìn em là biết không phải người thường rồi. Em cứ biết anh đang học ở thành phố này là được. Chỗ ở của anh, em còn biết rồi còn gì.
  • Anh có vợ con chưa?
  • Hả, cái gì cơ? Ý em là anh già lắm à?
  • Vâng, mặt thì chưa già. Nhưng mà sinh viên thì không ai lại có cái bụng bự thế kia?
  • Cái gì cơ? Sao em có thể nhận xét về cái bụng anh khi mới quen thế này chứ?

Từ đó, Phùng trở thành người bạn, người anh luôn khiến tôi vui mỗi khi anh xuất hiện đều với một gương mặt cười. Anh hài hước và có tài đá xéo người khác. Bởi thế dường như tôi và anh luôn tự xem là đang “nói đểu” nhau, không kiểu tán tỉnh hay nghiêm túc, dịu dàng như giữa một chàng trai và cô gái. Thỉnh thoảng anh chạy xe lên phòng trọ của tôi, bảo cho anh cốc nước rồi hỏi đọc xong cuốn sách này, cuốn sách kia chưa và đi về. Anh chỉ qua lại liến thoắng như thế, chứ không ngồi lâu. Mỗi lần tôi đến nhà anh trả sách, đổi sách anh cũng đều bảo “Lấy nhanh lên, rồi về đi, cho anh ngủ”.

xxxx

Một buổi chiều mưa, mưa rất to, anh gõ cửa phòng tôi khi đôi giầy sũng nước và quần áo cũng đã ướt:

  • Có cơm nguội không, cho anh xin vài miếng?
  • Anh có đùa không?
  • Không, anh nói thật đấy!

Phùng tự bước vào, phòng trọ sinh viên bé con con thì đảo mắt cái là nhìn ra nồi cơm chỗ nào rồi. Anh tiến tới, mở nồi rồi hỏi “Anh ăn thật nhé”. Phùng ăn thật, ăn ngon lành với vài miếng dưa chua và chút muối lạc và mấy cây rau sống tôi ăn còn thừa lúc buổi trưa. Khi nuốt miếng cơm cuối cùng, anh nhìn tôi nói “Anh cứ tưởng anh em mình có thể thân thiết rồi, sao em nhìn anh ngạc nhiên thế?”. Tôi không biết. Tôi rót cho anh cốc nước rồi hỏi “Nhưng sao hôm nay anh lại như thế”. Phùng lại nhìn sang tôi và cười, cái cười đầy giễu nhại chứ không nói gì. Một lúc sau Phùng đề nghị tôi sang phòng bạn, để cho anh ngủ nhờ ở phòng tôi một tiếng được không. Tôi gật đầu rồi sang phòng cô bạn bên cạnh. Chúng nó bảo “Sao anh ấy hôm nay lạ nhỉ, hay gặp chuyện gì rồi”. Nhưng lúc anh tỉnh dậy, anh gọi tôi về rồi nói “Anh phải đi công việc một thời gian, không ở trong thành phố này nữa”. Tôi giữ anh lại để tôi nấu cho anh ăn bữa tối nhưng anh lắc đầu.

Thế là vài tháng sau tôi không hề nhìn thấy anh, cũng không thấy anh nhắn tin nói chuyện và tôi cũng không chủ động hỏi gì anh. Một thời gian sau, thỉnh thoảng tôi lại nhận được tin nhắn trên điện thoại “Em đi chợ mà mang có thế kia đồ về thôi à, tiết kiệm quá, còi đi, học không nổi đâu”, hay “Sao tối rồi mà đi một mình ngoài đường thế kia”… Tôi đứng nhìn quanh quẩn không biết anh đứng ở đâu mà thấy tôi. Anh lại nhắn “Đừng cố tìm kiếm, em ở đâu, anh đều biết nhưng anh ở đâu thì em không thể biết đâu, đừng tìm vô ích”. Tôi chỉ còn biết nhắn lại “Quen một người như anh, thật là đau tim hại não mà”.

Xxxx

Anh cứ thoắt ẩn, thoắt hiện như thế mà không có bất cứ điều gì giải thích. Tôi cũng chẳng ép anh giải thích vì có lý do gì để tôi đòi hỏi anh phải rõ ràng chứ. Một lần khi tôi đang ngồi với nhóm bạn trong quán café, bỗng dưng từ đâu anh bước tới và đề nghị tôi có thể chuyển lên bàn trên lầu nói chuyện với anh một chút không. Mấy người bạn của tôi ngỡ ngàng rồi chúng đẩy tôi đi. Lần đó là lần duy nhất tôi nhìn thấy anh hút thuốc. Nhưng khi tôi ngồi xuống thì anh dập thuốc và hỏi về dự định của tôi sau khi tốt nghiệp. Khi tôi chưa biết nói gì thì anh đã nói một tràng dài về kế hoạch của anh. Anh thích sống ở Sài Gòn, anh thích nơi ồn ào, tấp nập và người ta luôn bận rộn.

  • Em có thích vào đó không?
  • Em chưa từng nghĩ tới, vì em không có người thân trong đó, em sợ lắm.
  • Nếu anh rủ đi thì sao? – Phùng nghiêm túc xoay chiếc ghế của tôi để tôi nhìn thẳng vào anh.
  • Á, em có nên xem đây giống như một lời tỏ tình không nhỉ?
  • Thôi, thôi, em tự tin quá. Anh chỉ hỏi em có muốn vào đó làm việc không thì anh giới thiệu vào chỗ bạn anh. Anh và cậu ấy cùng góp vốn lập công ty trong đó, nếu em vào trong đó thì có thể cùng làm với tụi anh.
  • Em, em cũng chưa biết nữa, anh hỏi đột ngột quá.
  • Vậy thôi, cứ thi tốt nghiệp xong đi, nếu muốn vào thì gọi cho anh nhé.

Nhưng sau hôm ấy, tôi không thấy anh xuất hiện nữa. Ở thư viện không. Trên điện thoại không. Ở chỗ tôi không. Tôi đến căn nhà nơi anh ở thì họ nói anh đã đi rồi. Vì sao anh lại hành động đột ngột như thế? Tôi cũng không tự gọi vào di động cho anh.

xxxx

Một ngày, trời nắng vàng và se se lạnh, đám sinh viên năm nhất, năm hai, năm ba rục rịch rời trường về quê. Còn tôi lên thư viện để trả sách trước kỳ tốt nghiệp. Lối lên thư viện dẫn qua hành lang khu giảng đường A rộng nhất trường. Vừa đi, tôi vừa nghĩ giá như anh cũng đang ở trên đó. Rồi lại tự cười mình. Anh đang chơi trò gì vậy?

Vì cứ cúi đầu đi nên tôi đã va vào chiếc standy dựng giữa hành lang, ghi dòng chữ “Bảo vệ luận văn thạc sỹ”. Bên dưới họ ghi tên anh. Lẽ nào anh học thạc sỹ ở trường tôi. Tôi đẩy cửa bước vào và đứng ở cuối phòng nhìn lên. Anh ở đó, trong bộ vest xanh đen, tự tin và mạnh mẽ và đang trả lời những câu hỏi của hội đồng giám khảo.

Khi trả lời xong chất vấn của vị giám khảo cuối cùng, anh ngẩng lên nhìn về cuối phòng. Nhưng khoảnh khắc chúng tôi nhìn thấy nhau rất vội vì mọi người đã vội vàng ôm hoa tiến về phía anh khi tiếng vỗ tay chúc mừng rộn rã, anh được 49/50 điểm. Tôi trơ trọi đứng cuối phòng, cũng vỗ tay nhưng không có hoa chúc mừng. Tất cả những người có mặt trong phòng bảo vệ luận văn hôm đó đã quay quần xếp quanh anh chụp ảnh, chỉ còn mình tôi như kẻ hoàn toàn xa lạ đứng ở tận cuối phòng. Tôi liền bước ra ngoài. Tại sao, tại sao anh lại như thế. Thực ra tôi biết được mấy phần về anh, thực ra tôi hiểu gì vì anh chứ? Tôi trả sách ở thư viện rồi thở dài tự nhắc mình “Anh chỉ là một người bạn thoáng qua, vui vẻ trong đôi phút thôi mà”. Tôi nhắn vào máy anh, vỏn vẹn dòng chữ: “Chúc mừng sự thành công của 8086” – 8086 là mã số luận văn của anh.

Từ lúc quen anh tôi chỉ biết anh, đâu có biết thêm người quen nào của anh. Những người ôm hoa đến chúc mừng anh khi đó có lẽ mới thực sự là bạn bè là người thân của anh. Còn tôi chỉ là kẻ xa lạ. Tôi nhìn rất kỹ có một cô gái trẻ e dè ôm hoa bên dưới. Một cô giáo cứ kéo rồi đẩy anh và cô gái kia đứng bên cạnh nhau. Có lẽ đó mới là người phụ nữ của anh.

xxxx

Một tháng sau, tôi nhận được một lá thư gửi về địa chỉ lớp học. Thư viết “Anh xin lỗi. Lần đầu tiên gặp em ở nhà sách, anh đã định lừa em. Anh định rằng sẽ từ từ để em tự ngã vào vòng tay anh để em đau khổ, như cách anh đã làm với nhiều cô gái khác. Nhưng sau khi tiếp xúc với em, anh thấy thương em và tôn trọng em. Anh đã từng nghĩ em sẽ thay đổi anh, thay đổi những suy nghĩ của anh về phụ nữ. Anh muốn em cùng anh vào Sài Gòn sau khi học xong. Cuối cùng anh vẫn không đủ tự tin, anh chưa lấy lại được tự tin và niềm tin vào tình yêu – hôn nhân. Anh xin lỗi. Nếu còn duyên, chúng ta sẽ lại gặp nhau lần nữa nhé”. Thư không ký tên nhưng tôi biết đó là Phùng, và chỉ có thể là Phùng.

Chúng tôi lạc nhau từ đó. Tôi cũng không hiểu hết những gì anh viết trong lá thư ấy. Tôi cũng không biết anh đã tới thành phố nào sau khi bảo vệ xong luận văn. Thỉnh thoảng tôi vẫn muốn gọi hoặc nhắn tin vào số di động của anh nhưng tôi lại không đủ can đảm gửi đi. Tôi hiểu gì về anh chứ! Tất cả chỉ là một trò đùa, một vài phút giây thoáng qua trong đời.

Xxxx

Năm năm sau khi tốt nghiệp, tôi chuẩn bị làm lễ cưới. Chuyện về Phùng chỉ còn là một chấm nhỏ trong muôn vàn dấu chấm trên một dòng đời. Có lẽ chúng tôi đã không còn duyên nên không còn gặp lại. Đã nhiều lúc tôi muốn gọi vào số máy của anh nhưng tôi chỉ tự cười bản thân mình, rằng tôi chỉ là một trò vui thoáng qua trong cuộc đời anh mà thôi.

Khi tôi đang chuẩn bị về nhà thì một cô gái mặc váy cưới vội băng qua đường đã làm tôi giật mình bíp mạnh tay phanh. Thế là cả hai cùng ngã sõng soài xuống lòng đường. Thật may cả hai cùng không sao, chỉ xước chút da tay và đầu gối. Cô gái rối rít xin lỗi. Còn tôi ngơ ngác khi nhận ra cô chính là cô gái ôm hoa tặng Phùng hôm bảo vệ luận văn. Tôi liền đi theo cô gái vào công viên. Chú rể không phải là Phùng. Vậy giờ này Phùng đang ở đâu. Bỗng dưng chuyện về Phùng lại trở về, không chỉ còn là cái chấm nhỏ trong cuộc đời tôi nữa. Những gì anh viết cho tôi là như thế nào. Anh đang ở đâu trong cuộc đời này. Tôi đã lại gần cô dâu mới kia và hỏi cô ấy về Phùng. Lúc đầu cô ấy từ chối trả lời, cô vội vàng kéo chú rể của mình ra góc khác. Tôi thấy mình thật vô duyên khi nhắc tên một người đàn ông khác trước mặt chồng sắp cưới của cô ấy. Nhưng khi tôi quay đi thì cô lại đuổi theo:

  • Vũ, có phải là Vũ không?
  • Vâng, tôi là Vũ.

Cô gái nói với chồng sắp cưới là cô ấy cần nói chuyện riêng với tôi một lúc. Cô gái đã kể cho tôi nghe về Phùng. Trước khi quen tôi vài năm, anh chuẩn bị tổ chức lễ cưới, thiệp mời đã gửi đi, cỗ bàn được đặt nhưng đêm trước ngày cưới, anh phát hiện ra vợ mình lại đang ôm ấp một người bạn thân của mình. Hình ảnh ấy như cú sốc đẩy anh vào vực thẳm. Người vợ sắp cưới ấy đã van xin anh tha thứ cho họ, cô ấy thú nhận rằng cô ấy đồng ý lấy Phùng là bởi bố mẹ ép, cô ấy xin anh có thể từ chối cô ấy nhưng xin anh đừng công khai chuyện đó. Trong lúc nóng giận, anh đã không đến rước dâu mà còn nói luôn ra chuyện cô vợ sắp cưới và anh bạn thân cho bố mẹ cô ấy biết. Cô ấy đã nguyền rủa anh sẽ chẳng bao giờ gặp được tình yêu đích thực của mình. Anh bị sốc và đã điều trị tâm lí. Từ đó anh không tin phụ nữ, anh ghê sợ họ và anh trả thù họ bằng cách anh tán tỉnh họ rồi lại bỏ rơi họ. Mất một thời gian anh mới bình tâm lại và quay lại trường học thạc sỹ. Cô gái mặc váy cưới mà tôi gặp ở công viên chính là người mà thầy giáo của Phùng đã giới thiệu cho anh.

  • Anh ấy không thích mình. Anh ấy có kể rằng anh ấy thực sự cảm thấy thương một cô gái khác, tên Vũ. Nhưng nỗi ám ảnh về câu chuyện cũ khiến anh ấy lại không đủ tự tin, cứ sợ sệt lại một lần nữa bị chối từ, bị phản bội. Nên anh ấy không dám thừa nhận tình cảm với Vũ, anh ấy cứ thoắt ẩn, thoắt hiện… Lần gần nhất mình gọi điện thông báo mình sắp kết hôn, mình có hỏi anh ấy đã tìm lại được Vũ chưa, thì anh ấy nói vẫn tìm mà chưa tìm được.

Tôi ra về, bỗng nhớ đến bức thư anh viết ba năm trước. Và lời cô gái ấy kể khiến tôi thổn thức. Phùng đã tìm tôi ư? Điều gì đó xui khiến tôi gọi vào số di động của anh. Tôi đã thay số nhiều lần nhưng vẫn nhớ nguyên số anh, dù tôi không bao giờ nhớ được số của chồng sắp cưới, không bao giờ nhớ được số của bố của mẹ. Nhưng số di động ấy cũng đã ở chế độ thuê bao.

Tôi ngồi gõ tên anh trên công cụ tìm kiếm của Google. Có lẽ việc đó cũng giống như cách người ta cầm bút viết tên một người thương lên giấy thôi. Tôi cứ ngỡ gõ lên rồi xóa đi. Nào ngờ tên anh hiện lên trên dãy tìm kiếm. Tên anh gắn liền với tên một công ty mà anh từng nhắc với tôi. Nghĩa là anh đã đến thành phố sôi động mà anh muốn. Anh đã làm việc ở nơi mà anh từng nói, nơi mà anh muốn rủ tôi về làm cùng. Tôi có nên gọi vào số máy bàn của công ty đó không. Tôi có nên tìm anh không?

Sau mấy đêm mất ngủ, tôi đã quyết định gọi vào số máy đó. Nhưng chuông đổ dài mà không có người bắt máy. Đến khi tôi đưa máy xuống thì phía đầu dây bên kia có tiếng người:

  • A lo
  • … có phải anh Phùng không?
  • ….Là … là Vũ, Vũ phải không?
  • Vâng.
  • Đừng cúp máy, xin em đừng cúp máy. Em khỏe chứ, còn ở thành phố đó không? Anh đã gọi vào di động của em nhưng không được. Anh đã tìm em.
  • Em đã chuyển về gần nhà rồi, anh… anh đã kết hôn chưa?
  • Chưa, anh vẫn chưa. Anh muốn tìm em. Em, em…

Đúng lúc đó, chồng sắp cưới của tôi bước vào, anh nhắc tôi ngủ sớm để không bị mệt, vì hôm sau khách sẽ đến rất đông.

Tôi biết phải làm gì lúc này, hay lại làm cô dâu chạy trốn. Phùng ơi, giá như, giá như ngày đó…