“Thảo ơi, Hiếu ơi…”

Ông Viễn run run vịn tay vào thành lan can, chậm chạp nhấc đôi dép nhựa tổ ong, bước từng bước xuống bậc cầu thang phủ một lớp bụi mỏng, cất giọng thì thào gọi.

“Hiếu ơi, Thảo ơi… có đứa nào ở dưới đó không?”

Không gian yên ắng chẳng có một tiếng trả lời, ông Viễn lụi hụi cúi người đi xuống.

Đây là phòng thằng Hiếu, cháu nội ông. Nó suốt ngày đóng cửa chơi điện tử, có khi mải đeo chụp tai mà không biết ông gọi cũng nên. Lộc cộc gõ cửa phòng ba tiếng, áp tai vào cửa lắng nghe cũng chẳng thấy gì. Thôi thì ông đành xuống dưới phòng con bé Thảo vậy.

Tết và ước mơ về một bữa cơm đoàn viên

Cô cháu gái nhỏ của ông thường xuyên hé cửa, nay cũng giống mọi khi, chẳng khóa bên trong. Nhưng ông gõ cửa rồi bước vào phòng thì trống không ai cả. Lạ nhỉ, hôm nay không phải học, vậy thì con bé đi đâu.

Xoa xoa cái đầu gối bắt đầu mỏi, ông lại dò dẫm cầu thang bước xuống tiếp. Ngang qua phòng con trai con dâu, biết tầm này chúng nó còn bận đi làm, nên ông cũng đâu gọi cửa. Chầm chậm một mạch ông xuống tận dưới nhà, phòng khách vắng tanh lạnh ngắt, chỉ còn vài vạt nắng chiều mỏng manh lướt nhẹ trên sàn.

Ông Viễn ngồi xuống ghế sa lông, thân già gầy gò lọt thỏm giữa lòng ghế rộng. Cơn gió chiều ùa qua cửa sổ, lay động tấm màn mỏng phất phơ. Gió còn mang theo hương hoa nhài nhàn nhạt, điều mà cửa sổ tầng ba chẳng có bao giờ.

Ông nhìn về phía cửa chính, thấy chiếc gậy ba toong cũ kỹ của mình. À thì ra nó ở đây, vậy mà ông cứ tìm trên phòng ông mãi. Người già khó khăn đi lại, thiếu mất gậy như cụt mất một chân, chính vì thế mà chả mấy khi ông đi ra khỏi cửa.

Ông Viễn đứng dậy, bước về phía đó, cầm lấy cây gậy xếp lẫn trong giỏ đựng ô. Ông nhờ hai đứa cháu tìm hộ mấy lần, thế mà chúng nó cứ kêu là bị mất. Mấy đứa trẻ con này, mắt còn thua cả người già thế hả?

Tìm thấy gậy, ông Viễn lại muốn đi chơi. Đã bao lâu ông chưa ra khỏi cửa rồi, cứ tù túng mãi trong mấy bức tường cũng chán. Và thế là ông đi.

Thực ra ông Viễn cũng chả đi xa, theo hương hoa nhài thoang thoảng, ông tản bộ đến công viên nhỏ gần nhà. Ngồi trên ghế đá, vừa xoa xoa đôi chân già vừa tận hưởng không khí trong lành khi hoàng hôn đang tới.

Công viên nhỏ cũ kỹ, dăm ba món đồ chơi hỏng hóc chẳng được bảo trì. Người đi dạo cũng ít, chỉ có mấy đứa trẻ con nô đùa với trái bóng tròn trên thảm cỏ chỗ úa chỗ xanh. Ông Viễn nhìn đám trẻ đó, lại nhớ đến khoảnh đất nhỏ sau đình làng, nơi mà tuổi thơ ông và cả con trai ông đều trải qua những tháng ngày rực nắng. Mới đấy mà đã bao năm trôi qua, người thì đã già, kí ức chỉ còn là những mảng ố vàng cũ kỹ.

Gió hiu hiu thổi, hương nhài thoảng đưa, hàng mi trĩu nặng, ông Viễn ngủ quên tự bao giờ.

Khi những tia nắng cuối cùng rủ nhau đi trốn mất, mây ngủ quên nơi cuối chân trời, đám trẻ nô đùa ai về nhà nấy, ông Viễn mơ màng nghe thấy những âm thanh văng vẳng quen quen.

“Bố ơi…”

“Ông nội ơi, ông ở đâu thế?”

Giọng ai như giọng con trai cháu gái của ông? Ông choàng tỉnh giấc.

“Bố đây rồi. Sao bố đi mà chẳng nói với chúng con tiếng nào? Làm cả nhà hốt hoảng đi tìm, vợ con còn đi báo công an kia kìa. Nhưng mà chưa đủ 24 giờ nên công an họ chưa giải quyết.”

Ông Viễn ái ngại, mới đi có một lát mà cả nhà đã nháo nhào cả lên. Mà cũng tại ông quên không viết giấy để lại báo cho tụi nhỏ một câu. Ây dà, tuổi già thật là đãng trí.

Con trai ông cứ cằn nhằn suốt đường về, dẫu biết là vì nó lo cho ông, nhưng mà nói nhiều thế không biết mệt sao? Chứ ông nghe thì mệt rồi, ông là bố chứ có phải con nó đâu.

“Lâu lâu bố mới ra khỏi nhà cho thoáng, ở nhà bí bách chật chội lắm. Ngày ngày quanh quẩn với bốn bức tường, con cháu lúc nào cũng bận rộn, có ai quan tâm đến ông già này đâu.”

Ông buồn, ông giận lẫy, ông nói thế đấy, để con ông biết là không phải tự nhiên mà ông muốn ra ngoài, để nó hiểu mà bớt đi vài câu lải nhải. Cuối cùng thì con trai cũng im, nhưng nom cái vẻ mặt nó về đến nhà rồi vẫn còn khó chịu lắm.

Mà hình như nó khó chịu với ông thật. Không nói hẳn ra nhưng trong lòng hẳn chê ông phiền phức. Ý nó bảo ông đãng trí tuổi già đừng đi lại lung tung. Chỉ cần ông ở yên một chỗ thôi, nó bớt lo còn yên tâm làm việc.

Từ sau hôm đó nó lấy cớ thu lại chìa khoá riêng của ông, bảo ông sau này cần đi đâu cứ bảo hai đứa nhỏ dẫn đi là được. Cha tiên sư nó chứ, nhờ được mấy đứa cháu thì ông đã chả phải khó nhọc đi lại một mình.

Ông Viễn ngồi nhìn ra cửa sổ tầng ba, cách đây mấy năm vẫn còn là khoảng trời xanh ngắt, nay thay bằng tường gạch trát vôi nham nhở của nhà hàng xóm mới xây. Người thành phố ai cũng thích nhà cao, hơn nhau một nóc nhà cũng cảm thấy mình hãnh diện. Nhưng họ có biết đâu rằng càng cao thì lòng người càng chật hẹp, chả còn chỗ dư thừa để đặt tình làng nghĩa xóm vào tâm. Chả như cái quê nghèo nơi ông từng sống.

Thời gian chậm chạp đưa ông trở về với quá khứ, về với nơi chôn nhau cắt rốn thuở xưa, nơi tuổi thơ rong ruổi với cánh diều, nơi ông gặp được người con gái thương yêu, cùng bà chung tay xây dựng nên mái nhà hạnh phúc.

Hồi đó nghèo lắm, hai vợ chồng ông vất vả sớm chiều, da đen xạm chân lấm lem bùn đất. Nhưng nụ cười bà vẫn làm ông ngây ngất, hàm răng đen tỏa nắng sớm ngọt ngào. Ông bà có với nhau chỉ có một mụn con, vì sức khỏe bà yếu nên ông không đòi hỏi nhiều thêm nữa. Chăm bẵm con từ khi còn nằm ngửa, cho đến khi thằng bé trưởng thành. Tuổi trẻ tài cao chí rộng, mảnh đất cọc cằn không níu giữ nổi chân con.

Ông Viễn không phải người cổ hủ, vì con đã mơ nên ông sẽ ủng hộ hết mình. Bao nhiêu chắt chiu bố mẹ dồn hết cho con lên thành phố xa xôi học hành và lập nghiệp. Không phụ công bố mẹ, con trai ông đã nỗ lực thành tài, có sự nghiệp riêng, lại có một gia đình hạnh phúc.

Cũng nhiều lần thằng bé thúc giục muốn đón bố mẹ lên thành phố để tiện bề phụng dưỡng, nhưng hai ông bà không thích đi xa, quẩn quanh bên lũy tre làng cũng đã thành nếp sống. Ở quê có gì không tốt? Có ruộng vườn nhà cửa, có không khí trong lành, có họ hàng xung quanh, hai ông bà chưa khi nào bị đói cả. Chỉ cần dăm bữa nửa tháng con cháu lại về, đường sá bây giờ sạch đẹp thuận tiện lắm, chứ đâu có khó khăn như ngày xưa đâu.

Cho đến khi bà nhà ông mất. Một thân già lủi thủi quanh quẩn chả muốn đi đâu, ngày ngày ra đứng ngó vườn cau, nhớ người thương mà nước mắt sầu mắt tủi.

Con trai một lần nữa đề nghị ông lên thành phố. Ông khước từ vì không muốn bà một mình ở lại hiu quạnh cô đơn. Thằng bé không hiểu, nó nói ông cổ hủ, chỉ cần mang bát hương mẹ lên thờ cúng là được, còn trách ông nếu chịu lên sớm thì nó đã kịp phụng dưỡng mẹ trong những ngày cuối đời.

Nó không biết, dù sao ở lại quê cũng là ước nguyện của bà. Giữa vợ với con, tất nhiên ông muốn chiều ý vợ.

Nhưng không may năm đó con ông làm ăn thua lỗ, sự nghiệp gây dựng bao năm có nguy cơ mất trắng nếu như không có vốn mới bù vào. Vì thương con nên ông bán nhà cửa ruộng vườn, chỉ chừa lại mảnh đất nhỏ trước đó đã cho cô em gái út mượn. Nhờ số tiền ông đưa, con ông từng bước xoay chuyển được tình hình, từ bên vực phá sản dần trên đà thắng lợi, ngày một tấn tới phát triển hơn.

Năm đầu theo con lên thành phố, sống trong nhà nho nhỏ vừa đủ chỗ ra vào, cháu con quấn túm, ngày nào cũng cười nói bí bô, ông cảm thấy hạnh phúc xiết bao. Nhưng rồi những đứa cháu của ông dần lớn, con bé Thảo sắp hết cấp một, còn thằng Hiếu đang đầu cấp ba. Chúng nó chê ông già, không còn muốn chơi với ông như ngày xưa nữa. Mà có lẽ ông già thật, lắm khi lũ trẻ nói cái gì cũng chẳng hiểu, có giải thích bao nhiêu thì cũng như nước đổ lá khoai. Rồi vợ chồng con trai ông chuyển nơi ở mới, nhà ba lầu đẹp đẽ khang trang. Từ ngày mỗi người đóng cửa một gian, ông cảm thấy mình cô đơn hẳn.

Ông ở trên lầu cao nhất, bên cạnh có gian thờ, ngày ngày ông vẫn qua nói chuyện với bà cho đỡ nhớ. Cơm nước đến bữa thì có người gọi xuống ăn, hôm nào đau chân thì đứa cháu nó bưng lên tận miệng. Dẫu biết là con cháu chẳng đứa nào bất hiếu, nhưng sống cảnh như vậy ông cứ cảm thấy buồn buồn.

Ông nhớ làng, nhớ xóm, nhớ thôn. Nhớ hàng cau trong vườn hoa trắng. Nhớ khoảng sân đầy nắng lá rụng trước nhà. Nhớ bà vợ già vẫn cười trong ký ức.

Ông muốn về quê, ông chán cuộc sống nơi thành thị này rồi!

Ông ngỏ ý với con trai. Thằng bé nghe xong cáu giận lắm. Nó dám mắng ông là già rồi nên nhiễu sự, trên thành phố cái gì cũng có giờ lại muốn về quê khốn khó một mình. Nhỡ ông ốm lăn ra đấy thì ai chăm, ông không thương bản thân thì cũng phải nghĩ cho các con chứ.

Ông buồn ông giận, nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Ngày xưa ông nuôi dưỡng ước mơ cho nó, vậy mà giờ nó lại chả hiểu cho ông. Nhìn căn phòng nhỏ trống không, ông Viễn buồn não ruột…

Tiếng chuông điện thoại báo tới, ông Viễn khùa tay trên nệm kiếm tìm. Tuổi già mắt mũi kèm nhèm, màn hình hiển thị tên ai ông cũng chả biết.

“A lô, anh Viễn à? Em Út đây. Sắp tới thanh minh rồi, anh có về với em ra thăm mộ chị không?”

Nắng tháng ba trời trong bát ngát, những ô lúa vàng ngào ngạt hương đưa. Cẩn thận nhổ từng khóm cỏ khô, đặt bó hoa tươi cho người đang cười trong bức ảnh.

“Đã bao năm rồi nhỉ, bà vẫn đẹp như thế. Còn tôi thì đã già chân chậm tay run.”

Ông Viễn ngồi tâm sự với vợ lâu thật là lâu, cho đến khi ánh nắng ngả màu mới chịu về. Căn nhà nhỏ của cô Út nằm nơi cuối xóm, từ xa xa đã ngửi thấy mùi tro bếp thơm thơm. Đã lâu lắm rồi ông Viễn không được tận hưởng khung cảnh làng quê thanh bình đến thế.

Hôm nay là tiết thanh minh, đã ráo trước mà sát ngày thằng con ông lại báo bận. Năm nào chả thế, việc công ty nó có bao giờ rảnh đâu, đấy là có vợ phụ một tay mà vẫn việc ngập đầu. Ông cũng quen nên chẳng bao giờ trách móc. Có những năm một mình đi cũng nhọc, con cái lại chẳng chở cho. Nay thì ông không chờ nữa, dù sao cũng có cô Út đây rồi, cái xe thằng cháu tuy tồi, nhưng đường êm nên chạy còn ngon chán.

Cô Út vùi mấy củ khoai xuống tro, he hé cái vung cho nước khỏi trào, nhìn ông anh trai mặt đầy tâm sự.

“Thế anh định về đây ở thật đấy ư? Thằng Cảnh nó không ý kiến gì à?”

“Ý kiến gì kệ, anh là bố nó cơ mà!” Ông Viễn trả lời chắc nịch. Lần này ông quyết rồi, sẽ không nghe theo lời nó nữa. Thế nhưng vừa dứt câu thì trong đầu lại tưởng tượng ra cái bản mặt lo lắng của con trai. Ông lắc đầu gạt đi, nếu mà cứ nhún nhường mãi thì ông chết khô trong cái căn nhà đó mất.

Cơm vừa chín, đám cháu nhỏ lăng xăng sắp bát sắp mâm. Nhà chật đông người lại càng ấm cúng. Cô Út cứ trêu ông dở hơi, đang ở thành phố tiện nghi lại thích chui đầu về quê thiếu thốn. Nói thế thôi chứ cả nhà cô lúc nào cũng nhiệt tình tiếp đón, ông ở một vài tháng hay mấy năm họ cũng chẳng ý kiến gì. Ở đây ông thấy hơi người, ở đây ông thấy nụ cười trong đáy mắt.

Chén cơm vừa xới thì nghe thấy tiếng xe ngoài đầu ngõ, con cháu nhỏ nhất nhà hấp hởi đứng lên.

“A, hình như xe của bác Cảnh. Bác Cảnh tới kìa ông Viễn ơi.”

Mặt ông Viễn đen sì lại, ở đây còn chưa ấm chỗ, lẽ nào nó đã tới đón ông về.

“Cảnh về chơi đấy à, vào ăn cơm đi cháu, vừa mới sắp bữa xong.”

Thằng con trai ông lễ phép cúi đầu chào bố, cô và chú. Ông Viễn chỉ ư hừ một cái, chả tỏ thái độ gì. Suốt bữa cơm nó nhìn đoán ý ông, còn ông cứ giả bộ vui vẻ trò chuyện với tất thảy mọi người, trừ nó.

Tàn bữa vẫn thấy thằng Cảnh im im, ông Viễn sốt ruột nên mở miệng ra nói trước:

“Muộn thế này anh còn xuống đây làm gì? Tôi là tôi không về trên đấy đâu nhé, anh thích thì về một mình.”

“Dạ không, còn xuống xem tình hình bố thế nào, tiện thể đem ít đồ cho bố. Bố thích ở lại nhà cô bao lâu cũng được, chơi khuây khỏa dăm ba bữa lại về với con.”

Ông Viễn há hốc mồm, mới mấy hôm trước còn tranh cãi với nhau, sao hôm nay thằng bé lại hiền như thế? Ông lom lom nhìn mặt nó, cố tìm xem có gì khác lạ không. Nhưng không, thế nên lòng ông cứ băn khoăn mãi.

“Con xin lỗi vì mải mê công việc mà không quan tâm tới mong ước của bố. Sáng nay vợ con ngồi phân tích cho con nghe rồi, đúng là con đang áp đặt cách sống của mình cho bố thật. Nay thấy bố ở nhà cô Út vui như thế, con cũng không nỡ đón bố về ngay. Nhưng bố nhớ phải thường xuyên liên lạc cho con để con bớt lo lắng nhé.”

À thì ra thằng bé đã hiểu, tự nhiên ông Viễn thấy vui hẳn ra. Ông cũng chẳng muốn đi quá xa, một năm về quê chơi dăm ba lần là đủ. Đời người cũng chẳng quá dài, có thể lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau, ước mơ của một người già hóa ra chỉ cần có thế…