Vẫn còn đó quê mình với những tên đất, tên làng vọng về trong dư địa chí. Vẫn còn đó giọng nói mô tê răng rứa nặng ân tình nghìn đời không pha tạp. Vẫn còn đó người nông dân tất bật một nắng hai sương với cánh đồng hai vụ chiêm mùa. Vẫn còn đó điệu dân ca thao thiết nghĩa tình. Vậy mà sao người con biền biệt tha hương tìm về cội nguồn vẫn thảng thốt như đánh rơi đâu đây kỷ niệm thuở thiếu thời. Quê giờ đây giếng nước im lìm rêu phong mơ dáng xưa cổ tích, khi di tích đã thành phế tích lãng quên. Mảnh ao làng hẹp dần trong ngổn ngang vật liệu, trong đôi mắt ngó nhìn xa xăm của những chú ếch, chú cua sót lại mơ thuở vàng son. Đình đền không còn nét cổ kính thâm nghiêm trong màu áo mới vừa tô vẽ… Ta chợt buồn thương, tiếc nuối khi có những thứ hữu hình và cả vô hình đã dần mất đi trong sự thờ ơ, vô tâm của lòng người. Chợt nhớ, ngày kỵ giỗ bà, ta lấy chiếc ngoáy trầu trên bàn thờ ra lau sạch bụi, mà rưng rưng nỗi niềm về một nét đẹp văn hoá đã phôi phai. Miếng trầu – thứ lễ nghi thân thuộc của làng mình, của hồn Việt xa xưa nay đã không còn hiển hiện trong đời sống thường nhật. Chợt nhớ rồi chợt thương…

Từ huyền sử xa xưa, cùng với tục xăm mình, miếng trầu đã xuất hiện trong phong tục của cư dân Việt thời đại Văn Lang. Miếng trầu gợi lên bao suy ngẫm về những mối quan hệ anh em, chồng vợ nghĩa tình qua câu chuyện cổ tích “Trầu cau”. Miếng trầu là đầu câu chuyện trong đời sống hằng ngày thấm đượm tình làng nghĩa xóm. Miếng trầu nên dâu nhà người để tác hợp cho đôi lứa, là sợi dây gắn kết lương duyên mà nên nghĩa vợ tình chồng (vì thế mà trong lễ ăn hỏi trai gái quê mình vẫn gọi là “tục bỏ trầu”). Miếng trầu, chén rượu, cây hương trên bàn thờ gia tiên ngày lễ tết là lễ nghi tối thiểu không thể thiếu để tưởng nhớ cội nguồn. Miếng trầu còn là cách làm đẹp một góc con người (ta còn nhớ hình ảnh “Những nàng môi cắn chỉ quyết trầu/ Cười như mùa thu toả nắng” trong thơ Hoàng Cầm)…

Gặp nhau ăn một miếng trầu…” - Báo Cần Thơ Online

Trên chiếc cơi trầu đặt nơi đầu chõng của bà ta ngày xưa lúc nào cũng thấy mấy lá trầu quế, vài quả cau, ống ngoáy, bình vôi, chìa vôi, ống nhổ, khúc rễ đắng hoặc miếng vỏ chay, có người còn cả bao thuốc lào ăn kèm cho đậm đà hương vị. Ăn một miếng trầu với vị ngọt của cau, vị cay của lá trầu, vị đắng chát của rễ, vỏ chay; vị nóng của vôi tạo nên một hỗn hợp nồng thơm hoà quyện. Miếng trầu đạt độ “ngon” là khi nhổ miếng nước trầu đỏ tươi, miếng trầu nhai bã không nát bấy. Ăn trầu dẫu chỉ ăn cho vui mà cũng mang lại bao suy ngẫm triết lí âm dương ngũ hành biểu tượng cho sự hoà hợp, quấn quýt lứa đôi.

Giờ đến lượt mẹ ta cùng các bà lão trong xóm ở tuổi cổ lai hy bỗng chốc trở thành người quan trọng mỗi khi làng có dịp lễ lạt, hiếu hỷ. Bởi thế hệ ngày nay còn mấy ai còn biết cách têm trầu, đặc biệt khó như trầu têm cánh phượng. Têm trầu, chẳng ai bày dạy, chẳng có nghệ nhân, muốn học thì chỉ còn cách là theo dõi và thực hành theo. Nhìn miếng cau, lá trầu têm như thế nào cũng một phần thấy được chân dung của con người. Miếng trầu têm vụng hay khéo, quả cau bổ thanh hay dày đều thể hiện sự tinh tế, nét tính cách con người. Chả thế mà ông cha ta thường nói: “Yêu nhau cau sáu bổ ba/ Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười” hay “Thân em như miếng cau khô/ Người thanh tham mỏng người thô tham dày” đó sao.

Thuở nhỏ, ta vẫn thường thấy hình ảnh bà ta cùng các bà lão xóm giềng lúc nào trong túi áo, bên hông cũng kè kè một túi may bằng vải để đựng trầu. Không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng ăn trầu. Mời nhau một miếng trầu mộc mạc, dân dã mà thấm đượm tình người, tình đời chất phác thật thà. Mùa đông, ăn một miếng trầu cũng là cách để chống lại với cái rét như cắt da cắt thịt của quê mình. Ta còn mường tượng bên cánh võng đung đưa trưa hè, lẫn trong những lời hát ru, những câu chuyện kể là hương vị nồng ấm mùi trầu từ cái miệng bỏm bẻm của bà đưa ta vào giấc ngủ.

Thế mà nét đẹp dân dã ấy đang dần mai một. Làng quê chuyển mình trong thời đổi mới. Đã chẳng còn nghe tiếng “gọi nhau râm ran chè xanh” hay “Gặp đây ăn một miếng trầu/ Không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng” nữa. Trai gái chẳng còn mượn ca dao, dân ca để bày tỏ lòng mình; mượn chuyện trầu cau để toan tính chuyện lứa đôi “Trầu xanh, cau trắng, chay hồng/ Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên”, “Yêu nhau trầu vỏ cũng say/ Ghét nhau cau đậu đầu khay chẳng màng”…

Vượt lên khỏi thói tục hằng ngày của các bà các mẹ; miếng trầu trở thành một nét văn hoá rất Việt Nam, một thứ lễ nghi không thể thiếu trong mọi sinh hoạt văn hoá tinh thần và tâm linh của người Việt. Tiếc thay, văn hoá ấy đã dần mai một. Mai rồi những lớp người xưa về miền mây trắng, còn ai biết cách têm trầu. Ngậm ngùi thương trên bàn thờ ngày lễ tết, quả cau lá trầu dọn ra chẳng gọt chẳng têm; ngày qua ngày khô héo vứt đi. Ngậm ngùi nhớ một dĩ vãng nào, đám cưới nhà ai, đôi nam thanh nữ tú trong bộ áo the khăn đóng bưng đĩa trầu chào họ mà cất tiếng hát lưu luyến, da diết: Trầu này trầu tính, trầu tình. Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta. Miếng trầu là miếng trầu hoa…