Lại thêm một tối đi làm về, đầu đau như búa bổ vì gió lạnh rít ù hai mang tai. Nàng chấm dầu gió vào hai bên thái dương, day day một hồi rồi leo lên giường vừa chùm chăn, vừa sấy tay chân cho đỡ buốt. Mấy hôm nay, hình như tối nào nhiệt độ cũng hạ xuống vài độ. Đang quen nhiệt độ trong phòng dễ chịu, đến khi hết giờ thì ai nấy cũng hối hả lao về tổ ấm, cơn lạnh mới ngấm vào thấu buốt tim gan. Băng qua khúc đường mở rộng trông thênh thang, nàng thấy đường về như xa thêm vài ki lô mét. Răng va vào nhau lập cập, hai tay run lên bần bật, nàng cố gồng mình, giữ vững tay lái khi vít ga phóng qua cây cầu vượt mới thông xe. “Mùa này, kinh khủng thật đấy”, nàng rít lên khi dừng xe đợi một nhịp đèn đỏ nữa là về nhà.

Ảnh: Pixabay

“Rét thật, thôi thì hôm nay chẳng tắm táp gì sất. Bẩn một hôm cũng chẳng chết được”. Nàng lập cập mở tủ lạnh lấy hộp bánh cuốn ăn còn thừa ban sáng bỏ vào lò vi sóng đợi quay vài vòng. Thế là xong bữa tối. Ăn xong lại lia bát vào chậu, lúc nào không còn bát đũa ăn thì rửa cả thể. Đến quần áo bỏ máy giặt, chỉ còn mỗi việc móc ra phơi lên dây còn ngại nữa là… Đúng là rét thì làm gì cũng ngại, ngoại trừ việc ăn và ngủ. Chẳng phải mình nàng lười, ai cũng ngại việc cả. Mấy chị có chồng, có con rồi là bắt buộc phải làm thôi, làm gì có chuyện tự nguyện và đam mê trở thành cái máy rửa bát, máy giặt cho nhà chồng khi thời trẻ vốn dĩ họ cũng từng là công chúa, cục cưng của bố mẹ.

Gió lùa vào từ cửa sổ làm cuốn lịch ở góc tường bay lật phật. Thời gian không có dây phanh, nhoằng một cái đã sang tháng Mười hai dương lịch. Mấy lại Tết. Tối rảnh rỗi, nàng bật ti vi cho có tiếng người nói chuyện, thấy VTV đưa tin lại có ca mắc Covid-19 ở Việt Nam. Thời buổi làm ăn cũng khó nên việc cũng không có nhiều để cày cuốc tăng ca đến tối sầm tối sờ; ấy thế, cũng có vài tối nàng ngồi trơ lại bỏ quên cả thời gian. Đồng nghiệp hỏi thì nàng đáp lại vu vơ khi thì đợi người đến đón, khi thì đợi bớt tắc đường mới về. Nàng chẳng vội về thật nhưng trong con mắt người đời, đấy lại là một trong những chọn lựa trái khoáy, quái gở, chẳng giống ai cả. Những ý nghĩ cứ chồng chất lên nhau, lớp chuyện này chưa nghĩ hết lại bị đè chồng lên bởi những lớp chuyện khác.

Nếu có ai đó đợi sẵn ở nhà, với mâm cơm nóng hổi, đèn phòng bếp sáng choang, có lẽ nàng cũng sẽ về đúng giờ, thậm chí là xin về sớm hơn. Quẩn quanh, nàng chỉ có một mình, không nuôi thêm chó, mèo bầu bạn như nhiều kẻ cô đơn khác vẫn làm. Bởi vậy, đôi khi nàng hay tránh những bữa cơm một mình trong căn phòng mà chỉ hé cửa ra là thấy cả phố thị ồn ào, huyên náo.

Mọi năm, cận Tết, nàng cũng lao đầu đi buôn đông bán tây thêm nếm vài đồng để cái Tết ấm no, để bố mẹ bớt so sánh con nhà người ta thế nọ, còn con nhà mình thế kia. Năm nay, nền kinh tế chưa kịp phục hồi lại có dấu hiệu phát dịch trở lại thì ai cũng lo âu. Nàng nghĩ về thất nghiệp, đói kém, vay mượn chằng chịt, bánh chưng không nhân thịt, nghĩ về cuộc đoàn viên gia đình sượng sùng vì một năm ai cũng túng thiếu. Bỗng tâm trí nàng ngập ngụa trong bao áp lực.

“Lương tháng bao nhiêu?

Thưởng Tết nhiều không?”

Đấy, còn là.. “Bao giờ lấy chồng?”

… Và còn một ngàn lẻ một câu thắc mắc khác từ hàng xóm, hai bên họ hàng nội ngoại.

Chán chẳng buồn nghĩ, nàng lại quay sang ước: giá mà được sống mãi những năm tháng thật bình thường, yên ổn với một công việc lương khoảng bảy, tám triệu, thỉnh thoảng cuối tuần, lễ tết về nhà ăn chung với bố mẹ một bữa cơm; đặc biệt là hàng xóm bớt hỏi han chuyện bao giờ cho bác ăn cỗ thì tốt biết mấy. Thành thật mà nói, nàng ghét Tết khủng khiếp. Công ty cho nghỉ từ 25 Tết mà năm nào cũng ở lại thành phố “lánh nạn” đến tận chiều 30 mới dám vác mặt về.

Ngó ra ngoài phố thấy yên ắng, nàng xỏ tất, xỏ giày băng sang quán trà đá bên đối diện nhà nàng ngồi “thám thính” chuyện thế giới. Buổi tối những ngày cuối năm cũ trôi qua thật lặng lẽ. Phố đìu hiu vì rét mướt, chẳng đông đúc người phóng xe ra đường; hoặc bất đắc dĩ phải đi đâu đó thì bịt kín mít, lao xe vun vút cho nhanh tới quãng đỗ. Quán nước vỉa hè lác đác vài thanh niên ngồi một mình. Đúng rồi, yêu nhau thì ngoài ấm ở trong lòng, người ta cũng ý nhị tìm mấy góc quán sang trọng có ghế sô pha hay thảm ngồi, cửa kính cho gió đỡ lùa chứ! Con người ta dù khù khờ đến đâu, khi có tí tình yêu vào thì đột nhiên trở nên tinh tế hơn dạo còn ế sưng ế sỉa là như thế.

Nàng ngồi bấm điện thoại, thỉnh thoảng liếc mắt để ý mấy anh khách cũng ngồi một mình giống mình. Ghế nhựa xanh đỏ, mặt ghế đựng một ly trà đã vơi đi một nửa, bao thuốc đậy kín nhưng có lẽ cũng không còn nhiều. Tàn thuốc bay mờ mờ dưới ánh đèn rọi từ xe cộ ngoài đường phố. Tóp thuốc vẫn còn hơi ấm của lửa đốt vương đầy vỉa hè. Nàng còn thấy lớp da mặt bóng dầu, đồng tử mắt đảo đều từ trái sang phải, từ phải sang trái để đọc thông tin vẫn để lộ nhiều tâm tư khi tay họ lướt bấm điện thoại liên tục; thỉnh thoảng rít một hơi thuốc dài rồi vẩy văng xuống nền đất khi bất ngờ tàn lửa cháy gần đến những đầu ngón tay.

“Cộp”, một anh trông hổ báo, đầu cạo trọc hếu, bóng loáng như gương khi ngồi dưới cột đèn công cộng vừa sẩy tay đánh rơi điện thoại xuống đất. Anh cúi nhặt, bấm bấm một hồi, màn hình vẫn tối thui. Bất lực và bực dọc, anh móc trong túi tờ năm ngàn đồng nhàu nát đè dưới chiếc bật lửa dính một cục bê tông to tổ chảng (mấy bà bán trà đá hay làm thế để tránh cái thói tiện tay đút túi của khách), miệng văng tục một câu trước lúc rời đi: “Mẹ nó, ngày gì mà đen như chó”. 

– Chắc em giai chiều tạch lô nên tâm trạng có vẻ không vui lắm – chị bán nước quay sang nói vu vơ với mấy người còn ngồi lại mà không chắc có ai nghe thấy lời chị, vì họ còn đang mải chúi đầu vào màn hình điện thoại.

Đến 11 rưỡi, chị bán nước vừa dọn gọn mấy chiếc ghế lại thì có hai thanh niên trẻ chạy xe ôm phóng tới gạt chân chống xe, bước vào gọi hai cốc trà đá để nuốt cho dễ trôi ổ bánh mì mua vội ở hàng rong. Chị thở dài, bưng nước cho khách rồi tiếp tục bấm điện thoại, gật gù chờ đợi khách rời đi để dọn hàng.

Biết ý, nàng chủ động trả tiền cốc trà đào ấm rồi nhấc mông đi về. Xỏ tay túi quần băng sang đường buổi đêm đã vắng hoe, nàng vừa đi, vừa lẩm bẩm: “Loanh quanh một lúc mà hết cả buổi tối”. Về tới cửa nhà, nàng thò tay vào trong khe cửa để mở khóa. Tiếng vặn chìa kêu ken két. Chắc phải nhỏ vài giọt dầu luyn cho cả đồng hồ và ổ khóa thôi! Cứ kèn kẹt, cành cạch như tiếng ma trêu buổi đêm vậy. Đến là rùng mình!

Càng dạo cuối năm, nghĩ về Tết, lòng lại càng thêm chằng chịt và trĩu nặng. Không tệ đến nỗi để gọi là sống một cuộc đời như vứt đi nhưng nàng cũng thử một lần đặt thắc mắc: tại sao khi gần chạm ngưỡng ba mươi tuổi, không ai gọi gái chưa chồng là gái trinh, mà lại thường bị gọi giễu cợt là “bà cô già”? Còn đàn ông lấy vợ muộn thì bảo là hiếm có khó tìm, giai tân lại chí thú làm ăn, mà trót dại thương mến nhiều em cùng lúc thì lại được tôn vinh là đào hoa? Ngẫm đi ngẫm lại, phụ nữ đúng là thiệt thòi thật.

Năm nào về quê ăn Tết cũng vậy, mười ngàn rưỡi câu hỏi vì sao chưa lấy chồng? “Con gái nó có thì, làm cao làm giá đến bao giờ nữa? Thằng đấy nó hơi vổ một tí nhưng nó hiền lành, gia đình cũng có của ăn của để. Thôi, gật đầu lấy quách nó đi cho xong. Bố mẹ ở nhà bớt đi một gánh lo còn an chí sống vui tuổi già..”. Nghe đến đoạn này, nàng phì cười. Nàng cứ tưởng nghề mối lái se duyên nó cao quý lắm, trang trọng lắm, hóa ra nghe cũng chua chát. Hay do tính cách bà mối này cộc cằn quá chăng? Quếnh quáng nghe người trên xóm dưới bảo bà mối góa chồng, nghe nói gò má cao là tướng sát phu nên dạo năm kia chồng đi làm thợ hồ bị ngã giàn giáo rơi từ tầng năm xuống đất và ở lại lòng đất luôn. Rồi bà cứ ở vậy, nuôi con, thỉnh thoảng thấy có vài người đàn ông không phải người trong làng đến nhà không biết đến nhờ mai mối hay nhân tình nhân ngãi. Biết thế, nàng cũng chẳng quan tâm. Giờ nàng chỉ nghĩ cưới thằng cha răng vổ về thì sau con mình có vổ giống bố nó không? Nàng chẳng làm giá, chỉ cần nhìn trông cũng đường được một tí là.. chốt hạ.

Đang ngồi đợi cốc nước nguội bớt để súc miệng trước lúc đi ngả lưng, bỗng nàng vỗ đùi đét một cái. Hay thuê một người nào đó để dẫn về mấy ngày Tết? Không ổn cho lắm! Đọc trên mạng có nhiều vụ thuê mướn người yêu về ra mắt dở khóc dở cười đủ rồi. Thôi kệ, ế thì chấp nhận là ế, sao cứ phải màu mè nhỉ?

Chuyện yêu đương ở tầm tuổi của nàng giờ khó hơn bắc thang lên trời. Phụ nữ đến tầm hai tám thì mặt già đanh như đã một chồng, hai lứa. Thế thì dù có mở lòng cũng chỉ hở van tim chứ chẳng ma nào dám mon men lại gần để hỏi em lấy anh nhá mà trông đợi.

Quen một người lớn tuổi, lỡ ở quê làm cỗ linh đình đón anh rể quý, đang vui vẻ chén chú chén anh với bố vợ tương lai, họ hàng thì bị vợ già và đám du côn du đồ rình bắt tận “sân nhà” thì nhục, thì bố mẹ không biết chui vào cái lỗ nẻ nào, thì cả họ mất cả Tết, thì đen đủi cả năm. Hoặc nếu quen với một thằng nhóc kém vài tuổi thì sao nhỉ? “Chị ơi sau này em giàu em sẽ cưới chị, cho chị cuộc sống sung sướng. Tạm thời trước mắt chị cho em 2 triệu em đóng tiền học lại nhé. Điểm F tận 3 môn chị ạ”. “Sau này”, nghe sao giống mấy cô bạn cũ hẹn xã giao “hôm nào rảnh cà phê nhá” thế chứ. Nàng chẳng tin.

Lúc ngồi trước gương xoa kem dưỡng ẩm, nàng bỗng thấy đời mình cay đắng. Gò má cũng chớm xuất hiện những đốm nám. Tóc mỗi lần chải rụng cả búi, buộc lên nhìn lộ rõ cả da đầu như ung thư giai đoạn hai, giai đoạn ba. Thanh xuân ngắn ngủi đo bằng gang tay. Đêm, tự vỗ về lòng mình: Thôi, đã nói kệ đến đâu thì đến thì cũng cố nằm xuống ngủ một giấc, nghĩ gì mai nghĩ tiếp. Tầm này, người ta chỉ khóc vì nghèo, khóc vì đói rét, bệnh tật chứ ai lại khóc vì cô độc, vì tuổi trẻ qua nhanh.

Nàng nằm xuống chiếc giường cũ ọp ẹp kêu ken két, kéo chăn thủng lỗ chỗ vài miếng kín lên tận cổ, cố nhắm mắt lại, bỏ mặc thế giới ngoài kia bao kẻ vẫn co ro ôm nhau phóng xe đi ngoài phố.